Điều trị ngộ độc nấm độc

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Văn Mạnh - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Biết cách phân biệt loại nấm có thể sử dụng để làm thực phẩm và loại nấm độc là biện pháp hiệu quả nhất để đề phòng ngộ độc do nấm độc. Bên cạnh đó, nhân viên y tế cũng cần phải biết chẩn đoán, xử trí ban đầu và điều trị ngộ độc nấm độc sớm để tránh bệnh tiến triển nặng và dẫn tới tử vong.

1. Phân loại nấm độc

Nấm có chứa thành phần độc tố sẽ gây ngộ độc cho cơ thể con người hay động vật khi ăn phải. Để phân loại nấm độc sẽ có hai cách phân loại sau:

1.1 Phân loại nấm độc theo thành phần độc tố

Theo cách chia này, nấm độc sẽ có 8 nhóm là:

  • Amatoxin (Cyclopolypeptid): Amanita verna, A. virosa, A. phalloides, Galerina autumnalis, Lepiota brunneoincarnata,...
  • Gyromitrin (Monomethylhydrazin): Gyromitra esculenta, G. infula,...
  • Orellanin: Cortinarius orellanus, C. speciosissimus, C. Splendens,...
  • Muscarin: Inocybe fastigiata, Clitocybe dealbata,...
  • Ibotenic Acid và Muscimol: Amanita muscaria, A. pantherina,...
  • Coprin: Coprinus atramentarius, Coprinus disseminatus,...
  • Psilocybin và Psilocin có trong loài nấm thuộc 4 chi là Psilocybe, Panaeolus, Conocybe và Gymnopilus
  • Chlorophyllum molybdites, Russula foetens, Omphalotus nidiformis... gây rối loạn tiêu hóa:
Nấm ô tán trắng phiến xanh – Chlorophyllum Molybdites
Nấm ô tán trắng phiến xanh – Chlorophyllum Molybdites

1.2 Phân loại nấm độc theo thời gian chất độc phát tác

  • Chất độc phát tác chậm: Thời gian để các triệu chứng ngộ độc xuất hiện sau khi ăn nấm có chứa chất độc thường từ 6 - 40 giờ (trung bình là 12 giờ). Vì các triệu chứng ngộ độc đầu tiên xuất hiện sau ăn trong thời gian dài nên loại này thường dễ gây tử vong. Nấm có chứa Amanita verna, Amanita virosa, Amanita phalloides,... sẽ thuộc nhóm chất độc phát tác chậm và có tỷ lệ tử vong khoảng 50% thậm chí là cao hơn
  • Chất độc phát tác nhanh: Trường hợp này các triệu chứng đầu tiên sẽ xuất hiện trong vòng 6 giờ sau ăn nấm. Nấm có chứa Inocybe fastigiata, Chlorophyllum molybdites... sẽ thuộc nhóm chất độc phát tác nhanh. Bệnh nhân ngộ độc nhóm nấm này, nếu được xử trí ngộ độc nấm độc kịp thời đồng thời áp dụng các biện pháp cấp cứu hồi sức cơ bản thì tỷ lệ qua khỏi, hồi phục tốt tương đối cao.

2. Dấu hiệu ngộ độc nấm độc

Người bệnh sau khi ăn nấm có chứa độc tố, triệu chứng ngộ độc nấm sẽ diễn ra theo các giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn tiềm (tính từ lúc ăn nấm đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên): Thường kéo dài từ 6 - 24 giờ (trung bình là 12 giờ) và sau khi ăn nấm bệnh nhân không cảm thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào
  • Giai đoạn rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ 10 - 12 giờ sau ăn nấm. Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ có các triệu chứng như buồn nôn, nôn nhiều, đau bụng, tiêu chảy (phân toàn nước, có màu trắng đục giống như bệnh tả)
  • Giai đoạn giả hồi phục: Sau khoảng 1 - 3 ngày xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hoá thì các triệu chứng này có vẻ như là chấm dứt. Tuy nhiên, giai đoạn này được xem là giai đoạn tình trạng bệnh trở nên xấu đi bởi đây là thời gian cho quá trình các chất độc làm tổn thương tế bào gan
  • Giai đoạn suy gan, thận: Thường diễn ra ở ngày thứ 4 hoặc 5 sau ăn nấm. Biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân trong giai đoạn này sẽ là vàng da ở các mức độ khác nhau; xuất huyết tiêu hoá, não, đường tiết niệu, dưới da; phù nề; tiểu ít hoặc vô niệu; hôn mê và dẫn đến tử vong do suy gan, suy thận, phù não biến chứng.
Dấu hiệu ngộ độc nấm độc
Một số dấu hiệu của ngộ độc nấm độc

3. Xử trí và điều trị ngộ độc nấm độc

3.1 Xử trí tại nhà và tại các cơ sở y tế

Cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp đào thải được chất độc ra ngoài cơ thể như:

  • Cố gắng để người bệnh nôn ra thức ăn có nấm vừa mới ăn trong vòng 1 giờ đầu tiên
  • Trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng lạ sau 6 giờ ăn nấm thì có thể cho uống than hoạt với liều lượng: 1g/kg, thời gian từ 2 - 3 giờ/ lần
  • Nhân viên y tế thực hiện biện pháp rửa dạ dày cho bệnh nhân và và thời gian sau khi ăn trong vòng 1-2 giờ.

3.2 Điều trị ngộ độc nấm độc tại bệnh viện

  • Kiểm tra các chỉ tiêu hóa sinh máu: AST (GOT), ALT (GPT), bilirubin, hàm lượng protrombin, PT, glucose, ure, creatinin, chất điện giải, pH
  • Thực hiện xét nghiệm máu thường quy
  • Thực hiện xét nghiệm nước tiểu với 11 chỉ tiêu cơ bản.
Nước tiểu
Nước tiểu được xét nghiệm giúp đánh giá tình trạng ngộ độc của cơ thể

Nấm độc có chứa amatoxin thì được điều trị với phác đồ tại bệnh viện như sau:

  • Cho uống than hoạt với tần suất 3 - 4 giờ/ lần, cho uống sorbitol kèm theo. Để loại trừ tái hấp thu amatoxin theo ở đường tiêu hoá cần sử dụng than hoạt và sorbitol dùng ít nhất 3 ngày
  • Hút dẫn lưu trong 48 giờ bằng cách đặt sonde dạ dày
  • Dùng penicillin G với liều:
    • Người lớn 250.000 đơn vị/ kg tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 2 lần/ ngày trong vòng 5 ngày
    • Trẻ em được chỉ định với liều lượng từ 300.000 - 500.000 đơn vị tuỳ cân nặng 2 lần/ngày trong vòng 5 ngày.
  • Uống Legalon (Silymarin, Silibinin, Silybin) liều cao: Người lớn uống 600 - 1200 mg x 2 lần/ngày, trẻ em 10 - 15 mg/kg thể trọng 2 lần/ ngày. Khi men gan trở về trị số bình thường thì ngưng sử dụng
  • Có thể sử dụng Silibinin thay cho Legalon với liều lượng 20 - 80mg/kg/ngày chia 2 lần truyền tĩnh mạch trong 2 giờ
  • Dùng Cimetidin: Người lớn uống liều 400 mg 3 lần/ ngày trong vòng 5 ngày. Trẻ em uống liều 10 mg/ kg thể trọng 3 lần/ngày trong vòng 5 ngày
  • Dùng Vitamin C với liều lượng 1g, 2 lần/ ngày, tiêm tĩnh mạch cho tới khi các chỉ số hoá sinh gần trở về bình thường
  • Tiến hành truyền dịch Natri clorua 0,9% hoặc Ringer lactat với lượng dịch truyền theo mức độ ngộ độc, tình trạng thận đáp ứng với thuốc lợi tiểu.
Dịch truyền
Truyền dịch điều trị ngộ độc nấm

  • Furosemid (Lasix): ống 20mg tĩnh mạch, nhắc lại nếu cần để đạt 150 - 200ml nước tiểu/ giờ
  • Chống hạ đường huyết bằng cách truyền Glucose (10% - 1000ml/ 24h)
  • Phục hồi chức năng gan bằng cách sử dụng N. acetylcystein tiêm tĩnh mạch 70mg/ kg liều đầu sau đó 35mg/ kg thể trọng mỗi 4 giờ. Ngưng khi chức năng gan đã hồi phục
  • Theo dõi và điều chỉnh rối loạn điện giải và điều chỉnh nhiễm toan máu bằng natri bicarbonat
  • Rối loạn đông máu hoặc có biểu hiện xuất huyết xảy ra:
    • Tiêm vitamin K ở bắp với liều 10 - 20 mg hoặc truyền tĩnh mạch 10 - 40 mg/ 24 giờ, tùy theo mức độ rối loạn đông máu
    • Truyền Plasma tươi khi protrombin < 40% khi có biểu hiện xuất huyết
  • Điều trị khi có phù não:
    • Thở máy
    • Sử dụng Manitol: Khi đe dọa tụt não, truyền tĩnh mạch 400ml (20%) trong 1 giờ
    • Có biểu hiện não - gan thì đặt nội khí quản để bảo vệ đường thở
  • Điều trị khi có suy thận sử dụng thuốc lợi tiểu ở bệnh nhân ngộ độc mức độ nhẹ hoặc tiến hành chạy thận nhân tạo, nếu thuốc lợi tiểu không còn tác dụng
  • Chống nhiễm trùng: dùng kháng sinh phổ rộng (cefalosporin thế hệ 3), liều cao
  • Thay huyết tương hoặc gan nhân tạo.
Gan nhân tạo
Hình ảnh gan nhân tạo được sử dụng thay thế
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan