Đánh giá loãng xương: Vai trò của chẩn đoán hình ảnh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh.

Loãng xương là bệnh được xác định bằng các chẩn đoán hình ảnh. Do đó, vai trò của CT, X-Quang, MRI là rất quan trọng trong chẩn đoán bệnh lý loãng xương phổ biến ở phụ nữ và người cao tuổi.

1. Loãng xương là gì?

Loãng xương là một bệnh được đặc trưng bởi sự tổn hại các cấu trúc mô xương và giảm khối lượng xương. Bệnh tiến triển theo thời gian, làm giảm chức năng hoạt động của xương.

Loãng xương biểu hiện bằng thay đổi cấu trúc xương (xốp dần) và dễ gãy hơn. Khi quan sát dưới kính hiển vi, trong khi xương bình thường có cấu trúc như một tổ ong, xương của người loãng xương có các lỗ và khoảng trống lớn hơn trong tổ ong.

Phụ nữ và người lớn tuổi là hai đối tượng chính có nhiều nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Ngoài ra, loãng xương còn chịu sự tác động của các yếu tố khác như di truyền, chỉ số BMI thấp, hút thuốc lá và sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh mãn tính (như steroid).

Người mắc bệnh loãng xương dễ bị gãy xương khi nâng, uốn, va vào các đồ đạc trong nhà, thậm chí là hắt hơi ở những bệnh nhân nặng. Tất cả các vị trí xương trong cơ thể đều có thể bị gãy, trong đó phổ biến nhất là xương chậu, cột sống, cổ tay.

Loãng xương có thể xuất hiện trong nhiều năm mà không có bất kỳ các triệu chứng nào đáng chú ý cho đến khi người bệnh gặp các dấu hiệu cảnh báo như sau:

  • Đau lưng dữ dội
  • Mất chiều cao theo thời gian
  • Tư thế khom lưng
  • Gãy xương do chấn thương nhẹ.
đau lưng
Loãng xương có thể xuất hiện đau lưng

2. Vai trò của chẩn đoán hình ảnh trong đánh giá loãng xương

Để đánh giá loãng xương và xác định nhu cầu điều trị, chỉ định thường được sử dụng là đo mật độ xương. Kỹ thuật này giúp xác định mật độ khoáng của xương (BMD). Nó thường được thực hiện bằng phương pháp đo hấp phụ năng lượng tia X kép (DEXA-DXA) và chụp cắt lớp điện toán định lượng. Kết quả cho thấy tia X càng xuyên qua nhiều thì mật độ xương càng thấp và ngược lại.

Thông tin về mật độ xương được chuyển đổi thành điểm T và điểm Z. Điểm T cho thấy số lượng xương so với một người trẻ tuổi cùng giới tính với khối lượng xương cao nhất. Nó được sử dụng để ước tính nguy cơ bị gãy xương và xác định nhu cầu sử dụng thuốc điều trị. Điểm Z phản ánh số lượng xương so với những người khác trong nhóm tuổi, có cùng kích thước cơ thể (tính bằng cm2) và giới tính. Nếu điểm Z cao hoặc thấp bất thường có thể cần tiến hành thêm các xét nghiệm kiểm tra.

Một số xét nghiệm hình ảnh sau đây có thể được thực hiện để xác định gãy xương do loãng xương:

  • Chụp X-Quang xương: X-Quang xương giúp quan sát các cấu trúc xương trong cơ thể, bao gồm bàn tay, cổ tay, cánh tay, khuỷu tay, vai, bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân, đầu gối, đùi, hông, xương chậu hoặc cột sống. Nó hỗ trợ chẩn đoán gãy xương.
  • Chụp CT cột sống: CT cột sống được sử dụng để đo mật độ xương và xác định xem gãy xương đốt sống có khả năng xảy ra hay không.
  • Chụp MRI cột sống: Hình ảnh cộng hưởng từ cột sống giúp đánh giá gãy xương đốt sống, tìm nguyên nhân gây bệnh như ung thư và để đánh giá xem gãy xương là cũ hay mới. Gãy xương mới thường đáp ứng tốt hơn với hai phương pháp điều trị tạo hình cột sống qua da là vertebroplasty và kyphoplasty.
x-quang xương cẳng chân
Chụp X-Quang xương giúp quan sát các cấu trúc xương trong cơ thể

3. Điều trị bệnh loãng xương bằng cách nào?

Có nhiều loại thuốc được FDA chấp thuận để lựa chọn trong điều trị loãng xương bao gồm:

  • Bisphosphonate
  • Calcitonin
  • Liệu pháp thay thế hormone
  • Chất ức chế phối tử RANK
  • Chất điều hòa chọn lọc thụ thể Estrogen (SERMs)
  • Thuốc tương tự hormone tuyến cận giáp

Các loại thuốc cần được kê đơn theo chỉ định, sau khi có các đánh giá lâm sàng và cận lâm sàng cụ thể về tình trạng loãng xương.

Gãy nén đốt sống xảy ra có thể là hậu quả của bệnh loãng xương. Có hai kỹ thuật được áp dụng trong điều trị gãy nén đốt sống là:

  • Kỹ thuật tạo hình đốt sống qua da bằng bơm xi măng sinh học (Vertebroplasty): Dưới hướng dẫn của màn huỳnh quang tăng sáng, hỗn hợp xi măng sinh học (special cement mixture) được đưa vào vùng xương bị gãy thông qua một cây kim rỗng để hồi phục đốt sống bị tổn thương.
  • Kỹ thuật tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng sinh học có bóng (Kyphoplasty): Một cây kim chuyên dụng có bóng ở đầu chọc vào thân đốt sống được đưa vào xương bị gãy. Bóng được bóp căng để làm nở đốt sống, trả lại hình dáng ban đầu. Sau khi bóng được lấy ra, hỗn hợp xi măng sinh học sẽ được bơm và khoang xương.

Trong một số trường hợp gãy xương nén, điều trị phẫu thuật có thể được yêu cầu, đặc biệt nếu có bằng chứng hẹp ống sống nghiêm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan