Siêu âm tim đánh giá, chẩn đoán các khối u trong tim

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

U trong tim là bệnh lý hiếm gặp với tỷ lệ mắc bệnh chỉ dưới 0,1% dân số. Trong số các biện pháp chẩn đoán khối u tim, siêu âm tim là kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi vì có độ chính xác cao, không xâm lấn và an toàn cho sức khỏe bệnh nhân.

1. Sơ lược về u trong tim

1.1 U trong tim là gì?

Khối u trong tim có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào của tim như cơ tim, nội tâm mạc (màng bao bọc trong tim) hoặc ngoại tâm mạc (màng bao bọc bên ngoài tim). Khối u trong tim khá hiếm gặp nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và rất khó phòng ngừa. Nếu phát hiện muộn, u tim có thể tiến triển rất xấu, thậm chí đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.

U trong tim có thể là lành tính hoặc ác tính. U ác tính nguyên phát ở tim rất hiếm, chủ yếu là u lành tính với tỷ lệ mắc bệnh là 75% trong tổng số các ca bệnh. Ngoài ra, còn có trường hợp u ác tính di căn từ cơ quan khác tới tim.

1.2 Các loại u trong tim thường gặp

Vì u tim chủ yếu là u lành nên phần này sẽ đề cập chi tiết về các loại u lành tính trong trong tim thường gặp. Đó là:

  • U nhầy: Là khối u lành tính hay gặp nhất, nằm trong các khoang tim. Hầu hết các khối u nhầy xảy ra trong tâm nhĩ trái;
  • U sợi: Phát triển trong cơ tim hoặc trong nội tâm mạc. Các khối u sợi có xu hướng xảy ra trên các van tim, có thể liên quan tới phản ứng viêm;
  • U cơ vân: hay phát triển trong cơ tim hoặc trong lớp nội tâm mạc. U cơ vân hay xảy ra ở trẻ nhỏ, có liên quan tới xơ hóa dạng củ lao, u thận, u tuyến bã nhờn của da và tình trạng rối loạn nhịp tim. Khối u cơ vân có xu hướng xuất hiện ở vách tâm thất;
  • U quái: U phát triển từ tế bào mầm phôi thai. U quái của ngoại tâm mạc hay dính vào đáy các mạch máu lớn, thường gặp ở trẻ em, ít gặp ở dạng nang hoặc u mỡ. U quái thường không có triệu chứng, chủ yếu phát hiện thông qua chụp X-quang thường quy phổi và ngực;
  • U mỡ: Có thể bắt nguồn từ bất kỳ mô nào của tim, hay xảy ra ở trẻ em.

1.3 Triệu chứng u trong tim

Khi khối u tim còn nhỏ thường không gây triệu chứng. Khi khối u lớn dần, chúng sẽ chiếm một khối lượng lớn trong buồng tim, có thể tụt xuống tâm thất, làm bệnh nhân khó thở, nhịp tim nhanh và người bệnh sẽ dễ chịu hơn khi nằm nghiêng phải. Đôi khi, khối u tim có thể bịt kín lỗ van 2 lá, khiến máu không đi xuống được buồng thất trái, gây ngất xỉu hoặc đột tử.

Khối u cũng thường di chuyển theo chu kỳ co bóp của tim nên dễ bị vỡ thành các mảnh nhỏ. Các mảnh u trôi theo dòng máu có thể gây đột quỵ, tắc mạch chi. Đây là những biến chứng rất nặng nề của bệnh u tim.

U ác tính di căn từ nơi khác tới tim cũng rất nguy hiểm vì có thể gây suy tim ứ huyết, rối loạn nhịp và block tim, tràn dịch màng ngoài tim,... với tiên lượng rất xấu và có nguy cơ tử vong cao.

thường xuyên khó thở kèm nhói ở tim
Khi khối u lớn, người bệnh sẽ có thể cảm thấy khó thở, nhịp tim nhanh

2. Siêu âm - phương pháp chẩn đoán các khối u trong tim hiệu quả

Khi bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ u tim như đau ngực, khó thở hoặc bị ngất sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện siêu âm tim. Đây là một trong những phương pháp thăm dò không xâm lấn, không gây đau và không gây hại cho sức khỏe. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ theo dõi nhịp tim, cấu trúc, kích thước và chức năng tim, từ đó phân tích, đánh giá tình trạng của tim. Phương pháp này đóng vai trò quan trọng trong đánh giá các bệnh nhân có biến chứng tắc mạch, triệu chứng của suy tim hoặc có tiếng thổi ở tim không giải thích được (khi khám lâm sàng).

Siêu âm tim thường được tiến hành theo 3 phương pháp:

  • Siêu âm tim gắng sức: Thực hiện khi bác sĩ tiến hành đo điện tim hoặc cho bệnh nhân uống loại thuốc có thể làm tim đập nhanh hơn;
  • Siêu âm Doppler: Đo vận tốc dòng máu ở các vị trí trong buồng tim;
  • Siêu âm qua thực quản: Bệnh nhân phải nuốt 1 đầu dò có gắn sợi dây cáp quang mỏng kết nối với máy siêu âm để bác sĩ quan sát, chẩn đoán phát hiện bệnh.

Trên siêu âm tim, bác sĩ có thể thấy rõ khối u di động trong buồng tim, thấy được cuống khối u bám vào vách tim. Ngoài ra, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này còn cho phép bác sĩ đánh giá chính xác tính chất, kích thước khối u tim, thấy được sự di động của khối u qua van 2 lá trong chu kỳ co bóp của tim. Vì vậy, đây được coi là xét nghiệm chẩn đoán tốt trong đánh giá các bệnh nhân có khối u trong tim.

Siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán hình ảnh quan trọng giúp phát hiện các tổn thương, khối u trong tim. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần phối hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp CT, chụp MRI,... để đánh giá rõ hơn các đặc tính của khối u.

siêu âm, đầu dò siêu âm tim
Siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán hình ảnh quan trọng giúp phát hiện các tổn thương, khối u trong tim

Cũng theo các bác sĩ, bệnh u ở tim không thể tự phòng được nên khi có biểu hiện đau ngực, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, khó thở, ngất khi thay đổi tư thế,... thì bệnh nhân nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch để phát hiện bệnh sớm và có hướng điều trị hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

695 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan