Phương pháp lọc màng bụng trong điều trị suy thận giai đoạn cuối

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị Bệnh nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Lọc màng bụng là một trong ba phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối chủ yếu hiện nay. Lọc màng bụng có nhiều ưu điểm như đơn giản, dễ thực hiện, tiện lợi cho người bệnh, chi phí thấp, hiệu quả điều trị đảm bảo.

1. Giới thiệu về phương pháp lọc màng bụng

Số lượng người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối ở nước ta ngày càng tăng. Theo ước tính năm 2015, số bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối trên cả nước là trên 80.000 người. Khi mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối, chức năng thận của bệnh nhân đã mất gần như hoàn toàn, người bệnh bắt buộc phải được điều trị thay thế thận để duy trì cuộc sống. 3 phương pháp điều trị thay thế thận hiện nay là ghép thận, chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng.

Trong đó, phương pháp ghép thận rất khó thực hiện do nguồn thận hiến tặng là rất hiếm và khó tương hợp, chi phí ghép thận cũng khá cao. Phương pháp chạy thận nhân tạo tuy hiệu quả, nhưng hiện các trung tâm chạy thận nhân tạo trên cả nước đang quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu lọc máu ngày càng tăng. Lọc màng bụng là phương pháp điều trị thay thế thận cần được sự quan tâm. Lọc màng bụng có thể thực hiện tại nhà do đó rất thuận tiện cho người bệnh, chi phí thấp nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.

Lọc màng bụng hiện nay là phương pháp điều trị thay thế thận chủ yếu cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, kỹ thuật lọc màng bụng phát triển và được sử dụng rộng rãi vào khoảng năm 2004. Hiện nay, có hơn 40 trung tâm lọc màng bụng trên cả nước.

2. Cơ chế của phương pháp lọc màng bụng

Phương pháp lọc màng bụng sử dụng chính màng bụng của bệnh nhân làm màng lọc các phân tử có trọng lượng nhỏ, là các chất cặn bã trong quá trình chuyển hóa, các chất độc nội sinh hoặc ngoại sinh và nước thừa ra khỏi máu, giúp khôi phục sự cân bằng nội môi.

Trong phương pháp này, dịch lọc vô trùng sẽ được đưa vào khoang màng bụng, màng bụng là màng lọc và khoang máu là máu chảy trong lòng mạch máu của màng bụng. Ure, creatinin, các phân tử có trọng lượng phân tử thấp có nồng độ cao trong máu sẽ khuếch tán qua màng bụng và qua khoang dịch lọc. Nước cũng di chuyển từ máu là nơi có áp suất thấp qua màng bụng sang khoang dịch lọc là nơi có áp suất thẩm thấu cao. Dịch lọc được lưu trong khoang bụng một khoảng thời gian nhất định để quá trình khuếch tán xảy ra, sau đó dịch lọc được tháo ra ngoài và được thay thế bằng dịch lọc mới.

Phương pháp lọc màng bụng
Phương pháp lọc màng bụng

3. Các phương pháp lọc màng bụng

Hai phương pháp lọc màng bụng đang được sử dụng phổ biến nhất là lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD) và lọc màng bụng tự động hóa (APD).

3.1 Lọc màng bụng liên tục ngoại trú

Là phương pháp lọc màng bụng liên tục trong suốt thời gian sống của bệnh nhân, dịch lọc luôn hiện diện trong phúc mạc người bệnh. Trong một ngày, tùy theo tình trạng của người bệnh mà dịch sẽ được thay đổi từ 3 đến 5 lần.

Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, dễ thực hiện, người bệnh thực hiện việc thay địch bằng tay, thực hiện tại nhà, trong thời gian lưu dịch trong khoang màng bụng, người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường.

Bất lợi của phương pháp này là người bệnh phải thực hiện việc thay dịch nhiều lần, thường là 4 lần mỗi ngày, mỗi lần thay dịch tốn từ 30-40 phút. Việc thay dịch phải thực hiện đúng kỹ thuật, yếu tố vệ sinh phải đảm bảo để phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng.

Biến chứng thường gặp nhất của lọc màng bụng liên tục ngoại trú là viêm phúc mạc, trước đây viêm phúc mạc thường xảy ra 12 tháng một lần, nhưng hiện nay với sự cải tiến về thiết bị chuyển tiếp và dụng cụ kết nối, tỷ lệ viêm phúc mạc đã giảm đi đáng kể.

3.2 Lọc màng bụng chu kỳ tự động (APD)

Lọc màng bụng chu kỳ tự động (ADP) thông thường được chia thành: lọc màng bụng liên tục chu kỳ (CCPD) và lọc màng bụng cách quãng ban đêm (NIPD).

  • Lọc màng bụng liên tục chu kỳ (CCPD): Mỗi đêm, 3-10 lần dịch lọc màng bụng sẽ được máy tự động đưa vào cơ thể. Một thể tích dịch lọc màng bụng được lưu trong cơ thể người bệnh vào ban ngày và thể tích này sẽ được tháo ra vào trước chu kỳ lọc ban đêm.
  • Lọc màng bụng cách quãng ban đêm (NIPD): tương tự như CCPD, chỉ khác ở điểm là bệnh nhân không có dịch lọc lưu trong khoang bụng vào ban ngày. Số lần trao đổi dịch vào ban đêm sẽ tăng lên để bù lại sự thiếu lưu dịch vào ban ngày.
Bác sĩ khám bệnh
Phương pháp lọc màng bụng trong điều trị suy thận giai đoạn cuối cần được thực hiện tại bệnh viện

4. Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp lọc màng bụng

Với phương pháp lọc màng bụng, cuộc sống bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối không phải gắn với bệnh viện nhiều như phương pháp chạy thận nhân tạo. Hàng tháng người bệnh chỉ cần đến bệnh viện một lần để nhận dịch lọc, quá trình thao tác đơn giản, dễ thực hiện, không bị lệ thuộc máy móc. Đặc biệt thích hợp với người già, trẻ em, những người còn đang đi học, đi làm hoặc ở những nơi không có máy chạy thận nhân tạo. Chi phí lọc màng bụng được bảo hiểm chi trả một phần do đó khá thấp, phù hợp với khả năng của nhiều bệnh nhân.

Trong quá trình lọc màng bụng, các chất hòa tan và lượng nước trong máu qua khoang dịch lọc một cách từ từ, do đó không gây sự biến đổi lớn về huyết động, đặc biệt thích hợp với những người có huyết động không ổn định. Bệnh nhân ít bị thiếu sắt, mất máu, chế độ ăn uống của bệnh nhân cũng không bị hạn chế nhiều như khi chạy thận nhân tạo. Đặc biệt, khi lọc màng bụng, máu không bị dẫn ra ngoài cơ thể nên bệnh nhân không cần sử dụng thuốc chống đông, giúp bệnh nhân không gặp phải các tác dụng phụ của thuốc như xuất huyết tiêu hóa, đột quỵ,...

Nhược điểm của lọc màng bụng là nguy cơ tăng đường huyết do dịch lọc màng bụng có hàm lượng glucose khá cao. Hoạt động của cơ hoành bị hạn chế khi dịch được lưu trong khoang màng bụng. Ngoài ra, người bệnh sẽ có nguy cơ cao viêm phúc mạc, nhiễm trùng chân ống nếu không đảm bảo vệ sinh và không tuân thủ các quy trình thao tác được hướng dẫn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan