Dấu hiệu và nguyên nhân gây rối loạn hệ thần kinh thực vật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có hơn 24 năm công tác trong lĩnh vực chuyên khoa Tâm thần kinh.

Rối loạn hệ thần kinh thực vật gây ảnh hưởng đến chức năng điều hòa quá trình vận chuyển vật chất, điều hòa các hoạt động của cơ quan nội tạng cũng như hệ thần kinh trung ương.

1. Rối loạn thần kinh thực vật là gì?

Hệ thần kinh thực vật là các cơ quan trong cơ thể chịu sự chi phối của những bộ phận thần kinh có tính chất tự động như hoạt động của cơ quan tiêu hóa, hoạt động của các cơ quan hô hấp, hoạt động của tim...

Rối loạn hệ thần kinh thực vật là sự mất cân bằng của hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Khi một trong hai hệ thống bị rối loạn sẽ dẫn đến hội chứng rối loạn hệ thần kinh thực vật. Hai hệ thần kinh này có tác dụng điều khiển các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, không chịu chi phối của não bộ.

Bệnh tuy không gây tử vong nhưng khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh bị giảm đi đáng kể, gây khó chịu cho người bệnh khiến tâm lý thay đổi.

2. Dấu hiệu rối loạn hệ thần kinh thực vật

so-do-he-than-kinh-thuc-vat-1
Rối loạn hệ thần kinh thực vật khiến người bệnh hay bị chóng mặt do huyết áp giảm

Rối loạn thần kinh thực vật sẽ có những dấu hiệu khác nhau tùy thuộc vào từng loại rối loạn:

  • Khi thời tiết thay đổi, vận mạch bị rối loạn khiến người bệnh đau đầu, giảm trí nhớ, giảm sự chú ý, thiếu ngủ, hay lo âu, nhiều khi buồn không rõ nguyên nhân...
  • Người bệnh hay bị chóng mặt do huyết áp bị giảm, nhịp tim đập nhanh hơn hoặc chậm đi, hay hồi hộp, huyết áp thay đổi thất thường, thiểu năng mạch vành...
  • Người bệnh cảm thấy khó thở, mệt mỏi...
  • Chức năng co bóp của dạ dày bị rối loạn gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa khiến người bệnh có cảm giác ăn nhanh no, dễ bị tiêu chảy, đầy hơi, hoặc có thể táo bón...
  • Bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thực vật sẽ có dấu hiệu đi tiểu khó và không tự chủ được do bị rối loạn tiết niệu, nặng hơn có thể bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Giảm tiết hoặc tăng tiết mồ hôi quá mức do bị rối loạn tiết mồ hôi. Khả năng điều tiết nhiệt độ cơ thể của người bệnh cũng bị ảnh hưởng.
  • Hệ hô hấp của bệnh nhân rối loạn hệ thần kinh thực vật cũng bị ảnh hưởng gây nên tình trạng khó thở do phế quản bị co thắt.
  • Khi trở trời, bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thực vật hay bị đau nhức xương khớp.
  • Các biểu hiện như rụng tóc, khô da, các mạch ngoài da bị co giãn cũng là những dấu hiệu có thể gặp ở người bị rối loạn thần kinh thực vật.
  • Rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn tình dục...
  • Phản ứng chậm chạp với ánh sáng, lái xe vào ban đêm gặp nhiều khó khăn.
  • Bị rối loạn tình dục, ở nam giới là hiện tượng xuất tinh sớm, ở nữ là hiện tượng khô âm đạo và khó đạt sự hưng phấn khi quan hệ.

3. Nguyên nhân gây rối loạn hệ thần kinh thực vật

Nguyên nhân gây ra rối loạn hệ thần kinh thực vật bao gồm các nguyên nhân sau:

  • Do tác động của virus
  • Có thể là biến chứng của một số bệnh khác hoặc có thể do tác dụng phụ của thuốc
  • Hệ thống miễn dịch bị tấn công
  • Các bộ phận của cơ thể bị tổn thương
  • Do yếu tố di truyền
  • Do các tư thế không tốt tác động vào cơ thể ví dụ như gây ra áp lực đối với động mạch quan trọng, những dây thần kinh quan trọng bị tác động..
  • Nguyên nhân phổ biến nhất gây rối loạn hệ thần kinh thực vật là do bệnh tiểu đường
  • Phẫu thuật vùng cổ hoặc xạ trị sẽ gây nên sự tổn thương dây thần kinh
  • Do tâm sinh lý bị rối loạn
  • Do tiếp xúc với các chất độc hại
  • Chấn thương sọ não, hay chấn thương tủy sống làm tổn hại tới hệ thần kinh thực vật
  • Do các bệnh lý thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson.
so-do-he-than-kinh-thuc-vat-2
Nguyên nhân phổ biến nhất gây rối loạn hệ thần kinh thực vật là do bệnh tiểu đường

4. Phương pháp điều trị rối loạn hệ thần kinh thực vật

Việc điều trị rối loạn thần kinh thực vật chủ yếu là điều trị nguyên nhân gây ra bệnh.

Nếu những rối loạn thần kinh thực vật chưa tìm được nguyên nhân thì không có cách để chữa trị triệt để.

Hiện nay, các bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa mất ngủ, các loại thuốc làm giảm tiết mồ hôi, điều chỉnh co thắt bàng quang để chữa rối loạn tiểu tiện...

Vì tính chất của bệnh không quá nghiêm trọng nên người bệnh không nên quá lo lắng, thực hiện đúng theo sự hướng dẫn của các bác sĩ có chuyên môn.

Bên cạnh đó người bệnh cũng nên kết hợp quá trình điều trị bệnh với các phương pháp khám tâm lý để giúp kết quả điều trị đạt hiệu quả cao hơn và nhanh hơn.

Để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa biến chứng, khi phát hiện những triệu chứng về suy giảm trí nhớ thì người bệnh cần phải đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa Thần kinh thăm khám.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan