Thở oxy qua mặt nạ trong hồi sức cấp cứu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Thở oxy qua mặt nạ là phương pháp tăng thêm nồng độ oxy khí thở vào (FiO2) bằng mặt nạ, cung cấp đủ oxy cho nhu cầu chuyển hóa của cơ thể. Liệu pháp oxy này đóng vai trò rất quan trọng trong hồi sức cấp cứu.

1. Tổng quan về liệu pháp oxy

Hô hấp là hoạt động trao đổi khí giữa cơ thể với môi trường bên ngoài (hấp thu oxy từ môi trường và đào thải khí cacbonic ra khỏi cơ thể). Quá trình hô hấp gồm 4 giai đoạn gồm: Thông khí, khuếch tán, vận chuyển và hô hấp tổ chức. Các giai đoạn này liên quan mật thiết và ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu một trong các giai đoạn trên bị rối loạn thì sẽ gây rối loạn hô hấp, đưa đến thiếu oxy cho toàn bộ cơ thể.

1.1. Tìm hiểu về tình trạng thiếu oxy

Những nguyên nhân gây thiếu oxy gồm:

● Có chướng ngại ở đường hô hấp: Gây chít hẹp đường ra vào của không khí, làm hàm lượng oxy trong cơ thể bị giảm, tăng hàm lượng cacbonic. Các chướng ngại gồm: Phù họng, u đường hô hấp, sặc nước, nghẹn, bệnh bạch hầu, viêm phế quản, viêm phổi, hen, tăng tiết dịch nhầy đường hô hấp, phù nề các cơ trơn phế quản,...;

● Giảm thể tích lồng ngực: Do liệt các cơ hô hấp (tổn thương cột sống, tổn thương dây thần kinh tủy), chấn thương lồng ngực (gãy xương sườn, vẹo cột sống), các bệnh gây tràn dịch, tràn khí màng phổi;

● Các bệnh gây cản trở khuếch tán không khí trong phổi: Phù phổi cấp, khí phế thũng, viêm phổi, viêm phế quản phổi,...;

● Các bệnh gây rối loạn quá trình vận chuyển oxy do máu và tuần hoàn: Thiếu máu, suy tim, bệnh tim bẩm sinh (còn ống động mạch, thông liên thất, thông liên nhĩ,...).

Về triệu chứng, khi bị thiếu oxy, bệnh nhân đều biểu hiện tình trạng suy hô hấp với các dấu hiệu nhận biết sau:

● Khó thở;

● Lo âu, hốt hoảng, bồn chồn;

● Vật vã, kích thích;

● Ý thức lơ mơ, lộn xộn;

● Giảm thị lực;

● Giảm trương lực cơ và sự phối hợp của các nhóm cơ;

● Ở giai đoạn đầu suy hô hấp, huyết áp, mạch, tần số hô hấp và tần số tim tăng lên;

● Ở giai đoạn sau suy hô hấp, bệnh nhân bị tím tái, thở dốc, co kéo các cơn hô hấp, mạch và huyết áp giảm;

● Khi xét nghiệm phân tích khí máu động mạch thấy độ bão hòa oxy (SpO2) và áp lực oxy (PaO2) giảm.

1.2. Liệu pháp oxy là gì?

Thiếu oxy có thể gây tổn thương các mô của cơ thể, đặc biệt là những mô có vai trò quan trọng đối với sự sống như tế bào não. Vì vậy, khi cơ thể bị thiếu oxy, bệnh nhân được chỉ định thực hiện liệu pháp oxy. Liệu pháp oxy là biện pháp cung cấp khí thở cho bệnh nhân với nồng độ oxy cao hơn nồng độ oxy trong khí trời là trên 21%. Thở oxy chính là biện pháp quan trọng trong điều trị suy hô hấp.

Có nhiều phương pháp điều trị thở oxy khác nhau: Thở oxy qua ống thông mũi hầu, thở oxy qua mặt nạ, thở oxy bằng cách sử dụng lồng oxy, lều oxy. Trong đó, thở oxy qua mặt nạ đang được ứng dụng rộng rãi hiện nay. Đây là kỹ thuật tăng thêm nồng độ khí thở vào bằng mặt nạ, cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho nhu cầu chuyển hóa của cơ thể.

Cụ thể, mặt nạ là một dụng cụ phủ kín miệng, mũi bệnh nhân, sử dụng cho bệnh nhân thở oxy trong trường hợp cấp cứu hoặc khi người bệnh có tổn thương ở mũi, hầu nên không thực hiện được kỹ thuật thở oxy qua ống thông mũi hầu. Thở oxy có thể cung cấp cho bệnh nhân khí thở có nồng độ oxy cao hơn so với phương pháp đặt ống thông mũi hầu.

tho-oxy-qua-mat-na-trong-hoi-suc-cap-cuu-1
Thở oxy qua mặt nạ đang được ứng dụng rộng rãi hiện nay

1.3. Quy định khi thực hành liệu pháp oxy

Khi sử dụng oxy trong lâm sàng, cần hết sức cẩn trọng và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật để giảm bớt các tai biến trong quá trình điều trị. Một số lưu ý cần nhớ là:

● Oxy là chất khí dễ gây cháy, nổ nên cần phòng chống cháy nổ bằng cách cấm hút thuốc lá, lửa ở khu vực có bình chứa khí oxy, bình chứa oxy phải được đặt ở nơi khô ráo, sạch sẽ, được cố định chắc chắn và hạn chế vận chuyển bình oxy. Nếu cần vận chuyển bình oxy nên dùng xe đẩy riêng, di chuyển nhẹ nhàng;

Liệu pháp oxy sử dụng khí khô, khi cho bệnh nhân thở cần làm ẩm trước để tránh gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp;

● Nồng độ oxy trong khí thở cần đảm bảo phù hợp về thời gian, phương pháp cho thở, lưu lượng khí và đậm độ (nồng độ oxy). Tránh tình trạng nồng độ oxy trong khí thở quá cao, sử dụng trong thời gian dài gây ra nhiều tai biến về mắt, phổi cho bệnh nhân;

● Đảm bảo vệ sinh, phòng nhiễm khuẩn, sử dụng dụng cụ vô khuẩn, vệ sinh miệng bệnh nhân đúng theo chỉ định.

2. Chỉ định/chống chỉ định thở oxy qua mặt nạ trong hồi sức cấp cứu

2.1. Chỉ định

● Người bệnh tự thở và có nhu cầu oxy khí thở vào cao (FiO2 trên 40%);

● Có chống chỉ định hoặc tai biến khi thở oxy qua ống thông mũi hầu;

● Bệnh nhân giảm oxy máu động mạch: Áp lực riêng của oxy trong máu động mạch (PaO2) thấp hơn bình thường;

● Bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của thiếu oxy;

● Các tình huống cấp cứu: Sặc, chảy máu, co giật, hạ nhiệt độ,...;

● Thở oxy thời gian ngắn: Sau gây mê, sau phẫu thuật.

2.2. Chống chỉ định

● Bệnh nhân bị tổn thương nặng ở vùng mặt, không cho phép tì đè;

● Ít hiệu quả đối với các trường hợp thiếu máu, suy tuần hoàn.

3. Thực hiện kỹ thuật thở oxy qua mặt nạ

3.1. Chuẩn bị

● Nhân sự thực hiện: Nhân viên y tế;

● Phương tiện cần thiết: Cột đo lưu lượng, dây dẫn oxy, máy đo SpO2, mặt nạ phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu oxy của bệnh nhân (mặt nạ đơn giản, mặt nạ có bóng dự trữ - không có van 1 chiều, mặt nạ có bóng dự trữ - van 1 chiều);

● Bệnh nhân: Được thông báo về thủ thuật sắp thực hiện, đặt nằm trên giường cấp cứu cạnh nguồn oxy, làm thông thoáng đường thở trên, được kiểm tra các dấu hiệu lâm sàng (nhịp thở, đo SpO2, mạch, dấu hiệu gắng sức, đánh giá tinh thần, tình trạng da niêm mạc,...);

● Hồ sơ bệnh án: Ghi đầy đủ thông tin cá nhân và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi thở oxy.

3.2. Tiến hành thủ thuật

● Rửa tay, đi găng tay;

● Lắp cột đo lưu lượng vào nguồn cấp oxy;

● Lắp bình làm ẩm vào cột lưu lượng;

● Lắp dây dẫn oxy vào đầu ra cột lưu lượng hoặc bình làm ẩm;

● Lắp mặt nạ vào dây dẫn;

● Điều chỉnh lưu lượng oxy thở qua mặt nạ phù hợp với từng trường hợp khác nhau theo đúng chỉ định;

● Kiểm tra oxy các mối nối, đảm bảo không bị hở;

● Đưa mặt nạ kín mũi và miệng bệnh nhân;

● Cố định mặt nạ ôm kín mũi, miệng bệnh nhân nhưng không gây khó chịu.

3.3. Theo dõi

● Trong 30 phút đầu thở oxy qua mặt nạ, cần theo dõi bệnh nhân liên tục bằng máy đo SpO2 và nhịp tim, đánh giá nhịp thở, mức độ gắng sức, màu da và tinh thần nhằm điều chỉnh lượng oxy phù hợp;

● Quan sát da mặt bệnh nhân ở vùng đặt mặt nạ xem có bị kích thích, dị ứng với chất liệu của mặt nạ hay không;

● Sau 1 - 2 giờ thở oxy, nên tháo mặt nạ ra, lau khô hơi nước trên mặt nạ và lau mặt cho bệnh nhân;

● Khi bệnh nhân thở oxy ổn định, theo dõi mỗi 3 giờ một lần về các vấn đề như mối nối dẫn oxy có bị rò không, tình trạng đáp ứng của người bệnh, chỉ số SpO2;

● Điều chỉnh lưu lượng oxy, đảm bảo chỉ số SpO2 trong giới hạn cho phép;

● Thay mặt nạ, dây dẫn và bình làm ẩm hằng ngày.

tho-oxy-qua-mat-na-trong-hoi-suc-cap-cuu-2
Chú ý theo dõi bệnh nhân trong quá trình thở oxy qua mặt nạ

4. Một số tai biến và cách xử trí khi thực hiện thở oxy qua mặt nạ

Khô niêm mạc đường thở: Cần xử trí bằng cách làm ẩm không khí đưa vào;

● Ngộ độc oxy: Nên xử trí bằng cách điều chỉnh lượng oxy cho phù hợp;

● Bội nhiễm vi khuẩn từ dụng cụ thở oxy: Để phòng tránh, nên dùng mặt nạ, dây dẫn dùng một lần, đồng thời thay các dụng cụ (mặt nạ, dây dẫn và bình làm ẩm) hằng ngày;

● Một số biến chứng khác: Giảm thông khí do oxy, xẹp phổi, bệnh lý võng mạc,... thực hiện xử trí đúng theo phác đồ chuẩn.

Kỹ thuật thở oxy qua mặt nạ trong hồi sức cấp cứu có vai trò quan trọng đối với sức khỏe bệnh nhân. Khi được chỉ định thực hiện thủ thuật này, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối lời khuyên của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt và hạn chế tới mức thấp nhất những tai biến có thể xảy ra.

XEM THÊM

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan