Bạn nên đi tiểu bao nhiêu lần một ngày?

Số lần đi tiểu thường thay đổi trong các ngày khác nhau mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy việc đi tiểu quá nhiều hoặc quá ít ảnh hưởng đến chất lượng sống, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

1.Đi tiểu bao nhiêu lần một ngày là bình thường?

Một người khỏe mạnh có thể đi tiểu từ 4 - 10 lần/ngày. Tuy nhiên, số lần đi tiểu trung bình thường là từ 6 - 7 lần/ngày. Số lần đi tiểu có thể khác nhau trong những ngày khác, phụ thuộc vào các yếu tố:

  • Tuổi tác
  • Lượng nước uống trong ngày
  • Loại nước uống
  • Bệnh tật như bệnh tiểu đường hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Thuốc
  • Kích thước bàng quang
  • Mang thai và những tuần đầu sau sinh

XEM THÊM: Vì sao bạn đi tiểu nhiều lần khi mang thai?

2. Các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến tần suất đi tiểu

Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường có thể khiến bạn đi tiểu nhiều hơn

Bên cạnh các chứng tiểu không tự chủ, bí tiểu hoặc các vấn đề về tuyến tiền liệt ở nam giới, một số các vấn đề sức khỏe khác có thể ảnh hưởng đến tần suất đi tiểu bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường: Lượng đường tăng thêm trong máu làm chất lỏng trong cơ thể dịch chuyển khiến bạn đi tiểu nhiều hơn.
  • Tăng hoặc hạ calci huyết: Nếu nồng độ canxi trong cơ thể không cân bằng, cho dù chúng quá cao hay quá thấp, điều này có thể làm rối loạn dòng chảy nước tiểu trong cơ thể.
  • Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm: Ảnh hưởng đến chức năng thận và nồng độ của nước tiểu khiến họ đi tiểu nhiều hơn.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): Phổ biến hơn ở phụ nữ. Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây tiểu rắt, tiểu rát. Có nhiều nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu, vì vậy tốt nhất bạn nên đi khám để xác định nguyên nhân chính xác và điều trị kịp thời.
  • Phì đại tuyến tiền liệt: Thường xảy ra do u xơ tuyến tiền liệt (BPH). Khi tuyến tiền liệt bị phì đại, nó có thể cản trở dòng chảy của nước tiểu ra khỏi bàng quang.
  • Bệnh tim mạch và thận: Người mắc bệnh tim mạch và thận thường được đề nghị sử dụng thuốc lợi tiểu gây đi tiểu thường xuyên hơn. Một số loại thuốc lợi thường được sử dụng như chlorothiazide (Diuril), chlorthalidone (Thalitone), hydrochlorothiazide (Microzide), indapamide, metolazone, bumetanide (Bumex), furosemide (Lasix), torsemide (Demadex), amiloride (Midamor), eplerenone (Inspra), spironolactone (Aldactone), triamterene (Dyrenium).
  • Người nghiện rượu và caffeine: Rượu và caffeine đều có thể có tác dụng lợi tiểu. Caffeine được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống như cà phê, trà, nước ngọt, sô cô la nóng, nước tăng lực.

XEM THÊM: Đi tiểu nhiều lần trong ngày cảnh báo bệnh gì?

3. Đi tiểu nhiều hoặc ít là bất thường khi nào?

Xét nghiệm nước tiểu
Nếu bạn thấy nước tiểu đổi màu và đi tiểu nhiều nên đi khám

Bạn nên đi khám sức khỏe nếu việc đi tiểu nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh bàng quang tăng hoạt cần được điều trị nếu bạn được chẩn đoán.

Ngược lại, nếu đi tiểu quá ít hoặc tiểu rắt, bạn cũng nên đi khám, đặc biệt là nam giới lớn tuổi. Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám nếu đi tiểu nhiều hoặc ít kèm theo bất kỳ các triệu chứng sau:

  • Sốt và đau lưng
  • Máu trong nước tiểu
  • Nước tiểu trắng và đục
  • Nước tiểu đổi màu
  • Nước tiểu có mùi mạnh hoặc bất thường

4. Các biện pháp điều trị đối với tiểu nhiều hoặc ít

Các biện pháp điều trị tình trạng đi tiểu nhiều, tiểu ít như sau:

  • Nếu bạn đang mang thai, tình trạng đi tiểu thường xuyên sẽ tiếp tục cho đến khi sinh con.
  • Nếu bạn bị tiểu đường, quản lý lượng đường trong máu sẽ giảm nhu cầu đi tiểu. Nếu do nhiễm trùng đường tiết niệu thì khi nhiễm trùng hết, lượng nước tiểu sẽ trở lại bình thường.
  • Nếu bị phì đại tuyến tiền liệt ngăn dòng chảy nước tiểu, bạn có thể cần dùng thuốc để tăng lưu lượng nước tiểu hoặc giảm kích thước tuyến tiền liệt.
  • Nếu bạn đang dùng thuốc lợi tiểu cho bệnh suy tim hoặc huyết áp cao, bác sĩ có thể cố gắng điều chỉnh liều lượng để làm giảm số lần đi tiểu.
Thuốc lợi tiểu được sử dụng để điều trị suy tim rất phổ biến
Bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng để làm giảm số lần đi tiểu khi bạn đang dùng thuốc lợi tiểu cho bệnh suy tim

5. Lời khuyên cho đường tiết niệu khỏe mạnh

Đối với phụ nữ, đi tiểu trước hoặc sau khi quan hệ tình dục có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Một số mẹo để giảm kích ứng bộ phận sinh dục và tiết niệu như sau:

  • Ăn thực phẩm giàu probiotics, đặc biệt là lactobacillus, được tìm thấy trong sữa chua và kefir, rất hữu ích cho phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.
  • Nếu bạn sử dụng dung dịch vệ sinh vùng kín, hãy chọn các sản phẩm không mùi dành cho da nhạy cảm.
  • Mặc đồ lót bằng vải cotton, rộng rãi.
  • Tránh quần jean và legging bó sát.
  • Cân nhắc không mặc đồ lót khi đi ngủ để giúp vùng kín mát hơn.
  • Uống từ 6 - 8 cốc nước thể tích 360ml mỗi ngày.
  • Tránh uống quá nhiều rượu, soda hoặc caffeine.
  • Tránh những thứ gây kích ứng bàng quang như chất làm ngọt nhân tạo và hút thuốc lá.

Tiểu nhiều lần có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì thế nếu bạn thấy có sự bất thường về tần suất, mùi và màu sắc nước tiểu thì bạn nên sớm đến các cơ sở y tế để thực hiện khám sức khỏe tổng quát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

92.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan