Các tư thế chụp cơ bản của X quang bụng không chuẩn bị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Thụ - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Ths.Bs Nguyễn Viết Thụ đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, nguyên là Thư ký đầu ngành Chẩn đoán hình ảnh Hà Nội, chỉ đạo tuyến dưới về chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh.

Chụp X – quang bụng không chuẩn bị là một trong những phương pháp cận lâm sàng phổ biến nhất được áp dụng để định hướng chẩn đoán cũng như tìm nguyên nhân gây bệnh khi bệnh nhân có triệu chứng đau bụng. Đối với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể đối với những bệnh lý khác nhau thì yêu cầu về tư thế chụp cơ bản của X – quang bụng không chuẩn bị cũng khác nhau.

1. X quang bụng là gì?

Chụp X – quang là phương pháp sử dụng năng lượng của tia X là một loại năng lượng bức xạ có khả năng tập trung thành chùm sáng đi xuyên qua được những cơ quan trên cơ thể người và cho hình ảnh lên màn chiếu. Đối với những tạng và mô đặc trong cơ thể như xương thì khả năng hấp thụ tia X là rất cao, vì vậy hình ảnh thu được thường có màu trắng. Ngược lại, với những tạng rỗng như dạ dày, ruột thì khả năng hấp thụ tia X thấp hơn nên chùm tia X chiếu đến những cơ quan này đi đến màn chiếu được nhiều hơn, do vậy hình ảnh thường có màu xám. Với đặc tính có thể đi xuyên qua chủ yếu là không khí thì những hình ảnh ghi lại được khi chụp X – quang phổi thường có màu đen.

X – quang bụng là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh thông dụng hiện nay, cho kết quả hình ảnh của một số cơ quan trong ổ bụng như dạ dày, gan, lách, ruột già, ruột non, cơ hoành và một số cơ khác tại vị trí tiếp giáp vùng ngực và vùng bụng. Đây là một trong những chỉ định cận lâm sàng đầu tiên mà bác sĩ điều trị đưa ra trước một bệnh nhân có triệu chứng đau bụng, chướng bụng, buồn nôn và nôn, giúp tìm được nguyên nhân của những triệu chứng này một cách nhanh nhất. Ngoài ra, một số chỉ định cận lâm sàng khác cũng được thực hiện nhằm củng cố chẩn đoán như siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, chụp hệ tiết niệu với thuốc cản quang tiêm tĩnh mạch.

X quang bụng
Với đặc tính có thể đi xuyên qua chủ yếu là không khí thì những hình ảnh ghi lại được khi chụp X – quang phổi thường có màu đen

Một số mục đích chính của chụp X – quang bụng bao gồm:

  • Tìm nguyên nhân khiến bệnh nhân đau, sưng nề vùng bụng hoặc có cảm giác buồn nôn, nôn nhiều lần trong ngày.
  • Tìm nguyên nhân gây ra những cơn đau vùng thắt lưng hai bên.
  • Tìm sỏi túi mật, sỏi thận, sỏi niệu quản hoặc sỏi bàng quang.
  • Khảo sát tình trạng có khí bên ngoài ruột, như liềm hơi dưới cơ hoành.
  • Tìm các dị vật trong ổ bụng cơ thể do bị nuốt vào bằng đường ăn uống không.

X – quang bụng còn được chụp trong một số thủ thuật như đặt ống dẫn lưu dạ dày, dẫn lưu thận... để xác định vị trí phù hợp cũng như độ dài của những ống này tại các cơ quan bên trong mà mắt thường không thể quan sát được.

2. Chụp X – quang bụng không chuẩn bị

Chụp X – quang bụng không chuẩn bị là phương pháp chụp X quang bụng đứng, mục đích chính để đánh tình trạng mức nước mức hơi trong tắc ruột và đánh giá hơi tự do trong ổ bụng trong trường hợp thủng tạng rỗng.

Chụp X – quang bụng không chuẩn bị là chỉ định cận lâm sàng đầu tiên của bác sĩ trước một bệnh nhân vào viện vì đau bụng, vì kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này thông dụng, phổ biến, có liều bức xạ thấp.

Một số chỉ định của chụp X – quang bụng không chuẩn bị đó là:

  • Bệnh nhân nghi ngờ tắc ruột.
  • Bệnh nhân thủng tạng rỗng, có khí tự do ổ bụng.
  • Đánh giá các dị vật cản quang.
  • Các cản quang của sỏi túi mật, sỏi tụy và một số trường hợp thấy sỏi tiết niệu...

Đối với bệnh nhân tắc ruột thì có thể bao gồm 2 loại là tắc ruột cơ học và tắc ruột cơ năng:

  • Tắc ruột cơ học: X – quang bụng không chuẩn bị có thể cho thấy một số kết quả trên phim chụp như dãn ruột phía trên chỗ tắc trong 3 – 8 giờ đầu sau khi tắc, có thể thấy được hình ảnh của mực nước hơi trên chỗ tắc trong khoảng 12 -24 sau tắc ruột, ngược lại cũng có trường hợp hình ảnh mất hơi dưới chỗ tắc ruột xuất hiện vào khoảng 12 – 48 giờ sau khi tắc ruột, hai mực nước hơi thường chênh lệch với nhau đối với cùng một quai ruột.
  • Tắc ruột cơ năng: Nguyên nhân của tắc ruột cơ năng thường không do tắc nghẽn mà do một số nguyên nhân khác như viêm phúc mạc, chấn thương bụng hoặc bệnh nhân rối loạn điện giải... Do vậy, kết quả chụp X – quang bụng không chuẩn bị trên bệnh nhân tắc ruột cơ năng thường không xuất hiện dấu hiệu bít tắc, không còn nhu động ruột và bệnh nhân bị giãn toàn bộ hoặc giãn khu trú phần ruột, ngoài ra hai mức nước hơi thường ngang nhau đối với một quai ruột.
  • Hình ảnh khi chụp X – quang bụng không chuẩn bị còn có thể định hướng phân biệt được bệnh nhân mắc phải tình trạng tắc ruột non hay tắc đại tràng. Nêu là tắc ruột non, vị trí điểm tắc thường nằm ở trung tâm ổ bụng, niêm mạc chạy ngang hết khẩu kính và kích thước nhỏ, chiều rộng của quai ruột thường lớn hơn chiều cao, có thể thấy nhiều điểm tắc trong ruột và thường không có hình ảnh phân trong ruột. Còn đối với tắc đại tràng thì thường nằm ở ngoại vi ổ bụng, niêm mạc chỉ chạy ngang một phần của khẩu kính, kích thước lớn và xa nhau, quai ruột có chiều cao lớn hơn chiều rộng, số lượng điểm tắc ruột thường không nhiều và có xuất hiện hình ảnh phân trong quai ruột.
Tắc ruột
Chỉ định của chụp X – quang bụng không chuẩn bị cho bệnh nhân tắc ruột

3. Tư thế chụp cơ bản của X – quang bụng không chuẩn bị

Khi chụp X – quang bụng không chuẩn bị thì cũng cần có một số lưu ý nhất định, trong đó một số tư thế chụp cơ bản của X – quang bụng không chuẩn bị mà bệnh nhân có thể được yêu cầu thực hiện như là:

  • Tư thế thẳng đứng: Là một trong những tư thế phổ biến nhất, bệnh nhân được yêu cầu đứng thẳng, áp sát phần bụng vào phim và chụp từ sau ra trước, có thể bệnh nhân cần phải nghiêng sang phải hoặc nghiêng sang trái đối với những trường hợp nhất định.
  • Tư thể nằm ngửa: Phim được đặt sau lưng bệnh nhân và tia X được chiều từ trước ra sau, có thể chụp kết hợp với tia X song song mặt bàn. Một số trường hợp khác bệnh nhân sẽ phải nằm nghiêng phải hoặc nghiêng trái tùy theo tình trạng bệnh.

Ngoài ra, phim X – quang bụng không chuẩn bị cần phải đảm bảo một số yếu tố sau để có thể là một phim chụp đủ tiêu chuẩn, giúp hỗ trợ chẩn đoán tốt nhất:

  • Phim chụp phải lấy đủ các mốc giải phẫu chính của phần bụng như 2 cơ hoành, lấy được càng nhiều phần chậu thì càng tốt.
  • Phim chụp phải thấy được hình ảnh của cột sống thắt lưng, bóng cơ thắt lưng chậu và 2 dải mờ cận ổ phúc mạc.

4. Kết luận

X – quang bụng không chuẩn bị được xem là một kỹ thuật cận lâm sàng không thể thiếu trong hầu hết những bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa và một số bệnh lý đường tiết niệu, được ưu tiên thực hiện trong chẩn đoán nguyên nhân của những bệnh lý đường tiêu hóa với triệu chứng phổ biến nhất là đau bụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan