Tìm hiểu chứng trào ngược bàng quang niệu quản ở trẻ em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Hội chứng trào ngược bàng quang niệu quản trẻ em dễ gây nhiễm trùng đường tiết niệu (nhiễm trùng đường tiểu). Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể dẫn tới nguy cơ suy thận.

1. Bệnh lý trào ngược bàng quang niệu quản trẻ em là gì?

Theo cơ chế bình thường của cơ thể, nước tiểu chỉ chảy một chiều từ thận xuống bàng quang. Hiện tượng nước tiểu từ bàng quang chảy ngược lên thận được gọi là trào ngược bàng quang - niệu quản.

Khi xảy ra hiện tượng này, vi khuẩn có thể xâm nhập vào thận, gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được phát hiện, niệu quản và đài bể thận sẽ bị giãn, về lâu dài làm ảnh hưởng xấu tới chức năng của thận, gây suy thận.

Bệnh trào ngược bàng quang - niệu quản thường phát hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ gái có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn trẻ trai.

tim-hieu-chung-trao-nguoc-bang-quang-nieu-quan-o-tre-em-1
Bệnh trào ngược bàng quang - niệu quản ở trẻ

2. Nguyên nhân gây hội chứng trào ngược bàng quang niệu quản

Bệnh trào ngược bàng quang niệu quản có thể do nguyên nhân tiên phát hoặc thứ phát. Cụ thể là:

  • Nguyên nhân tiên phát: Do bất thường bẩm sinh của đoạn niệu quản, cụ thể là đoạn niệu quản ngắn hơn thông thường, không đảm bảo được chức năng chống trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản. Đây là nguyên nhân bẩm sinh thường gặp nhất ở trẻ em;
  • Nguyên nhân thứ phát: Trào ngược bàng quang niệu quản có thể xảy ra sau tình trạng viêm bàng quang mãn tính gây phù nề, biến dạng thành bàng quang và lỗ niệu quản; sau tình trạng tăng áp lực trong lòng bàng quang do hẹp cổ bàng quang hay hẹp van niệu đạo bẩm sinh; sau hội chứng thần kinh bàng quang; sau một chấn thương hoặc can thiệp phẫu thuật ở vùng tam giác bàng quang.

3. Triệu chứng và biến chứng trào ngược bàng quang niệu quản ở trẻ em

Các triệu chứng của bệnh khá mơ hồ nên rất khó phát hiện trên bệnh nhi, đặc biệt là bệnh nhi nhỏ tuổi. Một số dấu hiệu lâm sàng cảnh báo trào ngược bàng quang niệu quản ở trẻ em là:

  • Tiểu rắt, tiểu đau buốt và nước tiểu có màu đục, mùi hôi khó chịu;
  • Sốt, đau bụng, tiêu chảy.

Cùng với những biểu hiện này, bé đã bị nhiễm trùng đường tiểu trên, dần hình thành sẹo thận. Nếu áp lực nước tiểu từ bàng quang lên thận quá cao cũng làm giảm tưới máu các đơn vị thận và gây sẹo thận. Nếu phát hiện bệnh trễ, trẻ có thể bị teo thận, suy thận. Khi thận đã bị suy giảm chức năng thì không thể phục hồi được 100%.

4. Chẩn đoán trào ngược bàng quang niệu quản ở trẻ em

Bệnh trào ngược bàng quang niệu quản ở trẻ em thường được phát hiện trong năm đầu đời của trẻ. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng có thể xác định được trẻ có nguy cơ mắc bệnh khi siêu âm tiền sản nếu thai nhi có các dấu hiệu như niệu quản giãn, thận ứ nước, bể thận giãn,... Với các trường hợp này, sau khi sinh, người mẹ cần đưa trẻ đi tầm soát để xem có hiện tượng trào ngược bàng quang - niệu quản hay không.

Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, một số phương pháp giúp chẩn đoán xác định trào ngược bàng quang - niệu quản gồm:

  • Siêu âm: Giúp bác sĩ quan sát được thận và bàng quang của bệnh nhi mà không làm cho các bé bị đau;
  • Chụp X-quang bàng quang - niệu đạo khi đi tiểu: Giúp bác sĩ quan sát bàng quang, thận và niệu quản của bệnh nhi. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào bàng quang của bệnh nhi và truyền chất lỏng vào bàng quang qua ống. Chất lỏng này sẽ xuất hiện trên phim X-quang khi bàng quang được làm đầy và khi bé đi tiểu;
  • Chụp bàng quang niệu đạo có phóng xạ: Sử dụng cho những bệnh nhi bị nhiễm trùng đường tiểu. Với liệu pháp này, bác sĩ sẽ đưa một lượng nhỏ thuốc phóng xạ vào máu của bệnh nhi qua đường truyền tĩnh mạch. Sau đó, bác sĩ sẽ chụp ảnh thận và bàng quang với sự hỗ trợ của một thiết bị đặc biệt. Đây là phương pháp xét nghiệm tốt cho việc phát hiện những vết sẹo ở thận;
  • Chụp X-quang bể thận bằng đường tĩnh mạch: Được sử dụng để quan sát thận và đường tiết niệu.

Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp chẩn đoán phù hợp cho bệnh nhi, phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, số lần bị nhiễm trùng đường tiểu và mức độ nặng - nhẹ của tình trạng nhiễm trùng.

tim-hieu-chung-trao-nguoc-bang-quang-nieu-quan-o-tre-em-2
Bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm phù hợp khi thăm khám

5. Điều trị hội chứng trào ngược bàng quang niệu quản ở trẻ em

Dựa vào bảng phân loại quốc tế về mức độ thương tổn của đài bể thận và niệu quản trong bệnh lý trào ngược bàng quang - niệu quản sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Theo đó, bệnh có 5 mức độ tổn thương:

  • Độ 1: Trào ngược niệu quản đơn thuần;
  • Độ 2: Trào ngược lên đến đài bể thận nhưng chưa gây giãn;
  • Độ 3: Trào ngược gây giãn nhẹ và vừa ở niệu quản, đài bể thận;
  • Độ 4: Trào ngược gây giãn xoắn vặn niệu quản và mất góc nhọn đài thận;
  • Độ 5: Trào ngược gây giãn nặng niệu quản, mất hình ảnh các đài thận.

Thông thường, với bệnh nhi mắc trào ngược bàng quang - niệu quản độ 1, 2 sẽ được chỉ định điều trị nội khoa (dùng thuốc kháng sinh hoàn toàn, không phẫu thuật). Những bệnh nhi mắc bệnh ở độ 3, 4 có thể điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa, ngoại khoa sẽ tốt hơn. Bệnh nhi mắc bệnh ở độ 5 sẽ được điều trị ngoại khoa hoàn toàn.

Điều trị ngoại khoa là phẫu thuật điều chỉnh sự bất thường giữa bàng quang và niệu quản, làm dài hơn đoạn niệu quản chạy trong thành bàng quang để khi bàng quang đầy nước, nước tiểu sẽ không trào ngược lên niệu quản.

Nguyên tắc khi điều trị phẫu thuật cho bệnh nhi trào ngược bàng quang - niệu quản:

  • Chỉ tiến hành phẫu thuật khi đã hết nhiễm trùng đường tiết niệu;
  • Trong phẫu tích phải bảo toàn lớp vỏ niệu quản;
  • Khi niệu quản giãn rộng cần phải tạo hình nhỏ lại;
  • Tỷ lệ đoạn niệu quản thành/đường kính niệu quản = 4/1 hoặc 5/1;
  • Sau phẫu thuật cần điều trị kháng sinh dự phòng 6 - 8 tuần theo chỉ định của bác sĩ.

Trào ngược bàng quang - niệu quản ở trẻ em là bệnh lý có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường. Vì vậy, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế. Đồng thời, trong quá trình điều trị bệnh, phụ huynh cần hướng dẫn, động viên trẻ tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để sớm khỏi bệnh, giảm nguy cơ biến chứng.

Cha mẹ khi thấy trẻ có biểu hiện bị trào ngược bàng quang niệu quản có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám và điều trị. Tại đây có đội ngũ bác sĩ phụ khoa được đào tạo bài bản, giàu chuyên môn và kinh nghiệm; hệ thống trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, giúp chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả.

Bác sĩ Võ Thiện Ngôn đã có trên 7 năm kinh nghiệm làm bác sĩ điều trị, phẫu thuật Ngoại Niệu tại các Bệnh viện: Bệnh viện Trung Ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng.

Bác sĩ Ngôn với khả năng điều trị chuyên sâu về lĩnh vực khám và điều trị các bệnh lý về hệ Tiết niệu và Nam khoa, phẫu thuật hệ Tiết niệu, phẫu thuật nội soi tiết niệu, phẫu thuật Laparo đường niệu, nội soi đường tiết niệu. Phẫu thuật điều trị các bệnh lý Nam khoa

Hiện nay, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn là bác sĩ Ngoại Tiết Niệu – Nam học, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan