Điều trị vỡ xương sọ

Vỡ xương sọ là vết thương sọ não do một lực tác động mạnh gây ra chấn thương sọ dưới dạng đường nứt dọc, đè ép, lún xương sọ hoặc vỡ vụn. Điều trị vỡ xương sọ tuỳ thuộc vào đường vỡ đơn giản hay phức tạp, có biến chứng máu tụ nội sọ đi kèm hay không.

1. Phân loại vỡ xương sọ

Phân loại vỡ xương sọ dựa vào cấu trúc đường vỡ, bao gồm:

  • Gãy kín còn gọi là gãy xương đơn giản, da bao phủ vùng xương gãy không bị cắt hoặc bị rách.
  • Gãy hở còn gọi là gãy xương phức hợp, vùng da bao phủ bị rách và xương sọ lòi ra ngoài.
  • Gãy lún còn gọi là lún xương sọ, làm cho hộp sọ lún thụt vào trong khoang não.
  • Gãy xương nền sọ là gãy xương xảy ra ở sàn sọ như tai, mũi ,các vùng xung quanh mắt hoặc ở đầu cổ, gần cột sống.
  • Gãy xương tuyến tính là gãy xương sọ theo đường thẳng.
  • Gãy xương nhiều mảnh là xương gãy thành ba hoặc nhiều phần.

Phân loại vỡ xương sọ dựa vào nguy cơ của các đường vỡ, bao gồm:

  • Vỡ xương sọ đè ép: có nguy cơ cao nhất gây rách màng cứng và gây tổn thương nhu mô não phía dưới.
  • Vỡ xương sọ thái dương đi qua vùng của động mạch màng não giữa: làm tăng nguy cơ máu tụ ngoài màng cứng.
  • Vỡ xương đi qua xoang màng cứng: có thể gây khối máu tụ lớn như máu tụ ngoài màng cứng do chảy máu tĩnh mạch hoặc máu tụ dưới màng cứng. Các xoang tĩnh mạch khi bị tổn thương có thể tạo thành huyết khối và gây nhồi máu não.
  • Đường vỡ xương sọ vào động mạch cảnh: có thể gây bóc tách động mạch cảnh.
  • Các đường vỡ xương sọ ở vùng xương chẩm và xương nền sọ: đây là những xương chắc khoẻ và dày, lực tác động có cường độ rất mạnh mới có thể làm vỡ xương ở những vùng này, do đó tăng nguy cơ tổn thương nhu mô não. Vỡ xương nền sọ nếu lan đến phần đá của xương thái dương thường làm tổn thương tai giữa và tai trong gây ra giảm chức năng thần kinh mặt, thần kinh tiền đình ốc tai.
  • Vỡ xương sọ ở trẻ sơ sinh: vì các xương sọ ở trẻ sơ sinh chưa liền nhau nên màng não có thể bị kẹt trong đường vỡ tạo ra nang ở màng mềm và màng cứng và có thể làm đường vỡ lớn hơn (vỡ xương tiến triển).
vỡ xương sọ
Tình trạng vỡ xương sọ được phân chia thành nhiều loại khác nhau

2. Triệu chứng của vỡ xương sọ

Vỡ xương sọ có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Máu chảy từ vết thương, vùng hốc mắt, tai và mũi
  • Chảy dịch não tủy từ mũi hoặc tai, đôi khi lẫn máu
  • Máu tụ ở sau màng nhĩ hoặc trong ống tai ngoài nếu rách màng nhĩ.
  • Tụ máu sau tai (dấu hiệu Battle) hoặc máu tụ quanh ổ mắt (mắt gấu trúc) gây ra dấu hiệu bầm tím sau tai hay dưới mắt
  • Kích thước đồng tử không đều, mất phản xạ ánh sáng
  • Mất khứu giác và thính giác.
  • Suy giảm chức năng thần kinh mặt có thể ngay lập tức hoặc sau một khoảng thời gian.
  • Vỡ xương sọ làm tổn thương mạch máu và nhu mô não có thể gây ra máu tụ dưới màng cứng, máu tụ trong não. Những khối máu tụ gây tăng áp lực nội sọ, biểu hiện bằng các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn ói, cứng cổ và mất ý thức.

3. Điều trị vỡ xương sọ

Điều trị vỡ xương sọ tuỳ vào loại vỡ xương, mức độ nghiêm trọng của chấn thương và chấn thương não khác đi kèm.

  • Vỡ xương sọ kín thường không cần điều trị đặc hiệu vì xương sọ phần lớn sẽ tự lành, chỉ cần thuốc giảm đau và nghỉ ngơi.
  • Vỡ xương sọ hở có thể cần phẫu thuật lấy bỏ mảnh xương vỡ nếu có rò dịch não tủy và độ dày của xương sọ lớn hơn phần xương vỡ bị đè ép.
  • Vỡ xương sọ kiểu đè ép đôi khi cần phẫu thuật để đặt lại mảnh xương vỡ, vá lại màng cứng, lấy bỏ nhu mô não bị tổn thương và khâu lại các mạch máu bị đứt rách.
  • Gãy lún xương sọ thường cần phải phẫu thuật, vì xương sọ gãy lún khó lành, có khả năng gây tổn thương não thêm nếu vỡ xương không được điều trị và gây các vấn đề về thẩm mỹ.
  • Việc sử dụng thuốc kháng sinh dự phòng trong vỡ xương sọ còn gây tranh cãi vì chưa có nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên, đối với các vết thương hở, chảy máu nhiều, bầm dập thì kháng sinh dự phòng có thể cần thiết.
  • Phẫu thuật trong vỡ xương sọ thường được chỉ định trong trường hợp vỡ xương phức tạp, lún xương sọ, rò dịch não tuỷ, đè ép nhu mô não hoặc máu tụ trong não gây tăng áp lực nội sọ. Nếu có chỉ định, phẫu thuật cần được tiến hành nhanh chóng nhằm phòng ngừa và điều trị chèn ép và thoát vị nhu mô não. Sau giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể phẫu thuật tạo hình khuyết hổng xương sọ bằng các phương pháp như ghép sọ tự thân hoặc tạo hình vùng khuyết bằng vật liệu nhân tạo.
Điều trị vỡ xương sọ
Sau khi thăm khám bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị vỡ xương sọ phù hợp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan