Các loại ung thư khó chữa nhất

Ngay cả khi được chẩn đoán sớm và ứng dụng bằng các phương pháp điều trị mới nhất, các tế bào ác tính của bệnh lý ung thư trên một số cơ quan vẫn không thể kiểm soát hoàn toàn. Điều này khiến cho bệnh nhân và gia đình vô cùng lo lắng, mất phương hướng khi được chẩn đoán ung thư nói chung, mắc các loại ung thư khó chữa nhất nói riêng.

1. Ung thư tuyến tụy (tỷ lệ sống còn sau 5 năm: 11,5%)

Ung thư tuyến tụy là một trong các ví dụ về ung thư nào khó chữa nhất với ít hơn một nửa số bệnh nhân sống sót sau 5 năm.

Tùy thuộc vào mức độ lây lan của các tế bào ác tính, bác sĩ có thể điều trị ung thư tuyến tụy bằng phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị. Các phương pháp điều trị khác có thể bao gồm liệu pháp miễn dịch (tăng cường hệ thống miễn dịch để tấn công ung thư) hoặc liệu pháp nhắm mục tiêu (thuốc nhắm mục tiêu các phân tử đặc hiệu cho tế bào ung thư).

2. Ung thư trung biểu mô (tỷ lệ sống còn sau 5 năm: 12%)

Trung biểu mô là một lớp tế bào xếp trong các khoang nhất định của cơ thể và bao quanh là các cơ quan nội tạng. Các tế bào này cũng có thể tăng sinh và biệt hóa bất thường, gây ra u trung biểu mô.

Tiền căn có tiếp xúc với amiăng, một nguyên liệu được sử dụng phổ biến trong sản xuất tấm cách nhiệt trước đây, được cho là nguyên nhân chính gây ra u trung biểu mô màng phổi ác tính và có thể góp phần phát triển ung thư trung biểu mô phúc mạc.

3. Ung thư túi mật (tỷ lệ sống còn sau 5 năm: 19,4%)

Túi mật có vị trí nằm bên dưới gan và có nhiệm vụ là cô đặc và lưu trữ mật từ gan tạo ra để tiêu hóa thức ăn. Sỏi mật, là dạng tích tụ nhỏ, cứng của cholesterol và các vật liệu khác trong túi mật, làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển ung thư túi mật.

Bên cạnh các biện pháp điều trị ung thư thông thường là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, bệnh nhân ung thư túi mật cũng có thể cân nhắc tham gia các thử nghiệm lâm sàng về liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm mục tiêu để cải thiện tiên lượng.

4. Ung thư thực quản (tỷ lệ sống còn sau 5 năm: 20,6%)

Thực quản có nhiệm vụ trung chuyển thức ăn từ hầu họng vào dạ dày. Các yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản bao gồm lớn tuổi, là nam giới, hút thuốc, uống rượu và bị trào ngược axit, trong đó axit dạ dày trào lên thực quản dưới.

Các phương pháp điều trị, tùy thuộc vào mức độ tiến triển của ung thư, có thể bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch hoặc các liệu pháp nhắm mục tiêu.

5. Ung thư gan (tỷ lệ sống còn sau 5 năm: 20,8%)

Ung thư gan là một trong những dạng ung thư phổ biến nhất trên toàn thế giới. Mặc dù ung thư gan không phổ biến trong cộng đồng nhưng đang càng ngày gia tăng.

Yếu tố nguy cơ đáng kể nhất của ung thư gan là nhiễm trùng vi-rút gây viêm gan B hoặc viêm gan C mãn tính. Cả hai bệnh nhiễm trùng này đều lây truyền qua dịch cơ thể, bao gồm máu và tinh dịch. Do đó, các trẻ em đều được khuyến cáo phải được chủng ngừa vi-rút viêm gan B từ ngay khi chào đời. Tuy nhiên, không có thuốc chủng ngừa viêm gan C.

6. Ung thư phổi (tỷ lệ sống còn sau 5 năm: 22,9%)

Ung thư phổi là một bệnh ung thư phổ biến trên toàn thế giới. Hút thuốc và sử dụng các sản phẩm thuốc lá là những nguyên nhân chính gây ra bệnh. Có hai loại chính là ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, là loại phổ biến nhất và ung thư phổi tế bào nhỏ, lây lan nhanh hơn. Điều mà bệnh nhân hút thuốc có thể làm để phòng tránh ung thư là bỏ thuốc lá.

7. Ung thư não (tỷ lệ sống còn sau 5 năm: 32,5%)

Ở người lớn, khối u não hiếm khi bắt đầu trong não mà thường là do di căn từ các bệnh ung thư khác. Tuy nhiên, các trường hợp ung thư não do ung thư bắt nguồn từ một nơi khác trong cơ thể không được đưa vào thống kê.

Ngược lại ở trẻ em, ung thư não thường là nguyên phát. Các yếu tố nguy cơ duy nhất của khối u não là tiền sử gia đình và sự tiếp xúc của đầu với bức xạ. Tiếp xúc với bức xạ cũng thường xảy ra trong quá trình điều trị một số bệnh ung thư khác.

8. Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (tỷ lệ sống còn sau 5 năm: 30,5%)

Bệnh bạch cầu phát triển từ các tế bào gốc trong tủy xương, biệt hóa thành các tế bào bạch cầu khác nhau và cuối cùng là tế bào máu. Bệnh bạch cầu xảy ra khi sự phát triển của các tế bào máu bị ngừng lại và các tế bào trở thành ung thư.

Trong bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính, thay vì phát triển thành các loại tế bào máu, các tế bào gốc bị mắc kẹt ở giai đoạn chưa trưởng thành và được gọi là "tế bào blast". Thông thường, không có hoặc có rất ít tế bào blast trong máu khỏe mạnh. Khi có quá nhiều tế bào blast và quá ít tế bào máu khỏe mạnh, các triệu chứng của bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính khởi phát, bao gồm suy giảm khả năng miễn dịch, rối loạn đông cầm máu.

Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính phổ biến hơn ở người lớn hơn trẻ em, mặc dù nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Phần lớn, các bác sĩ không biết nguyên nhân gây bệnh là gì, mặc dù hút thuốc, hóa trị hoặc xạ trị trước đó cho các bệnh ung thư khác và tiếp xúc với hóa chất benzen sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Tóm lại, các loại ung thư không chữa được thường là căn bệnh gây tử vong cao nhất ở các nước. Tuy nhiên, nếu thực hiện xét nghiệm tầm soát định kỳ và nhất là phát hiện sớm các loại ung thư khó chữa, tỷ lệ sống còn sau 5 năm và dự hậu của người bệnh luôn được hy vọng sẽ khả quan hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan