Tiền sản giật - vì sao nguy hiểm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Ơn - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Tiền sản giật là một hội chứng tăng huyết áp, thường khởi phát từ sau tuần 20 của thai kỳ. Đây là một trong những nguyên nhân thai kỳ gây bệnh tật và tử vong cao nhất ở mẹ bầu và trẻ sơ sinh trên toàn thế giới.

1. Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật là tình trạng tăng huyết áp vào nửa sau thai kỳ (bắt đầu từ tuần thai thứ 20) và có sự hiện diện của đạm trong nước tiểu của sản phụ. Thông thường, tiền sản giật xuất hiện trong thai kỳ và sẽ ổn định ở giai đoạn sau sinh.

Các dấu hiệu của bệnh tiền sản giật ở phụ nữ mang thai có thể gặp là đau đầu, đau giữa bụng phía trên rốn hay lệch phải, nhìn mờ, tức ngực, khó thở, phù (ứ nước) tay, mặt hay mi mắt, cảm giác mệt mỏi. Đôi khi, các dấu hiệu tiền sản giật rất mơ hồ, chỉ có thể phát hiện sớm qua đo huyết áp và kiểm tra nước tiểu vào nửa sau thai kỳ.

Bất cứ bà bầu nào cũng có thể mắc tiền sản giật trong thai kỳ, song bà bầu có khả năng bị cao hơn nếu có các đặc điểm sau:

  • Trên 40 tuổi.
  • Mang thai lần đầu.
  • Tăng huyết áp trước khi mang thai.
  • Có mẹ hoặc chị gái bị tiền sản giật.
  • Từng bị tiền sản giật.
  • Mắc một số bệnh nội khoa như: Đái tháo đường, bệnh lý thận mạn tính hay tình trạng rối loạn miễn dịch như lupus, hội chứng kháng thể kháng phospholipid...
Sự thật ngạc nhiên về tiền đái tháo đường
Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn bình thường

2. Tiền sản giật có nguy hiểm không?

Các trường hợp sản phụ bị tiền sản giật nặng sẽ ảnh hưởng tới tim, gan, thận, phổi của thai phụ. Ngoài ra, sản giật có thể gây co giật, khiến cho não thai phụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, cần đánh giá và theo dõi cẩn thận các dấu hiệu nguy hiểm này.

Bệnh tiền sản giật ở phụ nữ mang thai còn làm giảm lượng máu đến bánh nhau, nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến thai nhi suy dinh dưỡng, nước ối giảm và nguy hiểm hơn là chết lưu trong tử cung. Do đó, việc theo dõi thai máy và đánh giá sức khỏe thai nhi cần được thực hiện kĩ lưỡng trong mỗi lần khám thai.

Tiền sản giật hậu sản nếu không được điều trị kịp thời sẽ có thể chuyển biến thành sản giật, gây ra những biến chứng tiền sản giật nghiêm trọng như:

  • Sản giật hậu sản: Tiền sản giật kèm lên cơn co giật, có thể gây tổn thương vĩnh viễn đến các cơ quan sinh tồn như não, gan và thận; nếu không xử lý kịp sẽ dẫn tới tử vong.
  • Phù phổi: Là tình trạng tích nước trong phổi, đe dọa đến tính mạng của sản phụ.
  • Thuyên tắc mạch: Gây hoại tử các cơ quan trong cơ thể
  • Hội chứng HELLP: Bao gồm tăng huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim về sau.

3. Làm sao để phòng ngừa tiền sản giật?

Khám phụ khoa là làm những gì
Thăm khám định kỳ và làm xét nghiệm tầm soát tiền sản giật để phòng bệnh

Để xem xét khả năng mắc tiền sản giật, các bác sĩ sẽ hỏi về bệnh lý của bạn hoặc gia đình, tiến hành thăm khám như đo huyết áp, cân nặng, chiều cao, siêu âm, xét nghiệm máu lúc thai 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. Nếu sản phụ thuộc nhóm thai phụ có khả năng cao bị tiền sản giật, bác sĩ sẽ tư vấn và kê toa thuốc phòng ngừa.

Các bằng chứng khoa học hiện tại khuyên những thai phụ có khả năng cao bị tiền sản giật cần được chỉ định sử dụng thuốc Aspirin uống liều thấp mỗi ngày. Còn về tiền sản giật hậu sản, hiện nay vẫn chưa có biện pháp nào để dự phòng hiệu quả.

Ngược lại, nếu thuộc nhóm nguy cơ mắc tiền sản giật thấp, bà bầu cần tiếp tục khám thai theo lịch để được chăm sóc và phát hiện sớm các bệnh lý gặp phải trong suốt thai kỳ.

Để phòng ngừa tiền sản giật, sản phụ cần khám sức khỏe định kỳ và tạo các thói quen lành mạnh hằng ngày như: Hạn chế ăn mặn, ăn nhiều rau xanh, tập thể dục, không hút thuốc, không sử dụng các chất kích thích khác và hạn chế stress,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan