Tìm hiểu ống dẫn trứng là gì? Ống dẫn trứng dài bao nhiêu cm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Vòi trứng hay ống dẫn trứng là một bộ phận quan trọng trong cơ quan sinh sản của nữ giới. Đây là hai ống dài và hẹp nằm ở khoang bụng của phụ nữ. Rất nhiều chị em chưa hiểu rõ ống dẫn trứng là gì? Cấu tạo ống dẫn trứng dài bao nhiêu cm? Việc nắm chắc cấu tạo, chức năng của ống dẫn trứng sẽ giúp nữ giới có cách chăm sóc sức khỏe sinh sản hiệu quả nhất!

1. Ống dẫn trứng là gì?

Ống dẫn trứng được bắt nguồn từ đáy tử cung. Một cơ quan sinh dục bình thường ở nữ giới sẽ có 2 ống dẫn trứng, rỗng và thông đến buồng tử cung. Phần cuối cùng của ống dẫn trứng là những tua nhỏ nằm ngay sát buồng trứng có chức năng chính là đỡ trứng chín rụng. Đây cũng là nơi tinh trùng và trứng thụ tinh sau đó di chuyển về tử cung để làm tổ và phát triển.

Khác với tinh trùng, trứng sẽ không có khả năng tự di chuyển. Sau khi thụ tinh, trứng sẽ được các lông mao nằm trong ống dẫn trứng di chuyển về buồng tử cung. Do đó, nếu ống dẫn trứng bị viêm nhiễm sẽ dễ để lại sẹo, ảnh hưởng đến quá trình di chuyển của trứng và tinh trùng.

Nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây tắc nghẽn vòi trứng, vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới. Trường hợp trứng đã thụ tinh nhưng không thể di chuyển về buồng tử cung để làm tổ sẽ dẫn đến hiện tượng chửa ngoài dạ con, rất nguy hiểm cho sức khỏe.

ống dẫn trứng
Cấu tạo ống dẫn trứng ở nữ giới

2. Ống dẫn trứng dài bao nhiêu cm?

Ống dẫn trứng hay vòi trứng là một ống cơ có chiều dài từ 9 - 12 cm. Một đầu của ống dẫn trứng sẽ thông với tử cung, đầu còn lại sẽ thông với ổ bụng để “hứng’ trứng. Cấu tạo của ống dẫn trứng bao gồm các phần chính đó là: phần phễu ở gần buồng trứng, phần phình ống và eo ống.

3. Những bệnh lý thường gặp ở ống dẫn trứng

Các bệnh lý ở ống dẫn trứng chiếm đến 20% nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới. Đặc biệt, những trường hợp bệnh nặng chị em buộc phải cắt bỏ cả 2 vòi trứng và mất khả năng mang thai tự nhiên. Dưới đây là những bệnh lý thường gặp ở ống dẫn trứng chị em cần lưu ý.

3.1 Ứ nước vòi trứng

Đây là biến chứng thường gặp do điều trị các bệnh phụ khoa không đúng cách như: viêm âm đạo, viêm vòi trứng, viêm vùng chậu, lậu cầu, viêm dính vòi trứng...

Biểu hiện chính của ứ nước vòi trứng là: đau bụng dữ dội, rối loạn kinh nguyệt, đau khi quan hệ tình dục...Khi thấy xuất hiện các triệu chứng này, chị em cần đi khám ngay để được điều trị càng sớm càng tốt. Khi đó, tùy vào mức độ ứ nước và tổn thương của vòi trứng mà bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể. Ứ nước vòi trứng nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: tắc nghẽn vòi trứng, vô sinh, hiếm muộn...

ống dẫn trứng
Ứ nước vòi trứng nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm

3.2 Viêm tắc vòi trứng

Ống dẫn trứng có vai trò là cầu nối giữa tinh trùng và trứng đồng thời giúp trứng đã thụ tinh di chuyển đến tử cung làm tổ. Do đó, nếu vòi trứng bị viêm nhiễm, tắc nghẽn sẽ cản trở quá trình trứng và tinh trùng gặp nhau hoặc trứng đã thụ tinh không thể di chuyển về làm tổ trong tử cung.

Viêm tắc vòi trứng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vô sinh, khó thụ thai hoặc chửa ngoài dạ con ở nữ giới. Dấu hiệu thường gặp nhất khi bị viêm tắc vòi trứng là: Đau bụng dưới, kinh nguyệt không đều...

Viêm tắc vòi trứng thường có nguyên nhân từ việc quan hệ tình dục không an toàn, vệ sinh không sạch sẽ nhất là trong thời kỳ “đèn đỏ”, nạo phá thai không an toàn...

Khi đó, vi khuẩn có thể xâm nhập vào âm đạo, tử cung thậm chí viêm nhiễm ngược dòng lên vòi trứng.

Phụ nữ sảy thai, sinh con, nạo phá thai nhiều lần cũng là đối tượng dễ bị viêm nhiễm vòi trứng. Trường hợp này, vi khuẩn có thể lây lan từ âm đạo đến tử cung và 2 vòi trứng, gây viêm nhiễm, tắc nghẽn ống dẫn trứng.

4. Phương pháp điều trị viêm nhiễm ống dẫn trứng

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị viêm nhiễm ống dẫn trứng. Tùy vào mức độ bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.

ống dẫn trứng
Viêm tắc ống dẫn trứng có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời

Nếu vòi trứng bị tắc ở mức độ nhẹ, vòi trứng dính ít bác sĩ sẽ kiểm tra và tiến hành thông tắc ống dẫn trứng.Trường hợp ống dẫn trứng bị tắc ở đoạn gần thành tử cung, bác sĩ thường chỉ định phương pháp tiểu phẫu nội soi ống dẫn trứng. Thông tắc ống dẫn trứng bằng ống nội soi mang lại hiệu quả cao, tỷ lệ điều trị thành công lên đến 85%.

Đối với những trường hợp vòi trứng bị tắc hoàn toàn, bác sĩ có thể chỉ định kẹp đốt hoặc cắt bỏ vòi trứng để giảm nguy cơ mang thai ngoài dạ con. Nếu buộc phải cắt bỏ vòi trứng, chị em có thể cân nhắc phương pháp thụ tinh bằng ống nghiệm.

5. Biện pháp phòng tránh các bệnh liên quan đến ống dẫn trứng

Tình trạng ống dẫn trứng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nữ giới. Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, chị em cần đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời. Ngoài ra, nữ giới cũng cần lưu ý phòng tránh các bệnh liên quan đến ống dẫn trứng bằng những biện pháp sau:

  • Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy.
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, nhất là trong những ngày có kinh, trước và sau khi quan hệ tình dục.
  • Không lạm dụng các dung dịch vệ sinh phụ nữ có tính sát khuẩn mạnh.
  • Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn và điều trị bệnh hiệu quả nhất.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã điều trị thành công cho rất nhiều chị em mắc các vấn đề về ống dẫn trứng. Nếu có bất cứ thắc mắc gì, bạn đọc hãy liên hệ ngay để được các chuyên gia giải đáp kịp thời nhất. Hy vọng qua bài viết trên, chị em sẽ biết cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe sinh sản hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

38.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan