Thường xuyên bị chuột rút, có đáng lo?

Chuột rút là gì? Bị chuột rút nguyên nhân do đâu? Nếu thường xuyên bị chuột rút thì có đáng lo không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin hữu ích về chuột rút nói chung và tình trạng chuột rút bắp chân nói riêng.

1. Chuột rút là gì?

Chuột rút (hay còn gọi là vọp bẻ) là cơn co mạnh và thắt chặt các cơ, gây đau đột ngột và dữ dội ở một bắp thịt, khiến người bị chuột rút không tiếp tục cử động được. Chuột rút thường kéo dài trong khoảng vài giây đến vài phút.

Mặc dù mọi bắp thịt đều có thể bị chuột rút, tuy nhiên, thường gặp chuột rút ở bắp chân, hoặc đôi khi có thể xảy ra ở bắp đùi, hông, bàn chân, bàn tay và cơ bụng, trong đó, chuột rút bắp chân và bàn chân là phổ biến nhất. Chuột rút thường xảy ra vào ban đêm khi đang ngủ, hoặc sau khi vận động và sử dụng cơ bắp trong một khoảng thời gian dài và liên tục. Chuột rút xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhiều ở người trẻ tuổi và trên 60 tuổi.

2. Bị chuột rút nguyên nhân do đâu?

Một vài nguyên nhân chính gây nên tình trạng chuột rút gồm có:

  • Do chấn thương: Chấn thương làm co thắt các cơ sau là nguyên nhân gây ra chuột rút, do các cơ bị co thắt có xu hướng giảm thiểu chuyển động và ổn định diện tích thương tích. Đây được xem là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể.
  • Do vận động mạnh và nhiều: Sử dụng các cơ quá sức khiến các cơ bắp mệt mỏi, như khi tập luyện thể thao hoặc vận động thể lực quá sức với những động tác không tập luyện thường xuyên. Bị chuột rút nguyên nhân do vận động mạnh có thể xảy ra trong hoặc sau khi vận động, đôi khi là nhiều giờ sau khi vận động mới bị chuột rút. Chuột rút khi đang vận động thường gặp ở các bắp thịt lớn như chuột rút bắp chân và đùi. Bên cạnh đó, vận động nhiều làm lắng đọng acid lactic trong bắp thịt, dẫn đến rối loạn dẫn truyền tín hiệu giữa các dây thần kinh và cơ bắp, gây chuột rút.
  • Do mỏi cơ: Ngồi hoặc nằm trong một thời gian dài với một tư thế cố định, không thay đổi cũng gây ra chuột rút, đặc biệt là ở người lớn tuổi khi nghỉ ngơi, tuy nhiên cũng có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả trẻ em. Bị chuột rút nguyên nhân là do ban ngày lao động nặng nhọc, đứng lâu trên nền cứng, khiến các cơ bắp bị mệt mỏi, hoặc cơ bắp không hoạt động nhiều, căng thẳng sẽ gây ra hiện tượng chuột rút vào ban đêm.
  • Do thiếu hụt natri: Natri là một trong những thành phần hóa học phổ biến nhất của dịch cơ thể bên ngoài tế bào sẽ khiến cơ thể bị mất nước gây ra chuột rút. Chuột rút có thể xảy ra khi sự phân bố dịch trong cơ thể bất thường, ví dụ như xơ gan dẫn đến sự tích tụ dịch trong khoang bụng (xơ gan cổ trướng). Chuột rút cũng là một biến chứng thường gặp trong quá trình chạy thận.
  • Do kali thấp: Bị chuột rút nguyên nhân là do mức kali trong máu thấp vì có liên quan đến sự yếu cơ.
  • Do thiếu hụt canxi và magiê: Hàm lượng canxi và magie trong máu thấp làm tăng hoạt động của các mô thần kinh và các cơ cũng có thể gây chuột rút. Thiếu hụt canxi trong máu gây co thắt cơ bắp tay, cơ cổ tay. Thiếu hụt canxi và magie thường gặp ở người lớn tuổi và phụ nữ mang thai.
  • Do mất nước: Vận động quá lâu và quá mạnh trong thời tiết nóng bức sẽ làm cơ thể ra nhiều mồ hôi gây mất nước và mất muối, dẫn đến chuột rút.
  • Do sử dụng một số loại thuốc: Bị chuột rút nguyên nhân do một số thuốc chữa bệnh như statin, prednison, thuốc lợi tiểu, thuốc tránh thai, làm giảm nồng độ kali và magie.
  • Do một số bệnh: Các bệnh như tiểu đường, Parkinson, đường huyết thấp, thiếu máu, tuyến giáp, thận đang lọc máu, rối loạn tuần hoàn, giãn tĩnh mạch chi dưới đều khiến cơ thể dễ bị chuột rút.
  • Do mang thai: Lý do khiến phụ nữ mang thai bị chuột rút là gì? Đó chính là sự thiếu hụt các khoáng chất như canxi, photpho, magie khi mang thai ở những tháng cuối, bên cạnh đó, khi thai nhi càng lớn gây chèn ép các mạch máu ở chi dưới và các cơ chi dưới phải gánh sức nặng của cơ thể. Đây là lý do khiến phụ nữ mang thai thường bị chuột rút.
Chuột rút bắp chân
Lý do khiến phụ nữ mang thai thường bị chuột rút là gì?

3. Chuột rút khi nào thì đáng lo?

Nếu bị chuột rút nói chung và chuột rút bắp chân nói riêng đi kèm những triệu chứng dưới đây thì bạn nên đến gặp bác sĩ:

  • Cảm thấy khó chịu khi bị chuột rút.
  • Sưng đỏ, tấy hoặc màu da thay đổi khi bị chuột rút bắp chân hoặc bàn chân.
  • Cảm thấy yếu cơ.
  • Không thể cải thiện tình trạng chuột rút bằng các phương pháp tự chăm sóc.
  • Bị chuột rút thường xuyên.

4. Cách xử trí khi bị chuột rút

  • Chuột rút bất ngờ khi đang vận động làm đau bắp thịt, buộc cơ thể phải dừng lại ngay do không cử động được. Để khỏi đau nhanh có thể thực hiện các thao tác sau: ngưng vận động, thả lỏng các chi bị chuột rút để thư giãn bắp thịt đang bị co rút, nhẹ nhàng xoa bóp bắp cơ (có thể sử dụng dầu nóng để thoa lên).
  • Chuột rút ở cẳng chân: Nhẹ nhàng vươn duỗi cơ theo chiều ngược bằng cách kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao hướng về phía đầu gối.
  • Chuột rút bắp chân hoặc đùi: Nhờ một người kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay còn lại ấn đầu gối xuống, thực hiện đồng thời cả 2 tay.
Thường xuyên bị chuột rút, có đáng lo?
Nhờ một người kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay còn lại ấn đầu gối xuống, thực hiện đồng thời cả 2 tay nếu bị chuột rút ở bắp chân hoăc đùi

  • Chuột rút cơ xương sườn: Hít thở sâu để thư giãn cơ hoành, đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực.
  • Khi bị chuột rút có thể uống nước trà, nước đường nóng, cà phê pha ngọt, nước oresol, nước cam, nước chanh để làm giảm triệu chứng...
  • Sau khi qua cơn đau chuột rút nói chung và chuột rút bắp chân nói riêng, có thể tắm nước nóng để thư giãn các bắp thịt
  • Có thể dùng một số loại thuốc điều trị chuột rút như: vitamin E, thuốc làm thư giãn cơ....

Chuột rút thường không kéo dài và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bị chuột rút khi đang lái xe hoặc khi đang bơi, đang điều khiển máy móc,... thì có thể gây tai nạn.

5. Phòng ngừa chuột rút như thế nào?

Có thể phòng tránh chuột rút bằng cách:

  • Uống đủ nước mỗi ngày với các loại nước giàu chất khoáng như: nước oresol, nước chanh đường muối, nước dừa... trước, trong và sau khi luyện tập, lao động.
  • Khởi động kỹ trước khi vận động cơ thể hoặc trước mỗi buổi tập. Ngoài ra, cũng cần tập thư giãn cơ bắp sau mỗi lần tập luyện để tránh bị chuột rút bắp chân.
  • Vươn duỗi chân vào buổi tối trước khi đi ngủ để tránh bị chuột rút vào ban đêm và buổi sáng khi thức dậy.
  • Khi ngồi nên co bàn chân về phía đầu gối càng cao càng tốt để máu dễ lưu thông ở bắp chân.
  • Có chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ các chất như: đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia.
  • Nên đi giày vừa chân, không đi giày quá cao để tránh bị chuột rút bắp chân.
  • Ðiều trị tích cực các bệnh nêu trên cũng tránh gây ra chuột rút.

Nếu bị chuột rút nói chung và chuột rút bắp chân nói riêng một cách thường xuyên, hoặc chuột rút gây đau đớn không thể khắc phục được bằng các biện pháp tại nhà thì nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị nguyên nhân gây ra chuột rút.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý, trong đó có chuyên khoa Cơ xương khớp. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước. Do đó, để chắc chắn tình trạng chuột rút không phải xuất phát từ vấn đề bệnh lý, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra, nhằm có những đánh giá phù hợp từ bác sĩ giàu chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

69.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan