Cách hạ nhiệt khi bị sốt

Sốt là một biểu hiện tốt khi hệ miễn dịch hoạt động chống lại các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng sốt quá cao có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe, vì thế cần sử dụng một số cách hạ nhiệt khi sốt để hạn chế những nguy cơ đó.

1. Thế nào là sốt?

Sốt là tình trạng tăng thân nhiệt, một phản ứng của cơ thể chống lại nhiễm trùng do virus, vi khuẩn hoặc có thể do say nắng, sốc nhiệt, mất nước, bệnh tuyến giáp... Thông thường, sốt là một phản ứng tốt và không có hại với cơ thể, nhưng khi sốt quá cao sẽ gây tổn thương tế bào thần kinh, mệt mỏi cho người bệnh.

Hầu hết, mọi người có nhiệt độ cơ bản là 37°C, một số người có nhiệt độ cơ bản cao hơn hoặc thấp hơn một chút. Nhiệt độ dao động hàng ngày cũng là bình thường.

Để biết được bạn có đang sốt hay không cần đo nhiệt độ. Sốt khi nhiệt độ đo được:

  • Tại miệng hay trực tràng từ 38°C hoặc cao hơn.
  • Nách có nhiệt độ trên 37,5°C.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nên dùng nhiệt kế đo hậu môn để được kết quả chính xác nhất.

2. Cách hạ nhiệt khi sốt

Khi bạn hay người thân bị sốt thì việc làm sao để hạ thân nhiệt là điều rất quan trọng. Dưới đây là một số cách hạ nhiệt khi sốt có thể áp dụng tại nhà:

  • Nằm trên giường và nghỉ ngơi nhiều hơn: Khi bạn bị sốt, cơ thể đang gia sức chống chọi với các tác nhân gây bệnh, vì vậy bạn cần nghỉ ngơi để cơ thể đủ khoẻ chống lại tác nhân gây sốt.
  • Bù đủ nước: Khi sốt, cơ thể bị mất nước, mất muối nên cần phải bù lại lượng dịch đã bị mất. Để bù lại lượng dịch đã mất bạn nên uống các dung dịch bù nước và điện giải như oresol, hydrite... Ngoài ra có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước hoa quả, cháo muối loãng...
  • Dùng thuốc hạ sốt không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen, aspirin để hạ thân nhiệt. Lưu ý, khi sử dụng cần dùng liều lượng phù hợp, không sử dụng chúng cùng với các loại thuốc hạ sốt khác hoặc phối hợp 3 loại thuốc trên với nhau. Không cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ hạ sốt bằng aspirin mà không hỏi ý kiến ​​bác sĩ. Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi không nên dùng ibuprofen. Nếu nghi ngờ hoặc đang bị sốt xuất huyết thì không được dùng aspirin hay ibuprofen.
  • Mặc áo thoáng mát, hút mồ hôi và đắp ít chăn, trừ khi bạn bị ớn lạnh.
  • Lau người bằng nước ấm: Nước ấm giúp cho mạch máu dưới da giãn ra và làm nhiệt độ trong cơ thể có thể tản ra ngoài. Tuy nhiên, khi lau người mà có cảm giác ớn lạnh thì nên dừng lại.
  • Tìm và điều trị nguyên nhân: Sốt thường có nguyên nhân gây ra, để hạn chế dứt điểm cần tìm được nguyên nhân gây bệnh và điều trị nó. Ví dụ như sốt là một tình trạng do nhiễm vi khuẩn thì cần dùng kháng sinh để điều trị, như vậy sẽ giúp cắt cơn sốt nhanh hơn. Nếu do virus thì đa số chỉ sử dụng các biện pháp điều trị triệu chứng, sau vài ngày sốt sẽ tự thoái lui...

Khi sốt bạn cũng có thể gặp phải một số vấn đề như đau đầu, buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau cơ, mệt mỏi, phát ban. Một số triệu chứng cần phải điều trị nếu nó làm bạn rất khó chịu. Đặc biệt khi sốt kèm theo nôn, bạn khó có thể bù dịch bằng đường uống mà phải nhờ trợ giúp y tế để tránh tình trạng mất nước.

cách hạ nhiệt khi sốt
Dùng thuốc hạ sốt không kê đơn là cách hạ nhiệt khi sốt

3. Một số lưu ý khi bị sốt

Một số trường hợp khi bị sốt cần phải có sự can thiệp của nhân viên y tế để tránh những biến chứng nguy hiểm. Các trường hợp cần liên hệ bác sĩ ngay như:

  • Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi nên gặp bác sĩ nếu sốt từ 38°C trở lên, ngay cả khi không có các triệu chứng khác.
  • Trẻ sơ sinh từ 3 - 6 tháng tuổi khi có các triệu chứng khác như dấu hiệu mất nước, kích động hay ngủ li bì hoặc sốt cao hơn 39°C.
  • Trẻ em từ 6 tháng - 2 tuổi mà cơn sốt kéo dài hơn 1 ngày hay trầm trọng hơn hoặc không hạ sốt khi dùng thuốc.
  • Trẻ em từ 2 - 17 tuổi nếu cơn sốt của họ cao hơn 39°C kèm khó chịu, hoặc sốt kéo dài hơn ba ngày.
  • Người lớn từ 18 tuổi trở lên nếu bị sốt trên 39,4°C hoặc không đáp ứng với điều trị thì nên gọi cho bác sĩ. Người lớn bị sốt và kèm theo các triệu chứng khác, chẳng hạn như cứng cổ, đau dữ dội ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể hoặc khó thở, nên đi khám ngay.
  • Sốt ở người già trên 65 tuổi trở lên đề phòng các triệu chứng như khó thở hoặc lú lẫn. Nếu bạn đang gặp phải những triệu chứng này, nên tìm kiếm sự hỗ trợ y tế ngay lập tức.
  • Những trường hợp hệ thống miễn dịch suy yếu, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc của bác sĩ. Hệ thống miễn dịch bị tổn hại thường gặp ở những người nhiễm HIV, ung thư hay mắc bệnh tự miễn. Sốt thường là dấu hiệu của nhiễm trùng, những bệnh nhiễm trùng này tiến triển nhanh hoặc khó điều trị. Vì vậy, nếu bạn có hệ thống miễn dịch bị tổn hại, việc hỗ trợ y tế ngay lập tức để chữa sốt là rất quan trọng.

Ngoài ra, khi bị sốt cần theo dõi tình trạng của bản thân hay người nhà liên tục để biết những chuyển biến xấu sớm nhất.

Trên đây là cách xử lý khi bị sốt, tuy nhiên nếu như không chắc chắn về cách xử lý cơn sốt, hãy liên hệ bác sĩ sớm để được tư vấn và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan