Rung nhĩ - Rối loạn nhịp tim thường gặp nhất

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Dương - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất trên thế giới và làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ lên 5 lần. Vì vậy bệnh nhân rung nhĩ không được chủ quan, cần tuân thủ theo sự tư vấn và điều trị của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

1. Rung nhĩ là gì?

Khi nút xoang đánh mất vai trò chủ nhịp do sự xuất hiện của các ổ phát nhịp tự phát ở hai buồng nhĩ, rung nhĩ xuất hiện. Sở dĩ gọi là rung nhĩ vì lúc này, hoạt động co bóp phát nhịp quan sát được là rung tâm nhĩ, các nhát bóp yếu, không đồng bộ, máu được luân chuyển xuống tâm thất không đầy đủ để đi nuôi cơ thể.

Rung nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim trên thất thường gặp nhất. Ở người bình thường, nút chủ nhịp của tim là nút xoang, nằm ở thành tâm nhĩ phải ngay chỗ đổ vào của tĩnh mạch chủ trên, chịu trách nhiệm phát xung động điện thế và dẫn truyền chúng theo các bó sợi đến từng tế bào cơ tim giúp quả tim hoạt động nhịp nhàng và đồng bộ. Khi rung nhĩ xảy ra, nút xoang đánh mất chức năng kiểm soát nhịp của mình, tâm nhĩ hoạt động không bình thường khi rung lên với tần số khoảng 350 - 600 nhịp/ phút. Tình trạng này khiến cho tim co bóp không có hiệu quả, dòng máu trong tâm nhĩ không được tống xuống thất hoàn toàn và lưu chuyển quanh co trong tâm nhĩ, làm tăng đông máu và hình thành các cục máu đông nhỏ trong tim. Khi cục máu đông được đưa xuống thất và được tống đi khắp các cơ quan khác trong cơ thể sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đáng sợ nhất là tắc mạch máu não gây đột quỵ hoặc tắc mạch máu phổi gây tử vong. Ngoài ra, rung nhĩ còn được xem là nguyên nhân có liên quan đến các bệnh lý suy tim, tình trạng mệt mỏi, khó thở, hồi hộp chóng mặt của người bệnh.

Theo các thống kê, rung nhĩ chiếm khoảng 25% các trường hợp đột quỵ não, tương ứng với khoảng hơn 100.000 các trường hợp nhồi máu não mỗi năm. Rung nhĩ là một bất thường tiến triển nặng dần theo thời gian, không có khả năng bù trừ để tự khỏi nếu không được điều trị và theo dõi đúng cách. Rối loạn nhịp tim nói chung và rung nhĩ nói riêng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, trở nên khó điều trị nếu không phát hiện trong một khoảng thời gian dài. Vì thế nếu nghi ngờ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có uy tín để được khám, chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị lâu dài.

Bệnh rung nhĩ
Rung nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim trên thất thường gặp nhất

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của rung nhĩ

Bất kỳ một nguyên nhân nào ảnh hưởng đến quá trình phát nhịp và dẫn truyền xung động đều có thể đưa đến rung nhĩ. Rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim thường gặp nhất trên lâm sàng. Vai trò chủ nhịp của nút xoang bị biến mất, thay vào đó là sự phát xung từ nhiều điểm ở hai buồng nhĩ, tạo nên rung tâm nhĩ. Nguyên nhân trực tiếp gây ra rung nhĩ vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn nhưng nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến rung nhĩ đã được liệt kê và đề cập nhiều.

Yếu tố nguy cơ không phải là nguyên nhân trực tiếp đưa đến rung nhĩ. Tuy nhiên, người có các yếu tố nguy cơ được liệt kê sau đây sẽ có nguy cơ mắc phải rung nhĩ cao hơn với những đối tượng khác và khả năng xuất hiện các biến chứng cũng ở mức cần quan tâm hơn:

  • Người già trên 60 tuổi: Thống kê cho thấy rung nhĩ thường gặp ở dân số lớn tuổi hơn là người trẻ
  • Có bệnh tăng huyết áp
  • Mắc các bệnh lý tim mạch như suy tim, bệnh van tim, nhồi máu cơ tim, thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim
  • Bệnh lý tuyến giáp như cường giáp
  • Bệnh phổi
  • Đái tháo đường
  • Phẫu thuật các bệnh lý tim mạch
  • Nghiện rượu hoặc sử dụng chất kích thích
  • Các bệnh lý nhiễm trùng
  • Bệnh lý toàn thân khác
rung nhĩ
Yếu tố nguy cơ không phải là nguyên nhân trực tiếp đưa đến rung nhĩ

3. Dấu hiệu lâm sàng của rung nhĩ

Nhiều trường hợp bệnh nhân có rối loạn nhịp tim không có bất kỳ một triệu chứng lâm sàng nào, bao gồm cả những bệnh nhân rung tâm nhĩ. Biểu hiện lâm sàng của rung nhĩ khá đa dạng, thay đổi tùy thuộc vào lứa tuổi, bệnh lý nền gây nên rung tâm nhĩ và biến chứng của nó.

Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Cảm giác chóng mặt, mệt mỏi
  • Nhịp thở nông, hụt hơi
  • Cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, cảm nhận được tim đập nhanh và mạnh trong lồng ngực
  • Đau ngực hoặc cảm thấy nặng ngực mơ hồ, không rõ ràng
  • Bắt mạch thấy mạch đập nhanh, không đều.

Để chẩn đoán rung nhĩ, bác sĩ cần khai thác bệnh sử, triệu chứng lâm sàng và kết hợp với các phương tiện cận lâm sàng. Các yếu tố liên quan đến tiền sử và triệu chứng lâm sàng có ý nghĩa định hướng và gợi ý một rối loạn nhịp tim. Điện tâm đồ là phương tiện đầu tay dùng để chẩn đoán các loại rối loạn nhịp tim thường gặp, bao gồm rung nhĩ.

Biến chứng thường gặp nhất của rung nhĩ là hình thành cục máu đông. Một khi chúng được đưa vào tuần hoàn đến các cơ quan khác trong cơ thể, các tình trạng bệnh lý nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân có thể xuất hiện như đột quỵ nếu cục máu đông làm tắc các mạch máu não, nhồi máu cơ tim nếu tắc mạch vành và nhồi máu phổi nếu các mạch máu phổi bị nghẽn bởi những cục máu đông. Phương pháp được lựa chọn để phòng ngừa huyết khối ở bệnh nhân rung nhĩ là các loại thuốc chống đông đường uống. Thuốc chống đông sẽ ngăn cản quá trình tạo cục máu đông nhờ vào tác dụng trực tiếp lên dòng thác đông máu. Thuốc chống đông phải được lựa chọn kỹ lưỡng trên từng bệnh nhân, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ chảy máu khi sử dụng.

Việc dùng thuốc chống đông có thể mang đến nhiều nguy cơ. Bệnh nhân rung nhĩ khi đã được chẩn đoán cần tuân thủ theo kế hoạch điều trị mà bác sĩ đã đề ra. Những việc cần ưu tiên thực hiện là uống thuốc đều đặn hằng ngày theo đơn và tái khám định kỳ để được kiểm tra chức năng đông máu, phát hiện các biến chứng kịp thời để có sự điều chỉnh thuốc hợp lý.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán rung nhĩ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan