Ai cần dùng thuốc bổ xương khớp?

Thoái hóa xương khớp là tình trạng hư hỏng phần sụn, đệm giữa hai đầu xương có kèm theo phản ứng viêm và giảm sút lượng dịch nhầy giúp bôi trơn. Điều này dẫn đến tăng cảm giác đau đớn và cứng khớp. Đối với những trường hợp này, các bác sĩ thường chỉ định điều trị với thuốc bổ sung xương khớp.

1. Đối tượng cần sử dụng thuốc bổ xương khớp

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, thoái hóa khớp là nguyên nhân gây ra tàn tật phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Bệnh lý này chiếm 50% toàn bộ gánh nặng bệnh cơ xương khớp, ước tính trên toàn thế giới có khoảng 9,6% nam giới và 18,0% phụ nữ trên 60 tuổi bị thoái hóa khớp có kèm theo triệu chứng. Nếu như trước đây, bệnh thoái hóa khớp được coi là căn bệnh của người già thì hiện nay, không ít người khoảng hơn 20 tuổi đến 30 tuổi đã bị thoái hóa khớp. Nếu không được điều trị kịp thời, người bị thoái hóa khớp có nguy cơ tàn phế rất cao.

2. Thuốc bổ xương khớp Glucosamine là gì?

Thực tế, thuốc bổ xương khớp Glucosamine là hợp chất có sẵn trong cơ thể con người có vai trò như là chất dẫn giúp hình thành và phát triển các lớp sụn, mô xương khớp. Thế nhưng càng lớn tuổi lượng hợp chất này trong cơ thể bị giảm dần đi, làm xương khớp không còn khỏe mạnh, dần dần khiến con người dễ mắc phải những bệnh lý liên quan đến xương khớp.

Vì thế nhu cầu cung cấp Glucosamine từ bên ngoài để hỗ trợ điều trị bệnh lý về xương khớp là rất cao. Với những người đang gặp vấn đề xương khớp, bác sĩ điều trị thường kê các đơn thuốc có chứa Glucosamine nhằm giúp cơ thể người bệnh được cung cấp thêm dưỡng chất cần thiết trong việc tái tạo sụn mới, đồng thời giảm thiểu các cơn đau nhức do viêm lý về xương khớp hoặc bệnh thoái hóa xương khớp gây ra.

Các loại thuốc bổ xương khớp được sử dụng phổ biến bởi các công dụng hữu ích cho người bệnh xương khớp như:

  • Thúc đẩy quá trình tái tạo sụn mới, từ đó tạo điều kiện cho các khớp xương đang bị tổn thương được phục hồi.
  • Giúp giảm thiểu tình trạng đau nhức, sưng đỏ các khớp ở người bệnh.
  • Liên kết lại các mô ở khớp giúp cơ thể hoạt động dẻo dai và linh hoạt hơn.

3. Khi nào nên dùng thuốc bổ xương khớp cho người già?

Bạn nên dùng thuốc bổ xương khớp khi gặp các vấn đề đau xương khớp. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, khi sử dụng cần hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị và đọc kỹ các thông tin về thuốc được dán trên vỏ bao bì hoặc giấy hướng dẫn sử dụng. Đồng thời, thuốc bổ xương khớp cho người già phải sử dụng đúng theo liều lượng chỉ định, không được uống quá liều hoặc kéo dài thời gian so với thời gian đã được bác sĩ điều trị kê đơn.

Trước khi sử dụng thuốc bổ xương khớp cho người già, bạn cần kê khai với bác sĩ nếu thuộc các trường hợp sau:

  • Phụ nữ đang trong thời gian mang thai hay đang cho con bú;
  • Người có tiền sử hay cơ địa dị ứng với các thành phần trong thuốc;
  • Bạn đang sử dụng thêm các loại thuốc nào nếu có (kể cả thuốc được kê đơn hay thuốc không kê đơn, các loại thảo mộc, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng);
  • Bạn có ý định cho trẻ em sử dụng loại thuốc này;
  • Bạn đang hoặc có tiền sử bị các bệnh khác ngoài vấn đề xương khớp.

Liều dùng thuốc bổ xương khớp đối với người lớn:

  • Hiện nay các loại thuốc bổ xương khớp cho người già chỉ được chỉ định cho người lớn mắc các bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp. Liều dùng như sau: Uống 500mg, 3 đến 4 lần/1 ngày; mức tối đa 1500mg/1 ngày; uống sau khi ăn.
  • Đối với phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú thì chỉ được sử dụng thuốc khi có sự cho phép của bác sĩ.
  • Nếu bạn muốn dùng thuốc bổ xương khớp cho đối tượng là trẻ em thì cần có sự chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý để trẻ nhỏ uống.
  • Lưu ý, trường hợp dùng thuốc bổ xương khớp cho người già quá liều bạn hãy liên lạc ngay với trung tâm y tế hoặc bệnh viện gần nhất để xử lý.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc bổ sung xương khớp Glucosamine

4.1. Các tác dụng không mong muốn có thể gặp phải

Khi sử dụng thuốc bổ xương khớp thì bạn có thể gặp phải các triệu chứng phụ như: Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón, đầy tức bụng, đau nhức đầu, buồn ngủ, buồn nôn, đau dạ dày,... Danh sách này không phải là tất cả các tác dụng không mong muốn của loại thuốc này mà có thể sẽ còn thêm một vài tác dụng không mong muốn khác nữa.

4.2. Tương tác của thuốc bổ xương khớp:

  • Khi dùng thuốc bổ xương khớp cho người già với nhiều loại thuốc cùng một lúc sẽ không thể tránh khỏi các trường hợp thuốc này tác động đến công dụng của các loại thuốc kia. Để các trường hợp tương tác thuốc không xảy ra, bạn nên liệt kê đầy đủ những loại đang sử dụng, bao gồm các loại thuốc được kê đơn hay thuốc không kê đơn, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng không được phép tự ý thay đổi liều dùng khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ điều trị.
  • Trường hợp tương tác thuốc giữa thuốc bổ xương khớp cho người già sẽ xảy ra khi bạn có sử dụng đồng thời các loại thuốc sau: thuốc chống đông, thuốc insulin, thuốc trợ tim, thuốc lợi tiểu.
  • Các loại thực phẩm, đồ uống cần hạn chế sử dụng: Khi có ý định sử dụng thuốc bổ xương khớp cho người già, bạn nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không có lợi cho sức khỏe và có thể làm giảm công dụng điều trị của thuốc như bia rượu và hút thuốc lá. Đặc biệt không uống nước chè để uống thuốc.

4.3 Cách bảo quản thuốc bổ xương khớp:

  • Người sử dụng bảo quản thuốc bổ xương khớp cho người già ở nhiệt độ trong nhà, tránh độ ẩm và ánh sáng mặt trời.
  • Không bảo quản loại thuốc này trong tủ lạnh ngăn đá hoặc trong phòng tắm ẩm.
  • Bảo quản thuốc bổ xương khớp tránh xa tầm tay của trẻ em và các loại vật nuôi trong gia đình. Ngoài ra, đối với mỗi loại thuốc sẽ có hướng dẫn bảo quản khác nhau. Bạn cần đọc theo hướng dẫn được in trên bao bì để có thể bảo quản một cách tốt nhất.
  • Đối với thuốc bổ xương khớp đã hết hạn sử dụng bạn nên vứt bỏ thuốc vào thùng rác theo đúng quy trình xử lý rác thải.
  • Không nên vứt trực tiếp thuốc vào trong nhà vệ sinh hoặc các hệ thống đường ống dẫn nước.

5. Giải pháp hiệu quả cho người bệnh xương khớp

  • Tùy từng vị trí thoái hóa, mức độ thoái hóa, tuổi tác, thể trạng và mong muốn của từng người bệnh cụ thể mà sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Phổ biến nhất là sử dụng thuốc giảm đau, các loại thuốc kháng viêm. Tuy nhiên, nếu điều trị với thuốc bổ xương khớp cho người già trong thời gian quá dài mà không có chỉ định của bác sĩ điều trị sẽ dễ gặp nhiều tác dụng không mong muốn. Cụ thể, tác dụng phụ đối với đường tiêu hóa như xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày; gây hại đối với sụn khớp, gây ra các biến chứng tại chỗ như phản ứng viêm khớp do tinh thể thuốc, nhiễm khuẩn khớp, làm nghiêm trọng thêm quá trình thoái hoá khớp trong thời gian lâu dài.
  • Tiêm chất nhờn Acid hyaluronic (AH) vào khớp được coi là phương pháp điều trị hiệu quả trên hầu hết người bị bệnh thoái hóa khớp. AH là hợp chất có trong cơ thể người tác dụng như một chất bôi trơn cho sụn khớp, tổ chức da, mắt, gân, cơ... Khi khớp bị thoái hóa, lượng AH giảm. Việc bổ sung AH vào khớp giúp phục hồi dịch khớp, độ nhờn, cải thiện đáng kể chức năng hoạt động của khớp; ức chế việc thoái hóa sụn khớp do tăng hoạt tính men chuyển hóa, tăng sinh tổng hợp tế bào sụn.

Việc thăm khám sớm được coi là chìa khóa quyết định hiệu quả điều trị. Người bệnh cũng nên lưu ý lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, bác sĩ chuyên khoa giỏi, có cơ sở vật chất hiện đại, phòng thủ thuật đảm bảo công nghệ vô khuẩn, vô trùng... để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan