Phẫu thuật điều trị ruột đôi - mổ nội soi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong khám, điều trị, phẫu thuật các bệnh lý ổ bụng.

Bệnh đường tiêu hóa đôi là một dị tật đường tiêu hóa bẩm sinh hiếm gặp ở trẻ, khi bị ruột đôi có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm. Bệnh đường tiêu hóa đôi có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào thuộc đường tiêu hóa, trong đó phần lớn hay gặp nhất là là ruột đôi chiếm tới trên 70% số trường hợp. Khi phát hiện ruột đôi phương pháp điều trị duy nhất là can thiệp phẫu thuật, phẫu thuật nội soi là phương pháp được sử dụng nhiều do có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với phẫu thuật mổ mở.

1. Tổng quan về bệnh ruột đôi

Trong quá trình hình thành ống tiêu hóa trong bào thai các thành phần trong ống tiêu hóa từ miệng tới hậu môn có thể bị lập lại, bất kỳ vị trí nào trên đường tiêu hóa đều có thể bị lập lại, tuy nhiên dạng lập lại này hay gặp nhất. Tình trạng lặp lại đường tiêu hóa tại ruột gọi là bệnh ruột đôi hay nang ruột đôi.

Trong bệnh ruột đôi người ta thấy đoạn ruột có cấu trúc như ruột nhưng phát triển thừa ra và dính chặt vào một đoạn ruột bình thường của đường tiêu hóa, đoạn ruột này có thể không thông với ruột chính hoặc thông với ruột chính. Thông thường lớp niêm mạc lót mặt trong của ruột đôi là niêm mạc ruột, nhưng có trường hợp niêm mạc là niêm mạc dạ dày lạc sản nên dễ dàng gây viêm loét và thủng ruột rất nguy hiểm.

Mổ nội soi điều trị ruột đôi
Bệnh ruột đôi hình thành trong quá trình hình thành ống tiêu hóa khi đường tiêu hóa bị lặp lại

Những dấu hiệu của bệnh ruột đôi: Vì vị trí và kích thước của bệnh ruột đôi không giống nhau nên biểu hiện của bệnh cũng khác nhau ở mỗi người. Các dấu hiệu có thể gặp bao gồm:

  • Một số trường hợp ruột đôi nhỏ không có biểu hiện triệu chứng gì, chỉ tình cờ phát hiện khi thăm khám.
  • Đau bụng: Là biểu hiện thường gặp nhất, đau thường do dịch tiết ra không có chỗ thoát gây ra ứ đọng, có thể do niêm mạc là lớp niêm mạc dạ dày bị lạc sản gây ra viêm loét nang ruột đôi. Dấu hiệu đau bụng trong một số trường hợp cũng không điển hình, đau ít âm ỉ theo đợt, nên dễ bị bỏ qua,
  • Rối loạn tiêu hóa: Người bệnh có thể hay nôn, buồn nôn; rối loạn đại tiện, tiêu chảy hoặc táo bón hay gặp ở trường hợp nang ruột đôi đoạn đại tràng.
  • Trẻ đôi khi biểu hiện khi đã có biến chứng xảy ra: Đau bụng dữ dội, nôn nhiều, đi ngoài ra máu, đi ngoài, nếu biến chứng là tắc ruột người bệnh bí trung đại tiện, nếu có thủng nang người bệnh đau bụng giữ dội, sốt.

Những biến chứng của ruột đôi:

  • Thường gặp nhất là bệnh ruột đôi gây ra lồng ruột ở trẻ nhỏ.
  • Nang ruột đôi có thể gây viêm loét và chảy máu tiêu hóa làm trẻ bị mất máu cấp hay mạn tùy thuộc vào mức độ chảy máu.
  • Khi nang ruột đôi quá to có thể làm chèn ép và gây ra tắc ruột.
  • Biến chứng hiếm gặp là xoắn ruột, thủng nang gây viêm phúc mạc, xuất huyết trong nang...
  • Ung thư hóa của bệnh ruột đôi rất hiếm gặp.

2. Phẫu thuật điều trị ruột đôi

Nếu ruột đôi nhỏ, không gây triệu chứng gì thì chỉ cần theo dõi chứ chưa cần can thiệp phẫu thuật.

Trong trường hợp ruột đôi gây ra các triệu chứng trên đường tiêu hóa hay nặng hơn là những biến chứng thì cần tiến hành điều trị, phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột thừa. Hiện nay phẫu thuật nội soi được áp dụng rộng rãi trong điều trị bệnh ruột đôi do những ưu điểm nổi trội hơn so với phương pháp mổ mở.

Mổ nội soi điều trị ruột đôi
Phẫu thuật nội soi được áp dụng rộng rãi trong điều trị bệnh ruột đôi

Những ưu điểm của mổ nội soi điều trị bệnh ruột đôi:

  • Giúp cho việc quan sát và tìm nang ruột đôi dễ dàng và thuận lợi hơn so với phương pháp mổ mở.
  • Là phương pháp ít xâm lấn, vết mổ nhỏ nên ít đau hơn cho trẻ và sẹo hình thành nhỏ hơn.
  • Thời gian hồi phục nhanh hơn, do đo thời gian nằm viện và chi phí điều trị bệnh giảm.

Khi phẫu thuật nội soi điều trị ruột đôi tùy thuộc vào đặc điểm của nang mà có các chiến lược thích hợp: cắt bỏ nang đơn giản kèm đóng lại khiếm khuyết đường tiêu hóa, hoặc cắt bỏ đoạn ruột chứa nang ruột đôi và tái lập lưu thông đường tiêu hóa. Trong đa số các trường hợp phẫu thuật nội soi điều trị ruột đôi có tiên lượng tốt, khả năng hồi phục tốt.

Vì đây là một phương pháp can thiệp ngoại khoa nên khó tránh khỏi có thể xảy ra một số tai biên trong quá trình làm phẫu thuật như: Tổn thương mạch máu, tổn thương các cơ quan trong ổ bụng, chảy máu, nhiễm trùng sau phẫu thuật...

Một số điều chú ý sau phẫu thuật nội soi:

  • Sau phẫu thuật trẻ cần nhịn ăn uống tối thiểu 48 giờ và truyền dịch nếu có cắt đoạn ruột.
  • Phải sử dụng kháng sinh dự phòng sau phẫu thuật.
  • Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường cần thông báo ngay cho nhân viên y tế như: Trẻ sốt cao, đau bụng nhiều không giảm, ống dẫn lưu dịch có máu đỏ tươi...

Những dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ thường gặp nhưng khi tái diễn nhiều lần cần phải chú ý và thăm khám tránh bỏ sót dị tật ruột đôi ở trẻ, nếu bệnh phát hiện muộn có thể là biểu hiện của biến chứng nguy hiểm. Ruột đôi ở trẻ được điều trị triệt để bằng can thiệp phẫu thuật nội soi, có một số trường hợp điều trị không hoàn toàn hoặc nhẹ không can thiệp cần được thăm khám thường định kỳ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

902 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan