Vì sao bệnh basedow dễ gây biến chứng lồi mắt?

Bệnh basedow biến chứng mắt là một vấn đề thường gặp ở những người có tuyến giáp hoạt động quá mức. Đây là một bệnh lý tự miễn gây ra bởi các kháng thể chống lại các thụ thể có trong các tế bào tuyến giáp và cả trên bề mặt của các tế bào phía sau mắt, gây ra lồi mắt.

1. Vì sao bệnh basedow dễ gây biến chứng lồi mắt?

Lồi mắt là biểu hiện ngoài tuyến giáp phổ biến nhất của bệnh basedow. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng có thể có liên kết với các dạng rối loạn chức năng tuyến giáp khác hay cũng có thể xảy ra trong trường hợp không có bất kỳ rối loạn chức năng tuyến giáp về phương diện sinh hóa nào cả.

Tổn thương mắt do bệnh basedow là một bệnh lý tự miễn vô căn đặc trưng cho cơ quan. Mặc dù cơ chế bệnh sinh gây ra bệnh basedow lồi mắt vẫn chưa chắc chắn, một số giả thiết được cho là liên quan đến phản ứng tự miễn với các thụ thể hormone kích thích tuyến giáp (TSH), được điều chế bởi các tế bào lympho tế bào T. Tình trạng này thường xảy ra trong giai đoạn phản ứng viêm do tự miễn kéo dài 6-24 tháng. Trong đó, các mô liên kết xung quanh nhãn cầu tăng thể tích do tăng tính thấm với các chất hóa học trung gian trong phản ứng viêm. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho nhãn cầu bị đẩy lồi ra ngoài, sợi dây thần kinh thị giác bị đè nén và tổn thương các cơ vận động nhãn cầu.

Giai đoạn phản ứng viêm tích cực sẽ được theo sau là giai đoạn xơ hóa hay “không hoạt động”. Lúc này, phản ứng viêm đã chuyển sang âm ỉ mạn tính, các cấu trúc hậu nhãn cầu biến dạng phù nền chuyển sang xơ hóa và tổn thương trở thành mãn tính. Tình trạng mất thị lực có thể xảy ra, thường là khi đã bắt đầu điều trị ở thời điểm chậm trễ.

lồi mắt
Tình trạng mắt bị lồi do bệnh lý tuyến giáp basedow

2. Các yếu tố nguy cơ của bệnh basedow biến chứng mắt

  • Hút thuốc lá. Thói quen hút thuốc lá, nhất là khi còn đang tiếp diễn, sẽ làm tăng nguy cơ phát triển đế lồi mắt. Nguy cơ này tăng theo tỷ lệ thuận với số lượng thuốc lá được hút và sẽ giảm khi bỏ thuốc. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhãn khoa sau khi dùng i-ốt phóng xạ.
  • Giới tính nữ. Có thể là do tỷ lệ mắc bệnh lý tuyến giáp cao hơn ở phụ nữ.
  • Người ở tuổi trung niên.
  • Có một số gen liên quan bao gồm HLA-DR3, HLA-B8 và các gen CTLA4, thụ thể TSH.
  • Rối loạn chức năng tuyến giáp không kiểm soát. Khi lượng hormone tuyến giáp không kiểm soát tốt sẽ làm cho tình trạng lồi mắt trở nên nghiêm trọng hơn. Theo đó, việc kiểm soát chặt chẽ chức năng tuyến giáp dường như làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh basedow lồi mắt.
  • Điều trị bằng i-ốt phóng xạ. Phương pháp này có liên quan đến biến chứng nhãn khoa trong giai đoạn tiến triển của bệnh basedow. Vì vậy, i-ốt phóng xạ chỉ có thể được sử dụng trong giai đoạn không có hoạt động bệnh basedow lồi mắt.

3. Triệu chứng của bệnh basedow biến chứng mắt là gì?

Các triệu chứng lồi mắt thường bắt đầu trong vòng 6 tháng sau khi có chẩn đoán bệnh basedow. Rất hiếm khi các vấn đề về mắt có thể phát triển một thời gian lâu dài sau khi bệnh tuyến giáp đã được điều trị. Tuy nhiên, các triệu chứng về mắt hoàn toàn không có mối liên quan đến mức độ nghiêm trọng của cường giáp.

Các triệu chứng của bệnh basedow biến chứng mắt bao gồm:

  • Cảm giác kích thích hoặc khó chịu ở mắt
  • Đỏ hoặc viêm kết mạc
Đau nửa đầu kèm đau nhức một bên mắt là triệu chứng bệnh gì?
Người bệnh sẽ cảm thấy một số triệu chứng bất thường tại mắt

  • Chảy nước mắt hoặc cảm giác khô mắt quá mức
  • Sưng mí mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Nhạy cảm khi di chuyển nhãn cầu
  • Mắt lồi ra
  • Nhìn đôi

Khi bệnh basedow biến chứng mắt diễn tiến nặng hơn, người bệnh có thể bị suy giảm chuyển động mắt và mí mắt, nhắm mắt không hoàn toàn với loét giác mạc, chèn ép dây thần kinh thị giác và mất thị lực.

4. Cách chẩn đoán bệnh basedow biến chứng mắt

Nếu một người đã được chẩn đoán mắc bệnh cường giáp, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh basedow biến chứng mắt bằng cách kiểm tra mắt và phát hiện dấu hiệu sưng, mở rộng các cấu trúc hậu nhãn cầu.

Bên cạnh đó, các phương tiện như chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ của cơ mắt có thể hữu ích.

5. Cách điều trị bệnh basedow biến chứng mắt


Nếu một người đã có biến chứng bệnh basedow lồi mắt, các phương pháp điều trị sau đây có thể giúp làm dịu đôi mắt và cải thiện thị lực:

  • Đeo kính râm. Khi đã mắc bệnh basedow lồi mắt, nhãn cầu sẽ dễ bị tổn thương hơn bởi các tia cực tím và nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời. Theo đó, việc đeo kính râm sẽ giúp bảo vệ mắt khỏi cả nắng và gió.
Đeo kính râm
Đeo kính râm bảo vệ mắt khỏi tia cực tìm của ánh sáng mặt trời

  • Sử dụng thuốc nhỏ mắt bôi trơn. Thuốc nhỏ mắt, giống như nước mắt nhân tạo, có thể giúp mắt giảm khô và trầy xước. Nên sử dụng trước khi đi ngủ để ngăn giác mạc bị khô vì mí mắt có thể không bao phủ toàn bộ mắt khi ngủ.
  • Nâng đầu giường khi nằm. Giữ đầu cao hơn phần còn lại của cơ thể có thể làm giảm sưng và có thể giúp giảm áp lực lên mắt.
  • Đeo lăng kính. Nếu mắt nhìn đôi, người bệnh cần đeo kính có chứa lăng kính giúp hình ảnh giao thoa lại với nhau.
  • Steroid. Tình trạng sưng viêm vùng hậu nhãn cầu thể được cải thiện bằng cách điều trị bằng steroid (như hydrocortison hoặc prednison).
  • Phẫu thuật mí mắt. Bởi vì trong bệnh basedow lồi mắt, mí mắt thường mở rộng hơn, một số bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi đóng mí mắt, khiến nhãn cầu tiếp xúc môi trường bên ngoài nhiều hơn, gây chảy nước mắt và kích ứng quá mức. Phẫu thuật tái định vị mí mắt có thể giúp giảm kích ứng.

Phẫu thuật cơ mắt. Đôi khi mô sẹo từ bệnh basedow biến chứng mắt có thể khiến một hoặc nhiều cơ mắt trở nên quá ngắn, bác sĩ sẽ cần kéo các cơ mắt dài thêm để hạn chế nhìn đôi.

  • Phẫu thuật giải nén thần kinh thị. Khi thị lực bị đe dọa, bác sĩ cần phẫu thuật gọi là giải nén thần kinh thị. Trong đó, khoảng xương giữa hốc mắt và ổ xoang sẽ được loại bỏ để cho phép nhiều không gian hơn cho các mô bị sưng vùng hậu nhãn cầu. Khi phẫu thuật thành công, mắt sẽ cải thiện thị lực và cung cấp chỗ cho nhãn cầu trở lại vị trí như bình thường.

Tất cả các can thiệp phẫu thuật trên vùng mắt nên được thực hiện tại một trung tâm y tế có chuyên môn, các bác sĩ giàu kinh nghiệm. Đồng thời, sự phối hợp nhóm giữa các chuyên gia sẽ đảm bảo khả năng thành công cao nhất và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với bệnh basedow biến chứng mắt là phải luôn đạt được mục tiêu kiểm soát tốt nồng độ hormone tuyến giáp duy trì trong phạm vi bình thường và đánh giá thường xuyên.

Suy tuyến cận giáp
Người bệnh basedow cần đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất

6. Làm sao để phòng ngừa bệnh basedow lồi mắt?

Bệnh basedow lồi mắt thường là một biến chứng liên quan không thể phòng ngừa được.

Tuy nhiên, vì liệu pháp i-ốt phóng xạ được sử dụng để điều trị cường giáp có nhiều khả năng làm nặng thêm tình trạng lồi mắt, cách điều trị này cần tránh, nhất là ở những bệnh nhân đã lồi mắt vừa hoặc nặng. Trong trường hợp vẫn cần điều trị với i-ốt phóng xạ, bác sĩ cần chỉ định phòng ngừa với corticosteroid (prednison) tại thời điểm điều trị, giảm dần trong vài tuần có thể giúp ngăn ngừa bệnh basedow biến chứng mắt.

Những người hút thuốc lá thường dễ bị lồi mắt do bệnh basedow hơn so với những người không hút thuốc. Vì vậy, cố gắng bỏ hút thuốc hay tránh tiếp xúc với khói thuốc cũng được xem là một biện pháp đề phòng bệnh basedow biến chứng mắt.

Tóm lại, bệnh basedow lồi mắt là biến chứng thường gặp nếu bệnh lý này không được phát hiện sớm và kiểm soát đầy đủ. Tuy nhiên, mọi sự can thiệp xâm lấn vào khu vực này cần thận trọng cân nhắc để hạn chế các tổn thương mắt nhưng tránh gây ra biến chứng nặng nề hơn.

Để được tư vấn chi tiết, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán Basedow

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

49.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan