Viêm amidan gây áp xe quanh amidan

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Áp xe amidan là tình trạng viêm hóa mủ xảy ra ở tổ chức liên kết lỏng lẻo nằm quanh amidan, giữa amidan và thành bên họng. Áp xe quanh amidan thường xuất hiện ở trẻ lớn và người lớn. Có nhiều nguyên nhân gây viêm amidan, trong đó phổ biến nhất là từ viêm amidan dẫn tới.

1. Nguyên nhân gây áp xe amidan

Amidan là một tổ chức bạch huyết nằm ở vị trí cửa ngõ đường hô hấp và đường tiêu hóa, đảm nhiệm vai trò bảo vệ đường hô hấp, nhất là đường hô hấp trên. Tổ chức bạch huyết của amidan có chứa các tế bào lympho ở giai đoạn trưởng thành, như thực bào, tế bào lympho Ttế bào lympho B tham gia sản sinh ra các globulin miễn dịch.

Chính vì vậy amidan có chức năng bảo vệ đường hô hấp. Do đó, khi amidan bị viêm cần phải điều trị tích cực để đưa nó trở về trạng thái bình thường và thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể.

Nguyên nhân gây áp xe quanh amidan hay gặp nhất đó là do viêm amidan cấp mủ không được điều trị, độc tố vi khuẩn cao hoặc vi khuẩn đã kháng lại thuốc kháng sinh mà bạn đang sử dụng.

viem-amidan-gay-ap-xe-quanh-amidan-1
Viêm amidan gây ra bởi độc tố vi khuẩn cao

Vi khuẩn gây áp xe quanh amidan sẽ được xác định khi lấy mủ của khối áp xe đi nuôi cấy. Vi khuẩn gây bệnh trong áp xe amidan thường là tụ cầu, liên cầu, xoắn khuẩn, vi khuẩn kị khí và ái khí, trong đó có cả liên cầu bêta tan huyết nhóm A. Viêm amidan thường hay xuất hiện trong giai đoạn chuyển mùa, kéo theo sự gia tăng tình trạng bị áp xe quanh amidan khi thời tiết thay đổi.

Viêm amidan là căn bệnh đứng hàng đầu trong các bệnh lý về họng, tỷ lệ viêm amidan chiếm khoảng 10% dân số. Bệnh này có thể biểu hiện cấp tính hoặc mạn tính, tuy nhiên đây là căn bệnh rất hay tái phát và có thể gây các biến chứng nguy hiểm, nhất là trong các đợt cấp tính, mà áp xe quanh amidan là một trong số các biến chứng đó.

Có nhiều loại vi khuẩn có thể gây viêm amidan mủ như H. influenzae, tụ cầu, phế cầu, xoắn khuẩn Vanh-xăng (Vincent), đặc biệt là loại liên cầu khuẩn nhóm A (St. pyogenes). Đây là một loại vi khuẩn nguy hiểm, vì từ viêm họng, viêm amidan chúng còn gây nên bệnh tự miễn làm tổn thương nghiêm trọng tại cầu thận, bao khớp và van tim (bệnh thấp tim tiến triển) rất nguy hiểm.

Viêm amidan thường gặp do vệ sinh họng, miệng, răng kém hoặc lười không vệ sinh, đặc biệt là ở một số vùng nông thôn, miền núi. Trong khi đó luôn có một số vi khuẩn thường trực ở đường hô hấp trên như tụ cầu, liên cầu, phế cầu, H. influenzae....

Ngoài ra, môi trường ô nhiễm, khói bụi, hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc thường xuyên, đặc biệt là người có sức đề kháng kém như trẻ nhỏ bị còi xương, suy dinh dưỡng, người cao tuổi sức khỏe yếu. Đặc biệt là khi thời tiết thay đổi đột ngột, như mưa, lạnh, áp thấp nhiệt đới hoặc khi gió mùa đông bắc tràn về thì amidan cấp dễ xuất hiện và người bị viêm amidan mạn tính dễ tái phát, từ đó có thể gây áp xe quanh amidan nếu không được điều trị dứt điểm ngay từ đầu.

Áp xe quanh amidan cũng có thể là biến chứng của tình trạng răng khôn hàm dưới mọc lệch bị nhiễm khuẩn, sau đó lan sang amidan gây viêm, rồi dẫn đến áp xe quanh amidan.

2. Áp xe quanh amidan có biểu hiện như thế nào?

Áp xe amidan thường xuất hiện sau viêm amidan cấp khoảng 5 - 7 ngày. Nếu bạn thấy đau họng liên tục trong khi vẫn đang điều trị bằng thuốc kháng sinh, mức độ đau họng giảm trong một hai ngày đầu điều trị, sau đó lại tăng lên ngày một nặng, bạn có thể nghĩ đến áp xe quanh amidan.

Đau họng trong áp xe quanh amidan có đặc điểm đó là đau lan lên tai khi nuốt, đau nhức vùng góc hàm. Kèm theo tình trạng sốt cao từ 39 - 40oC, cảm giác gai rét, rất mệt mỏi, môi khô, lưỡi dày có nhiều giả mạc trắng đục trên bề mặt lưỡi. Sau đó, bạn bắt đầu cảm thấy nuốt khó, nuốt đau, nước bọt chảy nhiều, hơi thở hôi, giọng nói bị thay đổi, khó nghe do eo họng bị thu hẹp.

viem-amidan-gay-ap-xe-quanh-amidan-2
Viêm amidan khiến người bệnh cảm thấy đau họng

Trong giai đoạn muộn, khi khối áp xe lan ra tới vùng cơ cắn sẽ gây ra hiện tượng khít hàm. Bạn có thể bị khó thở khi khối áp xe lấp kín khoang họng miệng rồi lan dần xuống họng thanh quản.

Khi thăm khám bác sĩ sẽ thấy amidan sưng to, đỏ, trên bề mặt amidan có mủ trắng nhưng dễ lấy bỏ. Phần trước của amidan sưng nề căng phồng, amidan bị đẩy lệch vào trong và ra sau hoặc bị đẩy ra trước tùy theo thể áp xe amidan. Lưỡi gà phù nề, di động kém.

Áp xe amidan thường chỉ bị một bên. Hạch cùng bên với bên amidan bị bệnh cũng sưng to, ấn đau do phản ứng viêm lan tới hạch. Khi làm xét nghiệm máu sẽ thấy bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao trong bệnh áp xe quanh amidan.

3. Xử trí áp xe quanh amidan như thế nào?

Có một giai đoạn trung gian giữa viêm amidan cấp và áp xe quanh amidan, đó là viêm tấy quanh amidan. Việc phát hiện bệnh trong giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng, tránh cho bạn việc phải can thiệp thủ thuật, thời gian điều trị được rút ngắn.

Trong giai đoạn viêm tấy quanh amidan chỉ cần sử dụng thuốc kháng sinh kết hợp với thuốc chống viêm liều cao đường uống hoặc đường tiêm đồng thời hạ sốt khi sốt cao, giảm đau tốt trong khoảng một tuần là khỏi.

Khi đã hình thành áp xe quanh amidan, việc điều trị sẽ phức tạp hơn. Bác sĩ sẽ phải dùng kim chọc dò vào chỗ phồng nhất ở mặt trước của amidan để xem có mủ hay không. Đây là thủ thuật để chẩn đoán và điều trị. Mủ lấy ra sẽ được đem đi nuôi cấy tìm vi khuẩn và làm kháng sinh đồ để tìm loại kháng sinh thích hợp nhất, giúp điều trị có hiệu quả.

Nếu đã trở thành áp xe quanh amidan thì việc trích rạch khối áp xe và dẫn lưu mủ là bắt buộc, vết rạch cần giữ luôn mở khoảng 3 ngày. Cùng với đó cần điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh đường tiêm hoặc đường uống kết hợp theo kháng sinh đồ để chống cả vi khuẩn hiếu khí và kị khí.

Kết hợp dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao, thuốc giảm đau và thuốc chống viêm. Thời gian điều trị áp xe quanh amidan thường kéo dài ít nhất 10 ngày. Bệnh nhân thường có chỉ định cắt amidan sau khi hết các dấu hiệu viêm nhiễm tại chỗ và toàn thân khoảng 1 tháng.

Áp xe amidan nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng như viêm tấy lan tỏa khoang sau tạng, áp xe lan vào trung thất, phổi, nhiễm khuẩn huyết... thậm chí có thể gây tử vong, do đó rất nguy hiểm.

viem-amidan-gay-ap-xe-quanh-amidan-3
Mủ từ viêm amidan đươc dùng để làm kháng sinh đồ

4. Phòng ngừa viêm amidan bằng cách nào?

Khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm amidan cấp hay mạn tính, bạn cần thực hiện điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Bạn không nên tự ý mua thuốc về điều trị hoặc sử dụng không đúng thuốc, cách dùng cũng như thời gian uống mà bác sĩ đã kê đơn.

Giữ họng thường xuyên sạch bằng cách súc miệng hàng ngày từ dung dịch có tính kiềm nhẹ, ăn uống hợp vệ sinh, chú ý giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.

Cần đeo khẩu trang khi ra đường để tránh bụi vì trong bụi có vô số vi sinh vật gây bệnh, chưa kể còn có các chất độc hại cho đường hô hấp, nhất là ở những vùng có không khí ô nhiễm. Không nên hút thuốc lá, thuốc lào trực tiếp hoặc gián tiếp.

Tóm lại, áp xe amidan là tình trạng viêm hóa mủ xảy ra ở tổ chức liên kết lỏng lẻo nằm quanh amidan, giữa amidan và thành bên họng. Áp xe quanh amidan có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, khi có dấu hiệu viêm amidan, người bệnh nên đến cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan