Đang đặt vòng tránh thai có thể chụp MRI?

Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Thục Vỹ - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Trước khi chụp cộng hưởng từ, người bệnh cần cung cấp cho bác sĩ đầy đủ những thông tin về thể trạng sức khỏe cũng như các dụng cụ đang được cấy ghép trên người (clips phình mạch, stent, máy tạo nhịp, vòng tránh thai...) đảm bảo quá trình chụp an toàn.

1. Chụp MRI và những điều cần lưu ý

Các vật liệu kim loại có chứa ion sắt (sắt, thép) đặt trong môi trường của máy cộng hưởng từ sẽ di chuyển vị trí. Vì vậy khi chụp cộng hưởng từ các dụng cụ cấy ghép bằng kim loại trong cơ thể như clips phình mạch, stent, máy tạo nhịp, dụng cụ kết hợp xương sẽ di chuyển vị trí và có thể gây tổn thương các mô xung quanh.

Ngoài ra các vật liệu kim loại cấy ghép trong cơ thể có thể nóng lên đáng kể trong quá trình chụp cộng hưởng từ và do đó cũng có thể gây tổn thương cho người bệnh. Các dụng cụ cấy ghép có thể gây mất tín hiệu và ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh chụp.

Vì vậy, việc thông báo cho kỹ thuật viên chụp cộng hưởng từ về bất cứ dụng cụ cấy ghép trong cơ thể người bệnh là rất quan trọng trước khi bước vào phòng chụp cộng hưởng từ.

Ứng dụng chụp cộng hưởng từ (MRI) trong chẩn đoán chấn thương khớp gối
Chụp cộng hưởng từ

2. Đặt vòng tránh thai có được chụp MRI không?

Dụng cụ tránh thai trong tử cung (DCTC) được sản xuất bằng những vật liệu có tính trơ như thép không rỉ, chất dẻo (plastic),... có bổ sung thêm đồng hoặc nội tiết tố progestin. Có rất nhiều loại DCTC được sử dụng trên thế giới:

+ DCTC chứa đồng được làm từ một thân plastic với các vòng đồng hoặc dây đồng là loại thông dụng nhất hiện nay ở Việt Nam. Có nhiều hình dạng khác nhau và hàm lượng đồng khác nhau (TCu 380A, Multiload 375, TCu 200, ...)

+ DCTC chứa progestin: ở Việt Nam có vòng Mirena gồm một thân chữ T bằng polyethylene chứa 52 mg levonogestrel.

+ DCTC kim loại: sử dụng thép không gỉ có thể kèm vòng dây đồng: loại này hiện nay ít sử dụng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên ở một số nơi trên thế giới vẫn còn sử dụng loại DCTC này, như Trung Quốc. Loại vòng này hầu hết đã ngưng sử dụng từ năm 2000 tuy nhiên một số người lớn tuổi ở Trung Quốc vẫn đang mang DCTC này.

Vòng tránh thai chữ T
Hình ảnh vòng tránh thai

Đối với các DCTC bằng chất dẻo kết hợp với dây đồng hoặc nội tiết tố: là các DCTC thông dụng hiện nay ở Việt Nam sẽ an toàn trong quá trình chụp cộng hưởng từ. Tuy nhiên đối với các DCTC sử dụng thép không rỉ khi chụp cộng hưởng từ sẽ có hiệu ứng chuyển động, sức nóng sẽ không an toàn cho người bệnh vì vậy cần sử dụng một phương pháp chẩn đoán thay thế như siêu âm hoặc CTscan chậu-phụ khoa.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan