Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Sự hình thành và nguy cơ gây bệnh tim mạch

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Huyết áp có hai chỉ số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Khi một trong hai chỉ số này vượt ngưỡng bình thường là dấu hiệu cảnh báo bệnh cao huyết áp. Có những trường hợp chỉ cao một chỉ số, đặc biệt là huyết áp tâm thu, nên còn được gọi là tăng huyết áp tâm thu đơn độc.

1. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là gì?

Huyết áp tâm thu là trị số huyết áp cao nhất đo được, đại diện cho áp lực tại động mạch khi tim co bóp và bơm máu vào tuần hoàn. Huyết áp tâm thu còn được gọi là huyết áp tối đa.

Theo Hội Tim mạch Hoa Kỳ, tăng huyết áp tâm thu đơn độc được định nghĩa là khi trị số huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) < 90 mmHg. Đây là dạng tăng huyết áp phổ biến nhất ở người cao tuổi. Hiện tượng này chủ yếu đến từ các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, các yếu tố di truyền và những biến đổi sinh lý bệnh theo quá trình lão hóa.

2. Cơ chế hình thành bệnh lý tăng huyết áp tâm thu

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc có thể xuất phát từ tình trạng tăng huyết áp tâm trương kiểm soát kém ở những bệnh nhân tăng huyết áp vô căn lâu dài. Bên cạnh đó, tăng huyết áp tâm thu thứ phát cũng có thể xuất hiện sau xơ cứng thành động mạch ở người trước đó có huyết áp bình thường.

Một số nguyên nhân thứ phát khác gây tăng huyết áp tâm thu đơn độc gồm: tiểu đường typ 1, loãng xương, vôi hóa thành mạch, xơ vữa mạch máu do bệnh thận mạn tính, bệnh mạch máu ngoại biên, nhiễm độc giáp, sự hình thành elastin biến đổi từ quá trình chậm tăng trưởng bào thai trong tử cung, hẹp eo động mạch chủ, lão hóa đoạn gần động mạch chủ,...

Tiểu đường
Tiểu đường tuýp I cũng có thể gây tăng huyết áp đơn độc

Không chỉ vậy, cùng với sự gia tăng của tuổi tác và tiến triển của xơ vữa động mạch, tình trạng lắng đọng canxi và collagen thành động mạch làm giảm khả năng đàn hồi, giảm đường kính lòng mạch, dẫn đến tăng huyết áp tâm thu đơn độc.

Ngoài ra, các bệnh mạn tính xảy ra đồng thời với tăng huyết áp ở người cao tuổi như bệnh thận mạn tính, tăng lipid máu, đái tháo đường hoặc thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia,... cũng làm tăng độ cứng thành mạch, gây xơ vữa động mạch và dễ dẫn đến tăng huyết áp tâm thu đơn độc.

3. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc ảnh hưởng thế nào tới tim mạch?

Đau thắt ngực không ổn định: Những điều cần biết
Tăng huyết áp liên quan trực tiếp với nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp tâm thu liên quan trực tiếp với nguy cơ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch. Cụ thể, tình trạng tăng huyết áp tâm thu đơn độc làm tăng 34% nguy cơ mắc bệnh mạch vành, tăng 33% nguy cơ mắc bệnh mạch máu não và tăng 26% nguy cơ mắc suy tim.

Nếu được điều trị giảm huyết áp tâm thu thích hợp có thể cải thiện được sức khỏe của bệnh nhân. Theo nghiên cứu, giảm 10 mmHg huyết áp tâm thu có thể giảm 20% biến cố tim mạch, giảm 17% nguy cơ mắc bệnh mạch vành, 17% đối với tình trạng đột quỵ, 18% đối với suy tim và giảm 13% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.

Các chiến lược điều trị thích hợp đối với bệnh nhân tăng huyết áp tâm thu đơn độc là: chẹn kênh canxi và dùng thuốc lợi tiểu nhóm thiazide (gồm chlorthalidone, indapamide) để làm giảm nguy cơ đột quỵ.

Lời khuyên dành cho bệnh nhân tăng huyết áp tâm thu đơn độc là có một chế độ ăn uống khoa học, luyện tập thể dục đều đặn, không ăn mặn, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá,.. Khi có biểu hiện tăng huyết áp, bệnh nhân nên kiểm tra huyết áp và đường huyết thường xuyên để có biện pháp điều trị kịp thời, đặc biệt là ở những người cao tuổi..

Gói khám Tăng huyết áp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sẽ giải quyết những nỗi lo lắng về tình trạng cao huyết áp cho người bệnh. Tại đây, đội ngũ bác sĩ hàng đầu của Vinmec sẽ tiến hành thăm khám bằng những phương pháp tiên tiến nhất để xác định nguyên nhân, biến chứng và cấp độ tăng huyết áp, từ đó giúp người bệnh nắm rõ chi tiết tình trạng bệnh của mình.

Khách hàng quan tâm tới Gói khám Tăng huyết áp tại Vinmec vui lòng tìm hiểu thông tin chi tiết TẠI ĐÂY.

Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng đã có 30 năm kinh nghiệm về khám và điều trị các bệnh lý nội khoa, đặc biệt về chuyên khoa Nội tim mạch: động mạch vành, suy tim, van tim, rối loạn nhịp tim...Thạc sĩ, Bác sĩ Hùng từng giữ chức Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch và Trưởng Đơn vị Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và hiện đang làm việc tại Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Nội Tim mạch, Tim mạch Can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan