Hình ảnh viêm bờm mỡ đại tràng trên siêu âm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Anh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Anh đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh đặc biệt trong chẩn đoán hình ảnh ung thư vú, giáp.

Hình ảnh viêm bờm mỡ đại tràng trên siêu âm là tình trạng viêm các thùy mỡ ở mặt ngoài của ruột già. Mặc dù đây là bệnh lý hiếm gặp nhưng lại không quá nguy hiểm, thông thường bệnh có thể giảm nhẹ từ 5-7 ngày mà chưa cần can thiệp điều trị.

1. Tìm hiểu bệnh viêm bờm mỡ đại tràng và nguyên nhân gây bệnh?

Trong Y văn viêm bờm mỡ đại tràng (Epiploic appendagitis) là tình trạng viêm các túi mỡ bám ở mặt ngoài của ruột già. Thông thường mỗi bờm mỡ được nuôi dưỡng và cấp máu bởi một nhánh nhỏ tĩnh mạch và động mạch. Túi mỡ đại tràng thường có màu vàng bao gồm 1 tĩnh mạch và 1 – 2 động mạch, có hình dáng tương tự ngón tay út, trái nho hoặc hình oval.

Viêm túi thừa đại tràng
Bệnh viêm bờm mỡ đại tràng rất khó chẩn đoán qua lâm sàng và thường bị nhầm lẫn với một số bệnh như viêm túi thừa đại tràng

Số lượng túi mỡ dao động từ 50 – 100 trải dọc từ manh tranh đến vị trí nối giữa đại tràng sigma và trực tràng. Túi mỡ có thể bị thiếu máu và hoại tử do tĩnh mạch bị xoắn hoặc hình thành huyết khối. Theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa thì bệnh viêm bờm mỡ đại tràng rất khó chẩn đoán qua lâm sàng và thường bị nhầm lẫn với các vấn đề ở đường ruột phổ biến như: viêm đại tràng, viêm túi thừa đại tràngviêm ruột thừa. Thực tế, bệnh có khả năng tự giới hạn và thường tự khỏi sau 5 – 7 ngày. Hiện nay, việc điều trị bệnh chủ yếu là sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng. Vì thế viêm bờm mỡ đại tràng là bệnh lý không quá nguy hiểm.

Viêm bờm mỡ đại tràng được chia làm 2 loại là nguyên phát và thứ phát. Đối với viêm bờm mỡ đại tràng nguyên phát thường gặp ở nữ giới trên 50 tuổi bị thừa cân. Bệnh xảy ra do xoắn đại tràng sigma hoặc do xuất hiện cục máu đông tự phát khiến cho nguồn cung cấp máu cho niêm mạc của đại tràng bị gián đoạn, từ đó gây nên viêm mỡ đại tràng. Còn đối với viêm bờm mỡ đại tràng thứ phát thường được xác định là do đại tràng bị viêm nhiễm (viêm đại tràng cấp, viêm ruột thừa, viêm túi mật, viêm túi thừa,...). Các bệnh lý này gây viêm và tổn thương niêm mạc đại tràng, từ đó làm thay đổi lưu lượng tuần hoàn trong niêm mạc ruột kết. Lưu lượng máu phân bố không đều chủ yếu tập trung vào 1 vài vị trí, từ đó kích thích phản ứng viêm và làm xuất hiện các túi bờm mỡ.

2. Hình ảnh siêu âm của viêm bờm mỡ đại tràng

Đau bụng dưới
Người mắc viêm bờm mỡ đại tràng thường bị đau ở vùng bụng giữa và dưới

Hiện nay siêu âm và CT scan có ý nghĩa quan trọng góp phần chẩn đoán hình ảnh viêm bờm mỡ đại tràng.

Khi tiến hành siêu âm người mắc viêm bờm mỡ đại tràng sẽ thấy một khối tăng âm hình tròn hoặc bầu dục, có viền giảm âm nhẹ xung quanh, khối u này ấn không xẹp, nằm gần thành đại tràng, ấn có cảm giác đau. Còn trên đối với trên siêu âm Doppler màu, không có dấu hiệu của mạch máu trong khối, vừa có giá trị chẩn đoán vừa giúp phân biệt với tình trạng viêm khác như viêm túi thừa đại tràng, viêm ruột thừa.

Vì thế, khi mắc viêm bờm mỡ đại tràng người bệnh thường xuất hiện những dấu hiệu cơ bản như: đau ở vùng bụng giữa và dưới, đặc biệt đau nhiều hơn ở bên trái. Cơn đau có thể âm ỉ đến dữ dội và mức độ đau tăng lên khi dùng tay ấn vào thành bụng. Ngoài ra, người bệnh cũng cảm thấy đau hơn khi hít thở sâu, ho và thực hiện các động tác kéo căng vùng bụng. Ngoài những dấu hiệu phổ biến trên, một số ít người bệnh cũng nhận thấy có thêm các triệu chứng khác như: Tiêu chảy, ăn uống không ngon, sốt, nôn... Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh lý này thường khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn, vì thế bệnh chỉ được phát hiện qua hình ảnh viêm bờm mỡ đại tràng trên siêu âm.

3. Bệnh viêm bờm mỡ đại tràng có nguy hiểm không và nên điều trị thế nào?

Trẻ bị tiêu chảy có nên ăn cháo muối?
Chăm sóc tại nhà nên ăn những món ăn mềm, lỏng, giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa để giảm áp lực lên đường ruột

Nhiều người khi được chẩn đoán bệnh qua hình ảnh viêm bờm mỡ đại tràng trên siêu âm thường khá lo lắng, không biết bệnh có nguy hiểm và ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe không cũng như nên điều trị thế nào?

Như đã chia sẻ, viêm bờm mỡ đại tràng là bệnh lý khá hiếm gặp và không quá nguy hiểm như nhiều người vẫn nghĩ. Bệnh có thể tự khỏi trong thời gian ngắn, chỉ rất ít trường hợp mới cần can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, không vì thế mà người bệnh được phép chủ quan, nếu không điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt, người bệnh có thể đối diện với một vài nguy cơ như: Tạo áp xe ở ruột, viêm phúc mạc, lồng ruột, tắc ruột, dính ruột. Thậm chí bệnh còn có thể đe dọa đến tính mạng. Vậy khi được chẩn đoán mắc viêm bờm mỡ đại tràng người bệnh nên điều trị thế nào?

Hiện nay một trong những cách đơn giản, phổ biến để cải thiện tình trạng bệnh mà người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà như:

3.1. Chăm sóc tại nhà

  • Trước tiên nên nghỉ ngơi trong 3 – 5 ngày sau khi triệu chứng khởi phát
  • Hạn chế vận động mạnh, căng cơ bụng để cơ thể không bị đau.
  • Chế độ dinh dưỡng nên ăn những món ăn mềm, lỏng, giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa để giảm áp lực lên đường ruột, giúp đại tràng dễ dàng tiêu hóa thức ăn và tránh bị kích thích quá mức.
  • Những chất kích thích như rượu bia, đồ uống có cồn, thức ăn nhanh, đồ cay chua, khó tiêu hóa nên hạn chế tối đa sử dụng.
  • Nên giữ tâm lý thoải mái, tránh lao động nặng và tập thể dục với cường độ cao trong thời gian điều trị.

3.2. Sử dụng thuốc

Paracetamol
Paracetamol giúp giảm đau,chống viêm

Do bệnh gây nên các cơn đau, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống nên bác sĩ thường chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau, thuốc chống viêm trong trường hợp này như thuốc:

  • Paracetamol: Đây là loại thuốc thường được ưu tiên sử dụng, vì tương đối an toàn ở liều điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh mắc viêm gan, suy thận, thiếu máu nhiều lần và thiếu hụt men G6PD cần trao đổi thêm với bác sĩ để việc sử dụng thuốc được phù hợp.
  • Ibuprofen: Ibuprofen là thuốc chống viêm không steroid. Loại thuốc này có công dụng chính là chống viêm và giảm đau mạnh hơn so với Paracetamol. Cũng như nhiều loại thuốc khác. Ibuprofen chống chỉ định cho người có tiền sử xuất huyết tiêu hóa, đang bị loét dạ dày tá tràng tiến triển,...
  • Kháng sinh: Người mắc viêm bờm mỡ đại tràng cũng thường được chỉ định dùng kháng sinh trong điều trị. Mục đích của sử dụng kháng sinh là ngăn ngừa viêm nhiễm và dự phòng biến chứng áp xe, viêm phúc mạc,...

Về cơ bản những loại thuốc này thường được chỉ định dùng từ 3- 7 ngày, tùy theo tình trạng và sức khỏe của người bệnh. Với những người mắc viêm bờm mỡ đại tràng xuất hiện cơn đau kéo dài cần tới ngay bệnh viện để thăm khám và có hướng điều trị phù hợp. Bởi đây thường là trường hợp người bệnh không đáp ứng được điều trị bảo tồn nên sẽ cần phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ túi mỡ đại tràng với mục đích giúp làm giảm nguy cơ tái phát và dự phòng các biến chứng nguy hiểm như áp xe, viêm phúc mạc,...

Hiện nay cách tốt để phòng ngừa viêm bờm mỡ đại tràng là người bệnh chủ động kiểm soát cân nặng. Tập thể dục thường xuyên, ăn uống vừa phải, ăn đủ bữa, tránh nhịn ăn hoặc ăn uống quá mức. Điều trị triệt để các bệnh lý ở đường ruột như viêm túi thừa, viêm đại tràng,... Khi cơ thể xuất hiện những cơn đau hoặc biểu hiện giống với bệnh thì cần đến ngay bệnh viện để siêu âm viêm bờm mỡ đại tràng nếu cần thiết có thể điều trị sớm nhằm đạt được kết quả cao và tiết kiệm được chi phí tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan