Thở hổn hển mạnh khi ngủ là bị làm sao?

Khó thở mô tả cảm giác khó khăn hoặc không thoải mái khi thở. Tình trạng này có thể xảy ra trong bất kỳ hoàn cảnh nào, từ gắng sức cho đến cả khi ngủ hay trong khi ngủ. Các nguyên nhân gây thở mạnh khi ngủ có thể là do suy tim sung huyết, chứng ngưng thở khi ngủ, béo phì và các vấn đề về hô hấp.

1. Các nguyên nhân gây thở hổn hển mạnh khi ngủ

1.1 Ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là một trong những lý do phổ biến nhất khiến mọi người thường bị khó thở khi nằm. Thường bị nhầm lẫn với ngáy đơn thuần, chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn gây ra hơi thở nông hoặc tạm dừng thở khi đang ngủ; một số trường hợp có khi quan sát thấy người mắc phải thở mạnh khi ngủ. Cơ chế của chứng ngưng thở khi ngủ là do các cơ trong cổ họng giãn ra và gây cản trở đường thở, đặc biệt là khi nằm ngửa.

Theo các chuyên gia về giấc ngủ, một trong những triệu chứng phổ biến nhất của ngưng thở khi ngủ là buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Lý do xảy ra điều này là vì ngưng thở khi ngủ liên quan đến việc giảm hoặc ngừng hoàn toàn luồng không khí, dẫn đến giảm đột ngột độ bão hòa oxy trong máu. Bộ não phản ứng với điều này bằng cách gây ra một cơn kích thích ngắn từ giấc ngủ để khôi phục lại nhịp thở bình thường. Bởi vì điều này có thể xảy ra hàng trăm lần trong một đêm, người bệnh thở mạnh khi ngủ khiến giấc ngủ bị rời rạc nên sẽ dẫn đến buồn ngủ quá nhiều vào ban ngày.

Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ có thể bị ngáy, khó ngủ, thức dậy với miệng khô hoặc đau họng và mệt mỏi vào ban ngày. Thuốc thông mũi phổ biến trên thị trường có thể đủ để giải quyết chứng ngưng thở khi ngủ, mặc dù các triệu chứng của một số người có thể phản ứng tốt hơn với các thiết bị thở như ống ngậm hoặc máy thở áp lực dương liên tục (CPAP).

1.2 Suy tim

Suy tim là nguyên nhân phổ biến, khiến nhiều người lo lắng gây thở hổn hển là gì. Theo đó, tình trạng suy tim cấp tính, suy tim sung huyết thường gây khó thở khi nằm. Với tình trạng này, tim không thể bơm máu hiệu quả và thư giãn như bình thường. Suy tim thường do các tình trạng sức khỏe và bệnh khác gây ra — bao gồm huyết áp cao, đau tim hoặc dị tật tim.

Trong đa số các trường hợp, suy tim là kết cục có thể đoán trước và thường tiến triển xấu đi theo thời gian nếu không kiểm soát tốt. Bệnh không chỉ gây thở mạnh khi ngủ hay khó thở khi nằm mà còn khiến người bệnh mệt mỏi kéo dài, tích nước ở bàn chân, cẳng chân và bụng, ho khan, chán ăn.

Mặc dù suy tim là một tình trạng rất nghiêm trọng và có thể gây tử vong, rất nhiều bệnh nhân vẫn có thể sống chung với tình trạng này nếu được điều trị toàn diện, kết hợp với các biện pháp thay đổi lối sống. Có những loại thuốc và phẫu thuật hiệu quả được sử dụng để kéo dài tuổi thọ người bệnh hoặc giải quyết bất kỳ nguyên nhân cơ bản dẫn tới suy tim.

1.3 Béo phì

Khó thở khi nằm xuống là thường gặp phải nếu người đó có trọng lượng cơ thể quá mức. Lúc nằm ngửa, bụng và ngực có thể bị chèn nén và không thể nở ra hết. Mặc dù béo phì có thể do những sai lầm trong lựa chọn lối sống gây ra, một số bệnh, thuốc men và các vấn đề kinh tế xã hội khác cũng cho thấy có mối liên quan đến béo phì.

Bên cạnh đó, tình trạng béo phì cũng thường có liên quan đến các tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như tăng huyết áp, tiểu đường và một số bệnh lý ung thư. Giảm cân bằng cách tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh và chế độ tập thể dục có thể làm giảm các triệu chứng, nhưng hãy luôn trao đổi với bác sĩ để thảo luận về kế hoạch giảm cân một cách an toàn và hiệu quả.

Thở mạnh khi ngủ có thể khiến người bệnh xuất hiện triệu chứng đau ngực
Béo phì có thể khiến bạn gặp tình trạng thở mạnh khi ngủ

1.4 Rối loạn hoảng sợ

Rối loạn hoảng sợ là một loại rối loạn lo âu trong đó một người trải qua các cơn lo lắng hoặc hoảng sợ, cảm thấy mất kiểm soát, sợ hãi tột độ và cô độc. Các cơn hoảng sợ xảy ra đột ngột và có thể kéo dài vài phút, khiến người bệnh thở mạnh, cảm thấy khó thở hoặc như thể không thể thở bình thường. Nếu cơn hoảng sợ xảy ra trong lúc ngủ như do gặp ác mộng, người ngủ cùng có thể phát hện bệnh nhân thở mạnh khi ngủ, thở hổn hển và cử động tay chân dạng co giật.

Khi bị khó thở trong bệnh cảnh rối loạn hoảng sợ, các liệu pháp hành vi nhận thức hoặc liệu pháp tâm lý, an thần có thể giúp cải thiện.

1.5 Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một nhóm các bệnh phổi, chẳng hạn như khí phế thũng hoặc viêm phế quản mãn tính và thường do chất lượng không khí kém. Ở các bệnh nhân này, các túi khí của phổi bị tổn thương và các ống thở bị thu hẹp, gây khó khăn cho việc thở đúng cách.

Ngoài khó thở khi ngủ, khi nghỉ ngơi và cả lúc gắng sức, các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính còn có ho kéo dài hoặc thở khò khè, nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại và mệt mỏi.

Nếu không điều trị, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ xấu đi theo thời gian. Mặc dù các biện pháp điều trị sẽ không đảo ngược tổn thương phổi, các loại thuốc hít giãn phế quản, kháng viêm, phẫu thuật và phục hồi chức năng có thể cải thiện triệu chứng.

1.6 Mang thai

Khi thai kỳ càng lớn, tử cung ngày càng to ra và sẽ ép xuống các cơ quan lân cận, đặc biệt là cơ hoành và phổi, làm giảm dung tích phổi. Ngoài ra, cơ thể tiết ra một loại hormone gọi là progesterone, kích hoạt não bộ hít thở nhanh hơn. Tất cả các yếu tố này kích thích vòng tuần hoàn của cơ thể sản phụ phải bơm nhiều máu hơn để phù hợp với thai nhi đang phát triển.

Cảm giác khó thở khi mang thai là hoàn toàn bình thường và thường qua đi sau khi sinh. Cùng với khó thở, thai phụ có thể bị đau tức ngực, tim đập nhanh, mệt mỏi.

1.7 Nhiễm trùng đường hô hấp

Nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường, cúm nhẹ hoặc nhiễm trùng xoang là nguyên nhân phổ biến gây khó thở. Các bệnh cảnh cấp tính này thường chỉ kéo dài từ 3 đến 14 ngày, vì vậy khó thở sẽ tự qua đi khi kiểm soát ổn nhiễm trùng.

Có hai loại nhiễm trùng đường hô hấp: nhiễm trùng trên và nhiễm trùng dưới. Nhiễm trùng đường hô hấp trên bắt đầu từ xoang và kết thúc ở dây thanh âm, trong khi nhiễm trùng dưới bắt đầu ở dây thanh và kết thúc ở phổi.

Mặc dù các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào vị trí bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hay dưới, người bệnh có thể bị khó thở ở các mức độ, tư thế kèm theo đau họng, chảy nước mũi, nhức đầu, hắt hơi và đau nhức toàn thân.

2. Khi nào cần lo lắng về tình trạng khó thở?

Các dấu hiệu của những trường hợp khó thở khẩn cấp y tế bao gồm:

  • Khó thở nghiêm trọng khiến người bệnh không thể nói chuyện hay nói ngắt quãng
  • Dị ứng
  • Đau ngực, đau cánh tay, đổ mồ hôi nhiều
  • Mạch yếu
  • Chóng mặt
  • Sốt
  • Nhịp thở hoặc nhịp tim nhanh

Do đó, nếu bản thân hay phát hiện thấy người thân gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Nếu không được điều chỉnh, thở mạnh khi ngủ có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ; lúc này, rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề trên sức khỏe khác.

Thở mạnh khi ngủ có thể khiến người bệnh xuất hiện triệu chứng đau ngực
Thở mạnh khi ngủ có thể khiến người bệnh xuất hiện triệu chứng đau ngực

3. Nên ngủ như thế nào để không bị khó thở?

Mỗi người có một tư thế ngủ trong vô thức, giúp giữ cho cột sống và các cơ bắp được thư giãn hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu gặp phải tình trạng thở mạnh khi ngủ thường xuyên, cần sớm cân nhắc việc duy trì tư thế ngủ nghiêng - với một chiếc gối nêm hoặc khung giường có thể điều chỉnh được - để cải thiện tuần hoàn và tránh khó thở. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể kê thêm một chiếc gối dưới đầu gối để giúp cơ thể thư giãn và hỗ trợ thêm cho lưng và cột sống.

Một tư thế khác để thử là nằm nghiêng kéo dài hơn là dùng một chiếc gối đặt giữa hai đầu gối. Bằng cách này, lưỡi và vòm hầu họng sẽ không nằm ở phía sau cổ họng và chặn đường thở, giúp đường thở luôn thông thoáng cả đêm.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể thử đeo băng thông mũi và sử dụng bình xịt nước muối hoặc hệ thống tưới mũi để làm sạch xoang trước khi đi ngủ. Đối với những người bị ngưng thở khi ngủ, cân nhắc sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) có thể làm giảm các triệu chứng thở mạnh khi ngủ.

Tóm lại, chứng thở mạnh khi ngủ rất khó chịu, có thể phá hỏng giấc ngủ và không an toàn trong một số trường hợp nhất định. Ngay cả khi tình trạng khó thở không nguy hiểm đến tính mạng, mỗi người cũng cần thăm khám bác sĩ sớm nếu tình trạng khó thở không rõ nguyên nhân khi nằm kéo dài. Các nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng khác nhau giữa các trường hợp, vì vậy điều quan trọng là phải được chẩn đoán nguyên nhân gây thở hổn hển là gì và được điều trị thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan