Vai trò MRI sọ não trong động kinh

Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Thục Vỹ - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Động kinh là rối loạn của hệ thần kinh thường gặp. Cần phân biệt giữa co giật (seizures) và động kinh (epilepsy). Khoảng 4% dân số có biểu hiện co giật ít nhất 1 lần trong quá trình sống. Ở những bệnh nhân co giật lần đầu tiên trong đời, hình ảnh MRI sọ não hầu hết cho kết quả bình thường bởi vì co giật có thể khởi phát do sốt, thuốc, mất nước hoặc mất ngủ. Thuật ngữ động kinh được sử dụng cho các trường hợp co giật tự khởi phát và tái phát.

1. Động kinh có thể được chia thành 2 nhóm

  • Động kinh cục bộ: bao gồm động kinh cục bộ đơn giản khi người bệnh không mất ý thức khi xảy ra cơn co giật và động kinh cục bộ phức tạp khi người bệnh mất ý thức khi xảy ra cơ co giật. Động kinh cục bộ phức tạp có thể chuyển sang động kinh toàn thể.
  • Động kinh toàn thể: Các cơn động kinh rõ ràng xảy ra ở tất cả các vùng của não được gọi là động kinh toàn thể, người bệnh mất ý thức và co giật gây co cứng cơ.

Khoảng 60% bệnh nhân động kinh có thể được kiểm soát với thuốc chống động kinh. Nhiều bệnh nhân động kinh việc sử dụng các thuốc chống động kinh không thể kiểm soát được triệu chứng co giật. Sử dụng MRI trong động kinh với các chuỗi xung chuyên biệt cho động kinh có thể phát hiện các nguyên nhân gây động kinh trong 80% những bệnh nhân này.

Việc cắt bỏ các vùng não gây động kinh phát hiện được trên MRI là phương pháp điều trị duy nhất có hiệu quả cho những bệnh nhân này.

Động kinh cục bộ MRI
Động kinh cục bộ trên hình ảnh MRI

2. Vai trò của MRI trong động kinh

  • MRI giúp phát hiện và giải thích các tổn thương gây động kinh.
  • Góp phần điều trị và tiên lượng.
  • Lựa chọn bệnh nhân cho phẫu thuật.

3. Khi nào cần chỉ định MRI trong động kinh

MRI sọ não được chỉ định trong động kinh cục bộ hoặc cục bộ toàn thể hóa thứ phát có chẩn đoán dựa trên lâm sàng và điện não đồ, động kinh không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc động kinh có khiếm khuyết thần kinh tiến triển.

4. Các nguyên nhân thường gặp của động kinh không kiểm soát được bằng thuốc

  • Xơ cứng hồi hải mã (mesial temporal sclerosis) là nguyên nhân thường gặp nhất.
  • Dị dạng phát triển vỏ não: loạn sản vỏ não khu trú, tật đa hồi não nhỏ, lạc chỗ chất xám, ...
  • U não
  • Bất thường mạch máu: dị dạng động tĩnh mạch (arterial venous malformation)
  • Tăng sinh thần kinh đệm (gliosis) do di chứng của chấn thương, nhồi máu,...
  • Hội chứng thần kinh da (phakomatosis) và bất thường hỗn hợp khác.
khối u não
U não là một trong các nguyên nhân thường gặp của động kinh không kiểm soát được bằng thuốc

5. Các chuỗi xung chuyên biệt cho động kinh trong MRI sọ não

Ngoài các chuỗi xung cơ bản trong MRI sọ não đối với các bệnh nhân động kinh cần chụp các xung chuyên biệt như 3D T1W Gradient echo IR với độ dày lát cắt mỏng 1mm độ phân giải chất trắng - chất xám cao (chuỗi xung BRAVO đối với máy GE), 3D FLAIR, FLAIR oblique đánh giá hồi hải mã, các kỹ thuật khác như MRI phổ (MR-spectroscopy).

Bệnh viện Vinmec Nha Trang với máy cộng hưởng từ 3.0 Tesla công nghệ Silent của GE Healthcare, thế hệ máy tối ưu hiện nay trong phát hiện các dị tật bẩm sinh của não cũng như các nguyên nhân gây động kinh từ đó có thể tiên lượng và hỗ trợ trong việc lựa chọn các phương pháp điều trị cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan