Máu và các tế bào trong máu

Máu là một chất lỏng vô cùng quý giá trong cơ thể con người. Mỗi một tế bào máu đều giữ nhiều vai trò và chức năng khác nhau. Máu không những giúp cung cấp các chất dinh dưỡng và oxy cho các tế bào sống mà còn tham gia vào việc chống lại sự nhiễm trùng cũng như chữa lành các tổn thương trong cơ thể.

1. Máu và các thành phần của máu

Trong cơ thể của một người trưởng thành trung bình có hơn 5 lít máu. Máu giữ vai trò mang oxy và các chất dinh dưỡng đến các tế bào sống, đồng thời giúp loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, nó cũng cung cấp các tế bào miễn dịch giúp chống lại sự nhiễm trùng và chứa các tiểu cầu có khả năng tạo thành một nút thắt trong mạch máu bị tổn thương để ngăn ngừa tình trạng mất máu.

Thông qua hệ thống tuần hoàn, máu thích ứng với các nhu cầu của cơ thể. Khi bạn đang tập thể dục hoặc vận động thể chất, tim bạn sẽ bơm mạnh và nhanh hơn để cung cấp nhiều máu hơn cho cơ thể, nhờ đó có thể mang oxy cho cơ bắp. Khi bạn bị nhiễm trùng, máu sẽ cung cấp nhiều tế bào miễn dịch hơn đến vị trí bị tổn thương nhằm “xua đuổi” những “kẻ xâm lược” có hại.

Tất cả những chức năng này làm cho máu trở thành một loại chất lỏng quý giá. Máu được coi là thứ quý hiếm đến mức người ta gọi nó là “vàng đỏ”, bởi vì các tế bào máu và protein mà nó chứa có thể bán với giá cao hơn vàng ở cùng một trọng lượng.

Nếu để yên một ống nghiệm có chứa máu trong vòng nửa giờ đồng hồ, bạn sẽ nhận thấy máu được tách ra thành 3 lớp, trong đó các thành phần đặc hơn có xu hướng chìm xuống đáy ống và chất lỏng vẫn còn ở mức trên cùng.

Chất lỏng có màu vàng rơm tạo thành một lớp trên cùng, được gọi là huyết tương và chiếm khoảng 60% lượng máu. Lớp màu trắng ở giữa bao gồm các tế bào máu – bạch cầu (WBCs) và tiểu cầu. Lớp dưới cùng màu đỏ chính là các tế bào hồng cầu (RBCs). Hai lớp tế bào máu dưới cùng này chiếm khoảng 40% lượng máu trong cơ thể.

Thành phần của huyết tương chủ yếu là nước, tuy nhiên nó cũng chứa nhiều chất quan trọng khác, chẳng hạn như protein (các yếu tố đông máu, enzyme, albumin, kháng thể và hormone); đường (glucose) và các hạt chất béo.

Tất cả các tế bào được tìm thấy trong máu đều đến từ tủy xương. Chúng bắt đầu cuộc hành trình của mình giống như các tế bào gốc và sau đó trưởng thành thành 3 loại tế bào chính, bao gồm hồng cầu; bạch cầu và tiểu cầu. Trong tế bào bạch cầu có ba loại khác nhau: Tế bào lympho, bạch cầu hạt và bạch cầu đơn nhân. Đối với bạch cầu hạt cũng có 3 loại, bao gồm bạch cầu ái toan, bạch cầu ái kiềm và bạch cầu trung tính.

Tế bào máu
Máu là thành phần vô cùng quý giá trong cơ thể con người

2. Vai trò và chức năng chính của tế bào hồng cầu

Cứ mỗi giây sẽ có từ 2 – 3 triệu tế bào hồng cầu (RBCs) được sản xuất trong tủy xương và được giải phóng vào hệ tuần hoàn. Hồng cầu là loại tế bào phổ biến nhất trong máu, với mỗi milimet khối máu có chứa tới 4 – 6 triệu tế bào hồng cầu.

Với đường kính chỉ bằng 6 μm giúp các tế bào hồng cầu len lỏi dễ dàng qua các mạch máu nhỏ nhất trong cơ thể. Chúng có thể lưu thông quanh cơ thể bạn lên đến 120 ngày. Tại thời điểm đó, các tế bào hồng cầu cũ hoặc bị hư hỏng sẽ được loại bỏ ra khỏi hệ tuần hoàn bởi các đại thực bào có trong gan và lá lách.

Ở cơ thể người, cũng như hầu hết các loài động vật có vú khác, tế bào hồng cầu (RBCs) trưởng thành không có nhân. Điều này giúp cho chúng có nhiều chỗ trống hơn để lưu trữ protein liên kết oxy và hemoglobin, từ đó giúp hồng cầu vận chuyển được nhiều oxy hơn. Ngoài ra, các tế bào hồng cầu cũng có hình dạng lõm ở hai mặt, giúp tăng diện tích bề mặt để khuếch tán oxy. Ở động vật có xương sống, chẳng hạn như cá và chim, các tế bào hồng cầu trưởng thành đều có nhân.

Nếu một người có mức hemoglobin thấp, điều này cho thấy họ đang mắc phải tình trạng thiếu máu. Do hemoglobin là yếu tố giúp tạo ra hồng cầu trong máu, do đó khi thiếu chúng, người bệnh có thể trông nhợt nhạt. Ngoài ra, họ cũng có thể có các triệu chứng như mệt mỏi và cảm thấy khó thở, vì hemoglobin có vai trò thiết yếu trong việc vận chuyển oxy từ phổi đi đến khắp các nơi trong cơ thể.

Mỗi một tế bào máu giữ nhiều vai trò khac nhau
Mỗi một tế bào máu giữ nhiều vai trò khac nhau

3. Vai trò và chức năng chính của tế bào bạch cầu

Tế bào bạch cầu (WBCs) có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Một số tế bào WBCs có chứa nhân và nhiều thuỳ, trong khi những tế bào khác chứa một nhân lớn và tròn. Một số tế bào bạch cầu khác có chứa các gói hạt trong bào tương của chúng, do đó nó được gọi là bạch cầu hạt.

Mặc dù có sự khác biệt nhau về ngoại hình, tất cả các loại bạch cầu trong máu đều giữ những vai trò nhất định trong phản ứng miễn dịch của cơ thể. Chúng lưu thông trong máu cho đến khi nhận được tín hiệu một bộ phận của cơ thể bị tổn thương. Các tín hiệu này bao gồm interleukin 1 (IL-1), một phân tử được tiết ra bởi các đại thực bào góp phần gây sốt nhiễm trùng, đồng thời giải phóng ra histamine bởi các basophils và tế bào mast, góp phần vào các phản ứng dị ứng. Để phản hồi lại những tín hiệu này, các tế bào bào bạch cầu sẽ rời khỏi máu bằng cách chui qua các lỗ trên thành mạch máu. Chúng di chuyển đến nguồn phát ra tín hiệu và bắt đầu thực hiện quá trình chữa lành tổn thương.

Những người có lượng bạch cầu thấp trong máu thường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng nặng. Nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng của bệnh nhân sẽ tùy thuộc vào loại bạch cầu bị thiếu hụt. Chẳng hạn, đại thực bào trong cơ thể giữ vai trò “nuốt chửng” các loại vi khuẩn gây hại, do đó khi thiếu hụt chúng sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn tái phát. Ngược lại, các tế bào T có khả năng đặc biệt trong việc chống lại sự nhiễm trùng do vi rút, vì vậy việc mất đi chức năng của những tế bào này sẽ làm tăng tính nhạy cảm của cơ thể với vi rút.

  • Bạch cầu trung tính: Hay còn được gọi là bạch cầu đa nhân trung tính, vì chúng chứa một nhân có hình dạng không đều và chứa nhiều thuỳ. Bạch cầu trung tính cũng thuộc một nhóm WBCs, được gọi là bạch cầu hạt, vì bào tương của chúng rải rác các hạt chứa enzym giúp tiêu hoá mầm bệnh.
  • Bạch cầu đơn nhân: Là những bạch cầu non lưu thông trong máu. Sau khi rời khỏi máu, chúng phát triển thành đại thực bào và di chuyển vào mô. Tại đây, chúng cung cấp một biện pháp bảo vệ ngay lập tức, có thể nhấn chìm và tiêu hoá mầm bệnh trước khi các loại bạch cầu khác đến.

Trong gan, các đại thực bào mô được gọi là tế bào Kupffer, có vai trò chuyên loại bỏ các tác nhân có hại từ máu đã rời khỏi ruột. Đại thực bào phế nang ở trong phổi giúp loại bỏ các tác nhân có hại mà cơ thể đã hít phải. Trong khi đó, các đại thực bào ở lá lách có tác dụng loại bỏ các tế bào hồng cầu và tiểu cầu cũ hoặc bị hư hại ra khỏi hệ thống tuần hoàn. Ngoài ra, đại thực bào cũng là một tế bào trình diện kháng nguyên (APC), giúp phô ra các protein lạ (kháng nguyên) cho các tế bào miễn dịch khác và kích hoạt phản ứng miễn dịch.

4. Vai trò và chức năng chính của tiểu cầu

Một tế bào máu quan trọng khác là tiểu cầu. Đây là những mảnh tế bào có hình dạng bất thường lưu thông trong máu cho đến khi chúng được kích hoạt để tạo thành các cục máu đông hoặc bị lá lách loại bỏ.

Giảm tiểu cầu là tình trạng lượng tiểu cầu trong máu thấp, khiến làm tăng nguy cơ bị chảy máu. Ngược lại, khi lượng tiểu cầu tăng cao có thể làm hình thành nên các cục máu đông bất lợi trong cơ thể. Những vấn đề này có thể làm mất đi nguồn cung cấp máu đến các cơ quan thiết yếu như não và tim, gây ra các cơn đột quỵ hoặc đau tim nguy hiểm.

Tương tự như tất cả các tế bào máu khác, tiểu cầu bắt nguồn từ các tế bào gốc có trong tủy xương. Các tế bào gốc sẽ phát triển thành tiền thân của tiểu cầu để đưa nó vào trong máu. Tại đây, tiểu cầu lưu thông trong cơ thể khoảng 9 ngày. Nếu thành mạch máu bị tổn thương trong thời gian này, tiểu cầu sẽ dính vào vùng bị tổn thương và được kích hoạt để tạo thành những cục máu đông. Sau khoảng thời gian 9 ngày, các tiểu cầu sẽ được loại bỏ khỏi hệ tuần hoàn bởi lá lách. Một số loại bệnh liên quan đến tình trạng lá lách hoạt động quá mức, chẳng hạn như bệnh bạch cầu hoặc viêm khớp dạng thấp, khi lá lách loại bỏ quá nhiều tiểu cầu có thể dẫn đến nguy cơ tăng chảy máu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: ncbi.nlm.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan