Hướng dẫn trực quan về ung thư gan

Ung thư gan là bệnh lý ung thư phổ biến thứ 6 trên thế giới với và có tỉ lệ mắc mới cao nhất ở nước ta trong năm 2018 với 25.335 trường hợp. Đặc biệt tỷ lệ tử vong do ung thư gan cũng gần tương đương số người mắc bệnh. Đây là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, cần phát hiện và điều trị sớm để cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân.

1. Triệu chứng ung thư gan là gì?

Gan là một trong những cơ quan lớn nhất và có nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể. Gan có chức năng lọc máu, tổng hợp các protein cần thiết cho cơ thể, chuyển hóa thuốc, thức ăn,... Khi bạn bị ung thư gan, một số tế bào ở gan phát triển ngoài tầm kiểm soát và tạo nên một khối u. Do đó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của gan. Hầu hết bệnh nhân không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu ung thư gan nào ở giai đoạn sớm. Các triệu chứng thường xuất hiện muộn và có thể bị bệnh nhân bỏ qua. Dấu hiệu ung thư gan bao gồm:

  • Dễ cảm thấy no hoặc không muốn ăn
  • Có một khối u bên dưới khung xương sườn bên phải
  • Cảm thấy đau ở phía trên bên phải của bụng hoặc gần vai phải
  • Đau bụng
  • Bụng sưng to
  • Cảm thấy mệt mỏi
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Đi tiểu màu trắng, có phấn và nước tiểu sẫm màu
  • Có thể xuất hiện màu vàng ở da và lòng trắng mắt
Người bệnh có thể gặp triệu chứng đau bụng khi bị ung thư gan
Người bệnh có thể gặp triệu chứng đau bụng khi bị ung thư gan

2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư gan

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan, bao gồm:

  • Viêm gan B hoặc viêm gan C: Khi đó virus sẽ tấn công và làm tổn thương gan
  • Xơ gan: Tổn thương gan có thể làm xuất hiện các mô sẹo thay thế mô khỏe mạnh
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu: Nếu bạn quá thừa cân, mắc bệnh tiểu đường hoặc hội chứng chuyển hóa, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh gan nhiễm mỡ và cũng có thể dẫn đến ung thư gan.
  • Các bệnh về gan bẩm sinh, chẳng hạn như bệnh huyết sắc tố di truyền (khi lượng sắt dư thừa được dự trữ trong gan và các cơ quan khác)
  • Uống một lượng lớn rượu trong nhiều năm: Uống nhiều trong trong thời gian dài có thể gây xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan.
  • Tiếp xúc với các chất độc hại: Một số chất độc có thể gây ung thư gan bao gồm:
  • Aflatoxin: chất độc do nấm mốc tạo ra có thể phát triển trên cây trồng như ngô và lạc nếu chúng không được bảo quản đúng cách
  • Asen: một chất hóa học đôi khi có trong nước giếng
  • Thori dioxide: một chất từng được sử dụng cho một số loại tia X và hiện nay không còn được dùng nữa
  • Vinyl clorua: một hóa chất được sử dụng để sản xuất một số loại nhựa

3. Các loại ung thư gan

Ung thư gan có thể chia thành 2 nhóm chính là ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát. Ung thư gan nguyên phát là bệnh lý do các tế bào bình thường ở gan trở nên bất thường về hình thái và chức năng. Ung thư gan thứ phát nguyên nhân là do các tế bào ung thư từ các bộ phận khác của cơ thể di căn vào gan và tạo ra khối u. Ung thư gan nguyên phát bao gồm các loại chính sau:

  • Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC): Đây là loại ung thư gan thường gặp nhất. Bệnh xảy ra trong các tế bào chính của gan, được gọi là tế bào gan. HCC thường gây ra một khối u phát triển lớn dần theo thời gian. Nhưng nếu bệnh nhân bị cả xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan, thì có thể có nhiều khối u nhỏ di căn khắp gan.
  • Ung thư ống mật: Loại ung thư phổ biến thứ hai là ung thư ống mật. Bệnh lý này xảy ra trong các ống dẫn mật.
  • U nguyên bào gan là một bệnh ung thư rất hiếm gặp, chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 4 tuổi.
Người bệnh có thể gặp triệu chứng đau bụng khi bị ung thư gan
Hình ảnh ung thư gan ở người bệnh

4. Chẩn đoán ung thư gan như thế nào?

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị ung thư gan, họ có thể chỉ định các xét nghiệm sau:

  • Sinh thiết: Nhân viên y tế sẽ lấy một mẫu nhỏ gan và quan sát dưới kính hiển vi để tìm kiếm các bất thường trong mẫu bệnh phẩm
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này kiểm tra mức độ hoạt động của gan và tìm kiếm những dấu ấn của ung thư gan trong máu.
  • Kiểm tra hình ảnh: Bác sĩ có thể chỉ định siêu âm, chụp CT, MRI hoặc chụp mạch (sử dụng một loại tia X để quan sát và kiểm tra các mạch máu). Các hình ảnh ung thư gan sẽ hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh

5. Các giai đoạn ung thư gan

Giai đoạn ung thư gan sẽ cho bệnh nhân biết mức độ di căn của khối u:

  • Giai đoạn I: Một khối u chưa di căn đến bất kỳ nơi nào khác
  • Giai đoạn II: Một khối u di căn vào mạch máu hoặc có nhiều hơn một khối u, nhưng tất cả đều nhỏ hơn 2 inch
  • Giai đoạn III: Một khối u di căn đến các mạch máu lớn hoặc các cơ quan lân cận hoặc nhiều hơn một khối u và ít nhất một trong số chúng lớn hơn 2 inch
  • Giai đoạn IV: Ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

6. Điều trị ung thư gan như thế nào

6.1 Phẫu thuật hoặc cấy ghép gan

Điều trị ung thư gan phụ thuộc vào giai đoạn cũng như tuổi tác, sức khỏe tổng thể và sức khỏe của gan. Nếu ung thư chưa lan rộng và bệnh nhân không có các vấn đề về gan khác, bệnh nhân có thể phẫu thuật để loại bỏ khối u hoặc cấy ghép gan.

6.2 Liệu pháp loại bỏ khối u

Liệu pháp này sẽ giúp tiêu diệt các tế bào ung thư theo những cách khác nhau:

  • Sử dụng rượu: Bác sĩ cho rượu nguyên chất vào các khối u để tiêu diệt chúng.
  • Đông lạnh: Bác sĩ sử dụng một dụng cụ mỏng, còn gọi là đầu dò để đóng băng và tiêu diệt các tế bào khối u.
  • Nhiệt: Sử dụng nhiệt độ cao để phá hủy các khối u.
  • Xung điện: Dùng dòng điện tiêu diệt tế bào ung thư vẫn đang được thử nghiệm.

6.3 Liệu pháp thuyên tắc

Gan của bạn nhận máu từ hai mạch máu chính. Các khối u thường chỉ sử dụng máu từ động mạch gan. Trong liệu pháp thuyên tắc, một ống mỏng sẽ đi theo đùi của bệnh nhân và đến động mạch gan. Sau đó, bác sĩ sẽ cho một chất vào ống để chặn dòng máu chảy qua động mạch gan và cắt đứt dòng máu nuôi khối u. Gan của bệnh nhân vẫn sẽ nhận máu qua mạch máu khác. Thuốc hóa trị hoặc các chất bức xạ cũng có thể được đưa vào qua ống.

6.4 Liệu pháp điều trị hướng đích

Tế bào ung thư hoạt động khác với các tế bào bình thường. Liệu pháp nhắm mục tiêu sử dụng các loại thuốc được thiết kế đặc biệt để tấn công các tế bào ung thư dựa trên những điểm khác biệt đó. Điều này có thể ngăn các khối u tạo ra các mạch máu mà chúng cần để tồn tại hoặc ngăn các tế bào khối u phân chia và phát triển.

ung thư gan
Một số phương pháp điều trị ung thư gan được ứng dụng hiện nay

7. Các biện pháp phòng ngừa ung thư gan?

Chúng ta có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư gan nhờ vào các biện pháp sau:

  • Tiêm vắc-xin viêm gan B.
  • Giữ cân nặng hợp lý
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ. tăng cường cung cấp rau củ quả
  • Luyện tập thể dục đều đặn
  • Hạn chế sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác
  • Không tự ý sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch. Khi cần dùng thuốc tiêm cần đến các cơ sở y tế để thực hiện hoặc phải sử dụng kim tiêm sạch nếu bệnh nhân có thể tự dùng thuốc tại nhà
  • Chỉ nên xăm mình, xỏ khuyên tại các cửa hàng đảm bảo vệ sinh an toàn.

Ung thư gan ngày càng gia tăng và là nỗi ám ảnh của nhiều bệnh nhân vì khó điều trị, tiên lượng xấu hơn các bệnh lý ung thư khác. Cách tốt để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như xơ gan, viêm gan do rượu, viêm gan virus B, C,... Ngoài ra việc tiêm phòng đầy đủ vacxin ngừa viêm gan B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại gây tổn thương gan cũng sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư gan

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

119 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan