Những điều cần biết về gây mê trước một ca phẫu thuật

Bài viết được tư vấn chuyên môn Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Ngát - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Gây mê để phẫu thuật là kỹ thuật phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó an toàn là tiêu chí được bác sĩ/ kỹ thuật viên gây mê đưa lên hàng đầu. Người bệnh sẽ được đánh giá đầy đủ và toàn diện trước khi phẫu thuật để đưa ra phương án gây mê phù hợp với cuộc phẫu thuật đó.

1. Gây mê là gì? Tại sao phải gây mê trước phẫu thuật?

Gây mê là phương pháp vô cảm có mục đích làm mất tạm thời ý thức, cảm giác và các phản xạ của bệnh nhân bằng các thuốc mê tác động lên hệ thần kinh trung ương. Việc gây mê sẽ giúp bệnh nhân nằm yên, không đau và không lo lắng hay cử động trong suốt quá trình phẫu thuật. Đây cũng là phương pháp để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân vì đau đớn và sợ hãi quá mức có thể dẫn đến phản xạ ngừng tim.

Tùy vào đường vào của thuốc gây mê mà người ta chia ra làm 3 loại gây mê gồm:

  • Gây mê hô hấp: Người bệnh sẽ hít hơi thuốc mê cho thuốc mê qua phổi để vào máu
  • Gây mê qua các đường khác: Gây mê tĩnh mạch, trực tràng hoặc bắp thịt
  • Gây mê phối hợp: Dùng các thuốc mê khác nhau qua một đường hoặc nhiều đường khác nhau vào cơ thể bệnh nhân để gây mê. Bên cạnh đó có thể sử dụng thuốc mê phối hợp với các thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ.
Bệnh nhân được gây mê trong suốt quá trình chụp
Việc gây mê trước phẫu thuật sẽ giúp bệnh nhân nằm yên, không đau và không lo lắng hay động đậy trong suốt quá trình phẫu thuật

2. Những điều cần biết về gây mê trước phẫu thuật

Tâm lý lo lắng trước các cuộc phẫu thuật là điều không thể tránh khỏi ở hầu hết các bệnh nhân, vì vậy, việc giải thích kỹ càng về quá trình phẫu thuật bao gồm cả gây mê cho bệnh nhân là rất quan trọng để ổn định tâm lý, kiểm soát về sức khỏe, có được sự hợp tác, chuẩn bị tốt nhất của người bệnh. Một số câu hỏi thường gặp về gây mê trong quá trình phẫu thuật gồm có:

  • Gây mê có nguy hiểm không?

Mục đích chính của việc gây mê là đảm bảo an toàn cho bệnh nhân khi phẫu thuật và với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì việc gây mê đã được thực hiện rộng rãi hơn với ít những biến chứng nguy hiểm hơn. Do đó bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm khi được tiến hành gây mê phẫu thuật.

  • Bệnh nhân cần tự chuẩn bị những gì trước gây mê?

Trước khi được phẫu thuật thì tất cả các bệnh nhân sẽ được kiểm tra các chức năng quan trọng trong cơ thể để các bác sĩ đưa ra phương pháp gây mê phù hợp. Tuy nhiên, bệnh nhân cần chú ý tuân thủ nhịn ăn trước mổ 6 tiếng và nhịn uống 3 tiếng trước gây mê. Việc giữ cho dạ dày trống rỗng rất quan trọng khi gây mê để tránh biến chứng trào ngược thức ăn làm tắc đường thở ngay lập tức.

  • Gây mê sau bao lâu thì tỉnh?

Với sự tiến bộ của thuốc mê cũng như phương pháp gây mê mà hầu như bệnh nhân sẽ tỉnh sau phẫu thuật vài phút do các thuốc mê thế hệ mới được đào thải nhanh sau khi ngưng sử dụng thuốc, cảm giác sau khi tỉnh lại cũng dịu nhẹ hơn các thuốc trước đây.

Nhịn ăn
Bệnh nhân cần chú ý tuân thủ nhịn ăn trước mổ 6 tiếng và nhịn uống 3 tiếng trước gây mê

3. Các tác dụng không mong muốn của gây mê

Kỹ thuật gây mê hiện đại thường rất an toàn, tuy nhiên mỗi phương pháp gây mê vẫn có những nguy cơ, tác dụng phụ hoặc biến chứng của nó. Một số biến chứng là tạm thời nhưng cũng có những biến chứng để lại di chứng lâu dài. Các tác dụng phụ thường gặp gồm:

  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Nhức đầu
  • Đau, bầm ở vị trí tiêm chích
  • Khô hoặc chấn thương môi, họng
  • Nhìn mờ, nhìn đôi hoặc chóng mặt
  • Tiểu khó
  • Ít gặp hơn có thể kể đến như đau nhức cơ, yếu mệt, phản ứng dị ứng nhẹ, sẩn ngứa hoặc tổn thương thần kinh tạm thời

Một số biến chứng hiếm gặp và thậm chí có thể gây tử vong khi gây mê gồm có:

  • Phản ứng dị ứng và co thắt đường thở
  • Huyết khối chi dưới
  • Cơn co giật động kinh
  • Nhiễm trùng hô hấp (thường xảy ra ở người hút thuốc lá)
  • Dị ứng nặng hoặc sốc
  • Sốt cao đột ngột
  • Đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim
  • Sặc hít (viêm phổi)
  • Liệt
  • Huyết khối trong mạch máu phổi phổi
  • Tổn thương não

Các nguy cơ biến chứng sẽ càng tăng cao ở những bệnh nhân lớn tuổi, nghiện thuốc lá hoặc thừa cân, có các bệnh lý nền nặng như đái tháo đường, bệnh tim, bệnh thận, tăng huyết áp.

Chóng mặt do thiếu máu
Chóng mặt có thể là tác dụng phụ của gây mê

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn thực hành gây mê phẫu thuật an toàn theo các hướng dẫn quốc tế. Với một đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng gây mê giàu kinh nghiệm, cùng với các trang thiết bị hiện đại như máy dò thần kinh, máy siêu âm, hệ thống kiểm soát đường thở khó của Karl Storz, hệ thống theo dõi gây mê toàn diện AoA (Adequate of Anesthesia) của GE bao gồm theo dõi độ mê, độ đau và độ giãn cơ sẽ mang lại chất lượng cao và an toàn, giúp bệnh nhân gây mê vừa đủ, không thức tỉnh, không tồn dư thuốc giãn cơ sau mổ. Hệ thống Y tế Vinmec cũng tự hào là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ký kết với Hiệp hội Gây mê Thế giới (WFSA) hướng đến mục tiêu trở thành bệnh viện an toàn nhất về gây mê phẫu tại Đông Nam Á.

Bác sĩ Ngát có kinh nghiệm trên 15 năm làm bác sĩ Gây mê hồi sức tại các Bệnh viện: Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Bộ công an, Bệnh viện Tâm Trí Đà Nẵng. Hiện tại, đang là Bác sĩ gây mê Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan