Điều trị đau do kẹt dây thần kinh ngoại vi

Bài viết bởi Bác sĩ Bùi Hạnh Tâm - Khoa Gây mê giảm đau - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Khi các dây thần kinh rời khỏi cột sống, chúng sẽ di chuyển vào các mô của cơ thể và có thể bị kẹp hoặc bị chèn ép ở bất cứ nơi nào trong đường đi của nó. Các dây thần kinh có thể bị chèn ép mãn tính do các hoạt động được lặp đi lặp lại trong thời gian dài hoặc bị chèn ép do chấn thương cấp tính gây viêm, phù nề, xơ hóa, dính với các tổ chức xung quanh.

1. Các hội chứng chèn ép dây thần kinh thường gặp

Các hội chứng chèn ép dây thần kinh thường gặp bao gồm:

  • Hội chứng ống cổ tay do chèn ép dây thần kinh giữa, gây tê bì, dị cảm gây đau phần nó chi phối ở bàn tay.
  • Hội chứng piriformis (cơ tháp hay cơ hình lê), gây ra cơn đau thường được gọi là đau thần kinh tọa do chèn ép dây thần kinh tọa bởi cơ này với triệu chứng: Đau hoặc tê bì vùng mông, có thể lan xuống phía đùi sau, bắp chân và bàn chân. Đau khi đi, chạy, tăng lên khi ngồi lâu như lái xe đường dài.
  • Hội chứng đường hầm khủy do chèn ép dây thần kinh trụ ở khuỷu tay, gây đau ở cẳng tay và bàn tay.
  • Hội chứng đau thần kinh chẩm lớn: đau, tê vùng chẩm (gáy), có thể lan lên phía trên cao hơn trong cơn cấp.

Kẹt dây thần kinh trên vai gây đau vai, là một nguyên nhân ngày càng gặp nhiều hơn, do đeo ba lô nặng, chấn thương do va chạm trực tiếp hay gián tiếp, sử dụng quá mức tay, sai tư thế, lặp lại tư thế.

2. Triệu chứng

Mỗi dây thần kinh có một vai trò cụ thể. Công việc đó có thể là giúp cơ vận động, đồng thời dẫn truyền cảm giác ngược về tủy sống lên não để thông báo các tín hiệu mà nó nhận được từ ngoại vi. Một số dây thần kinh chỉ dẫn truyền cảm giác, còn lại thì đều chi phối cả cảm giác và vận động. Nếu một dây thần kinh ngoại biên bị thương, bị chèn ép nó có thể khiến bạn không thể thực hiện một chức năng cụ thể như cử động ngón tay hoặc ngón chân hoặc có thể gây đau, gây rối loạn cảm giác ở phần cơ thể được chi phối bởi dây thần kinh đó. Bạn có thể bị tê hoặc đau hoặc cả tê và đau. Nếu dây thần kinh chi phối vận động bị kẹt mãn tính sẽ dẫn đến teo cơ phần ngoại vi sau vị trí kẹt, gây suy giảm chức năng vận động.

  • Cơn đau thường được mô tả là bỏng rát, sắc nhọn, như dao đâm hoặc ngứa râm ran.
  • Thường chỉ đau một bên.
  • Đau do kẹt dây thần kinh thường đau âm ỉ và đau tăng lên nhiều hơn khi vận động hoặc động tác đè ép.
Hội chứng đau cổ vai cánh tay
Kẹt dây thần kinh trên vai gây đau vai

3. Các nguyên nhân thường gặp

Bệnh thần kinh chèn ép dây thần kinh ngoại biên là do kích thích gây viêm mãn tính hoặc tổn thương dây thần kinh ngoại vi ở bất cứ đâu trên đường đi của nó. Áp lực lên dây thần kinh làm giảm lưu lượng máu đến dây thần kinh đó, gây tổn thương thần kinh do dinh dưỡng kém. Về mặt giải phẫu thì bất kỳ dây thần kinh nào cũng có thể bị kẹt. Tuy nhiên, các dây thần kinh nằm gần các vị trí tì đè, hoặc nằm gần nhóm cơ có cường độ vận động nhiều hoặc nằm trên hoặc sát với nền xương và thì có nguy cơ cao hơn. Việc hỏi bệnh và thăm khám sẽ giúp bác sĩ biết được vị trí dây thần kinh bị chèn ép dựa vào các triệu chứng đặc trưng về cảm giác và vận động mà dây thần kinh đó chi phối.

Các dây thần kinh dễ bị chèn ép từ các hoạt động lặp đi lặp lại (chẳng hạn như tập gym, cử tạ, đánh máy, đạp xe, chạy bộ, chạy marathon.... đều có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh. Khởi đầu quá trình này là hiện tượng sưng tấy liên quan đến viêm gân cơ, viêm khớp hoặc bong gân. Sau quá trình viêm cấp sẽ đến quá trình hàn gắn do phản ứng viêm nhưng cũng đồng thời gây dính dây thần kinh vào tổ chức xung quanh. Ví dụ: bong gân mắt cá chân, ảnh hưởng đến dây thần kinh chày sau và dẫn đến hội chứng ống cổ chân; viêm mãn tính dây thần kinh chẩm lớn, gây đau đầu; viêm mãn tính dây thần kinh trên vai gây đau vùng vai; viêm mãn tính dây thần kinh chậu bẹn, chậu hạ vị gây đau vùng bẹn...

Sau một số phẫu thuật hay thủ thuật quá trình viêm làm kẹt dây thần kinh do quá trình tạo mô sẹo, (chẳng hạn như những gì xảy ra với một số phẫu thuật vùng chậu, dẫn đến đau dây thần thẹn, phẫu thuật vùng ngực, cột sống...), hoặc do khối u gây chèn ép do u nằm trên đường đi của dây thần kinh, v.v

Đạp xe
Các dây thần kinh dễ bị chèn ép từ các hoạt động lặp đi lặp lại chẳng hạn như tập gym, cử tạ, đánh máy, đạp xe,

4. Điều trị đau bằng thủ thuật tách dính thần kinh

Gặp bác sĩ chuyên khoa điều trị đau là giải pháp cần thiết vì đau do kẹt thần kinh ngoại vi ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống, giảm hiệu quả công việc. Trong lần khám đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám kỹ tiền sử và khám sức khỏe để xác định chính xác dây thần kinh đang bị chèn ép hoặc bị tổn thương sẽ lý giải nguyên nhân. Từ đó, bác sĩ sẽ lập kế hoạch cụ thể để điều trị tùy thuộc vào thời gian đau, tính chất cơn đau, các yếu tố làm tăng đau, giảm đau để quyết định.

Kế hoạch điều trị của bạn là sự kết hợp của các liệu pháp. Bác sĩ có thể đề nghị một số thay đổi lối sống và điều trị vật lý trị liệu.

Nếu cơn đau không được cải thiện với những thay đổi này, bạn và bác sĩ điều trị đau có thể thảo luận thêm về việc bổ sung các loại thuốc điều trị đau dây thần kinh. Điều này có thể bao gồm sự kết hợp của thuốc chống co giật (thuốc ổn định thần kinh), thuốc chống trầm cảm cũng có tác dụng ổn định thần kinh, các miếng dán hoặc kem bôi tại chỗ.

Bác sĩ điều trị đau có thể dùng mũi kim để tiêm thuốc nhằm tách dính, giải phóng dây thần kinh ra khỏi chỗ bị kẹt và tiêm thuốc phong bế thần kinh giúp giảm đau dưới hướng dẫn của máy siêu âm chuyên biệt cho thần kinh, cơ. Việc này được thực hiện trong ngày và bệnh nhân có thể về nhà nghỉ ngơi sau thủ thuật. Thủ thuật giải phóng dây thần kinh này được thực hiện tại phòng khám Đau của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Nếu bạn hay người thân bị đau, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được tư vấn. Mục tiêu của chúng tôi là tìm giải pháp an toàn, hiệu quả và cập nhật với thế giới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và công việc của quý vị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan