Bị sốt xuất huyết tiểu cầu giảm bao nhiêu thì nguy hiểm?

Sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, một trong số đó là giảm tiểu cầu. Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu khiến cho tiểu cầu bị phá hủy và bệnh nhân rất dễ bị chảy máu dưới một tác động nhẹ. Vậy khi bị sốt xuất huyết tiểu cầu giảm bao nhiêu là nguy hiểm?

1. Bệnh sốt xuất huyết giảm tiểu cầu có nguy hiểm không?

Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu là tình trạng số lượng tiểu cầu trong máu bị giảm dưới mức bình thường (dưới 150.000/mm3 hay tương đương < 150G/L). Nguyên nhân của tình trạng này là do virus gây bệnh sốt xuất huyết gây ra. Loại virus gây bệnh chủ yếu thuộc họ Filoviridae – Dengue, với tác nhân trung gian truyền bệnh chính là muỗi vằn.

Bệnh sốt xuất huyết giảm tiểu cầu thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn chính, bao gồm:

  • Giai đoạn sốt: Giai đoạn này bệnh nhân thường có các biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục, đau nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Xung huyết ở da, đau khớp xương và cơ, nhức 2 hốc mắt, xuất huyết dưới da, chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng.
  • Giai đoạn nguy hiểm: Giai đoạn này thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Bệnh nhân có thể vẫn còn sốt hoặc đã thuyên giảm. Một số biểu hiện dễ gặp ở giai đoạn này đó là thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, phù nề mi mắt, tràn dịch màng phổi, gan to, có thể đau, da lạnh ẩm, li bì, tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít... Vào ngày thứ 4 của bệnh, làm xét nghiệm thường thấy số lượng tiểu cầu giảm đáng kể. Người lớn thường không bị sốc do sốt xuất huyết, mức độ giảm tiểu cầu trong sốt xuất huyết ở người trưởng thành thường từ nhẹ đến vừa, xảy ra từ ngày thứ 3 - 7 của bệnh, sau đó tiểu cầu trở lại mức bình thường vào ngày thứ 8 hoặc 9. Đối với trẻ nhỏ, có rất ít mối tương quan giữa mức độ giảm tiểu cầu và các biểu hiện chảy máu hoặc tương quan giữa số lượng tiểu cầu cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bệnh nhân thường có biểu hiện xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, đi tiểu máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kỳ kinh sớm hơn, xuất huyết tiêu hóa/ phổi/ não. Một số trường hợp nặng có thể có các biểu hiện của tình trạng suy tạng như là viêm gan, viêm não, viêm cơ tim.
  • Giai đoạn hồi phục: Giai đoạn này kéo dài khoảng 48-72 giờ. Bệnh nhân hết sốt, thể trạng tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động ổn định và đi tiểu nhiều. Nếu truyền dịch quá mức trong giai đoạn này có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim.

Trẻ nhỏ bị sốt xuất huyết giảm tiểu cầu có thể khiến cho lượng tiểu cầu giảm thấp hơn 6 lần so với mức bình thường, điều này có thể dẫn tới tình trạng thoát huyết tương và gây ra các biến chứng rất nguy hiểm đối với trẻ. Huyết áp của bệnh nhân nhi lúc này có thể giảm xuống mức nguy hiểm, gây sốc và trong một số trường hợp trẻ có thể bị tử vong nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.

2. Khi bị sốt xuất huyết tiểu cầu giảm bao nhiêu là nguy hiểm?

Sốt xuất huyết thường dẫn tới giảm tiểu cầu vì khi bị nhiễm virus, cơ thể bạn sẽ sinh ra các kháng thể chống lại virus, vô tình các kháng thể này lại phá hủy cả tiểu cầu qua cơ chế miễn dịch.

Bên cạnh đó, khi bị sốt xuất huyết, virus gây bệnh cũng sẽ ức chế tủy xương - khu vực sản xuất tiểu cầu, từ đó làm giảm khả năng sản xuất tiểu cầu, khiến cho số lượng tiểu cầu trong máu giảm.

Khi số lượng tiểu cầu giảm sẽ dẫn tới các triệu chứng xuất huyết dưới da, niêm mạc (như là chảy máu cam, răng miệng, vị trí nơi tiêm truyền...) hoặc gây chảy máu trong với các biểu hiện như đau bụng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, rong kinh...

Người bệnh có nguy cơ xuất huyết cần được nghỉ ngơi tại giường, tránh đi lại, và hạn chế can thiệp các thủ thuật vào các tĩnh mạch lớn, khó cầm máu như tĩnh mạch cổ, bẹn, dưới đòn.

Khi bệnh nhân bị sốt xuất huyết có các triệu chứng xuất huyết và xét nghiệm số lượng tiểu cầu dưới 50g/L cần phải truyền tiểu cầu. Nếu bệnh nhân không có triệu chứng xuất huyết trên lâm sàng, khi xét nghiệm lượng tiểu cầu dưới 5g/L thì mới cần tiến hành truyền tiểu cầu.

Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm do virus gây ra với triệu chứng đầu tiên là sốt, thời gian nguy hiểm nhất của bệnh là từ ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Vì vậy bạn nên đi xét nghiệm đánh giá bệnh sốt xuất huyết từ ngày thứ 3 của sốt.

Bác sĩ sẽ cho bạn làm các xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu và xét nghiệm chẩn đoán virus gây bệnh (xét nghiệm về kháng nguyên và kháng thể) để theo dõi sức khỏe.

Bệnh nhân bị sốt xuất huyết cần nhập viện khi có các triệu chứng sau:

  • Vật vã, li bì, lờ đờ, không ăn uống được, nôn ói, đau bụng;
  • Khi có các triệu chứng xuất huyết dưới da hay xuất huyết niêm mạc...;
  • Khi xét nghiệm nếu tiểu cầu thấp dưới 30g/ L.

Tóm lại, giảm tiểu cầu là một trong những biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh nên biện pháp chủ yếu để ngừa sốt xuất huyết là tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng và muỗi trưởng thành; ngủ trong màn chống muỗi kể cả ban ngày. Khi có các biểu hiện nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám để bác sĩ hướng dẫn chăm sóc, điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

85K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan