Bệnh nhiễm giun đầu gai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Tấn Phúc - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Bệnh nhiễm giun đầu gai có nhiều thể khác nhau nguy hiểm nhất là thể thần kinh. Thể thần kinh gây nhiều biến chứng có thể tử vong.

1. Tìm hiểu về bệnh nhiễm giun đầu gai

  • Bệnh giun đầu gai ở người là bệnh truyền nhiễm do ấu trùng của Gnathostoma spinigerum từ chó và mèo.
  • Bệnh nhiễm giun đầu gai lây truyền như thế nào? Người nhiễm bệnh tiếp xúc với thịt của các vật chủ trung gian truyền bệnh bao gồm: cá, lưỡng cư, giáp xác, chim. Ấu trùng từ các vật chủ trung gian đi vào mô cơ thể người và di chuyển chậm đến nhiều mô khác nhau trong cơ thể hình thành quá trình sưng phồng mô dưới da, đặc biệt ấu trùng sẽ phá hủy cấu trúc khi chúng chết bên trong não hoặc mắt.
  • Bệnh giun đầu gai phân chia thành nhiều thể khác nhau. Hay gặp nhất là thể ký sinh phủ tạng, thể dưới da. Thể hiếm gặp nhất của bệnh giun đầu gai là thể thần kinh - thể nguy hiểm nhất do các biến chứng của hệ thần kinh trung ương. Thể này đặc trưng bởi triệu chứng đau của bệnh lý rễ thần kinh, liệt hai chi dưới, bệnh cảnh của viêm màng não.
Liệt
Thể bệnh giun đầu gai có thể khiến bệnh nhân liệt hai chi dưới

2. Triệu chứng nhiễm giun đầu gai

-Triệu chứng toàn thân: Bệnh có thời gian ủ bệnh thường 3 – 7 ngày. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng như suy nhược cơ thể nhẹ, sốt, nổi mày đay, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, mệt mỏi.

Các triệu chứng khác tùy thuộc vào tình huống ấu trùng di chuyển đến cơ quan nào?

  • Ấu trùng di chuyển đến da và mô mềm biểu hiện bằng nhiều khối u di động dưới da, đau, ngứa có khi sưng phù và đỏ ở nhiều vùng da như bị dị ứng. Sau đó có thể tạo thành các ổ áp xe hoặc những đường hầm dưới da vùng hông, vùng ngực, thái dương... và kết thúc khi ấu trùng chui ra từ các ổ áp xe dưới da. Hiện tượng ấu trùng di chuyển có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm.
  • Ấu trùng di chuyển đến phổi gây ra các triệu chứng như ho, đau ngực, khó thở, ho ra máu, ho ra giun, gây viêm phổi, tràn dịch màng phổi, áp xe phổi.
  • Ấu trùng di chuyển đến hệ tiêu hóa gây ra các triệu chứng giống như viêm ruột thừa, viêm túi mật, khối u ở ruột hoặc nhầm với những triệu chứng của viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm tụy cấp... Di chuyển đến gan gây sốt, đau vùng gan dễ chẩn đoán nhầm với viêm gan...
  • Hệ tiết niệu: tiểu ra máu, nhiễm trùng tiết niệu,...
Hệ tiêu hóa
Ấu trùng di chuyển tới hệ tiêu hóa sẽ gây ra những triệu chứng giống viêm ruột thừa
  • Mắt gây đau nhức mắt, giảm thị lực, gây viêm mống mắt, viêm màng bồ đào, xuất huyết trong mắt, mù lòa,...
  • Tai: giảm sức nghe hoặc ù tai.
  • Hệ thần kinh trung ương:
  • Viêm tủy rễ thần kinh (hay gặp nhất), viêm não-tủy-rễ thần kinh, viêm não-màng não, xuất huyết não,...
  • Đau liên quan đến rễ thần kinh, tiếp theo sau đó có thể liệt hoặc giảm cảm giác một vài ngày. Liệt dây thần kinh sọ não, liệt chi, tiểu không tự chủ.
  • Não: Gây viêm não, xuất huyết não, có thể khiến người bệnh bị tàn phế hoặc tử vong.

3. Chẩn đoán bệnh nhiễm giun đầu gai

Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng.

Các xét nghiệm chẩn đoán:

  • Huyết thanh chẩn đoán: Xét nghiệm ELISA và Western blot là những xét nghiệm có giá trị chẩn đoán cao tuy nhiên không phải ở cơ sở y tế nào cũng thực hiện được các xét nghiệm này.
  • Xét nghiệm công thức máu có bạch cầu ái toan tăng cao, bạch cầu ái toan có thể tăng trên 50% so với tổng số bạch cầu chung.
  • Soi đờm có thể thấy giun.
  • Xét nghiệm mô học: có thể tìm thấy ấu trùng. Trong mô, chủ yếu bạch cầu eosin, kèm theo xuất hiện nhiều nguyên bào sợi, mô bào, tế bào khổng lồ lạ.
Xét nghiệm đàm chẩn đoán bệnh lao
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhiễm giun đầu gai

4. Điều trị bệnh nhiễm giun đầu gai

  • Các bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú, cần điều trị dài ngày nên việc tuân thủ điều trị phụ thuộc phần lớn vào bệnh nhân.
  • Một số trường hợp có thể được mổ hoặc phẫu tích lấy giun ra, nhất là khi bệnh có dấu hiệu viêm tấy tại chỗ nặng
  • Thuốc điều trị. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như phác đồ hữu hiệu cho loại giun này. Các thuốc có thể sử dụng như: Ivermectin, Albendazole, Mebendazole, Corticosteroids. Corticosteroids đóng vai trò quan trọng trong điều trị vì tác dụng kháng viêm, chống dị ứng trong: mề đay, đau, ngứa, ban đỏ, nốt dạng đinh nhọt hay thể hệ thần kinh trung ương.

5. Phòng bệnh

  • Không ăn các thực phẩm sống hoặc nấu chưa chín nhất là vùng lưu hành bệnh.
  • Uống nước đun sôi để nguội.
  • Mang đồ bảo hộ như đeo găng tay khi chế biến đồ ăn hay tiếp xúc với nước hoặc thịt nhiễm bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan