Danh sách các vắc-xin nên tiêm phòng trước khi mang thai

Nếu bạn đang chuẩn bị mang thai, tiêm phòng là một bước quan trọng trong việc giúp cho bạn và thai nhi khỏe mạnh. Khi mang thai, bạn chia sẻ mọi thứ với thai nhi, do đó khi bạn được tiêm vắc-xin trước khi mang thai, bạn đã giúp bảo vệ em bé khỏi một số bệnh trong vài tháng đầu sau khi sinh.

1. Tại sao cần tiêm vắc-xin trước khi mang thai?

Mang thai làm suy yếu hệ thống miễn dịch nhằm để hỗ trợ em bé đang lớn phát triển trong tử cung. Do đó, khi mang thai đồng nghĩa với việc bạn có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

Ngoài ra, một số bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin như ho gà, có thể rất nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Tiêm phòng trước khi mang thai giúp chính bản thân bà mẹ tránh được một số bệnh nguy hiểm khi mang thai như virus rubella có thể gây sảy thai và dị tật bẩm sinh.

2. Danh sách loại vắc-xin nên tiêm phòng trước khi mang thai

Vắc-xin sởi, quai bị và rubella (MMR)

Vắc-xin sởi, quai bị và rubella (MMR) là biện pháp bảo vệ tốt chống lại ba bệnh này. Lịch tiêm phòng trước khi mang thai dành cho loại vắc-xin này được các chuyên gia khuyến cáo là bạn cần tiêm trước ít nhất một tháng trước khi chuẩn bị mang thai, để bảo vệ cơ thể, phòng chống bệnh sởi Đức do virus rubella có thể gây sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.

  • Bệnh sởi: Sởi là một bệnh dễ lây nhiễm do virus sống trong chất nhầy mũi và cổ họng của người nhiễm bệnh. Bệnh gây sốt rất cao, phát ban, ho, sổ mũi và đỏ mắt. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể có triệu chứng tiêu chảy và nhiễm trùng tai. Biến chứng của bệnh sởi có thể dẫn đến nhiễm trùng phổi (viêm phổi), tổn thương não, điếc và tử vong.
  • Bệnh Rubella (Hay còn gọi là sởi Đức): Rubella là một bệnh truyền nhiễm do virus rubella gây ra. Bệnh có các triệu chứng như phát ban hoặc sốt, nhưng nhiều người đôi khi lại không có triệu chứng. Rubella có thể khiến sản phụ bị sảy thai hoặc thai nhi bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng nếu sản phụ bị nhiễm bệnh trong khi mang thai. Trẻ bị nhiễm bệnh có thể lây lan virus rubella cho phụ nữ mang thai.
Mẹ bầu nhiễm rubella gây ra dị tật thai nhi
Mẹ bầu nhiễm Rubella

  • Bệnh quai bị: Đây là bệnh do một loại virus lây truyền khi người bệnh ho và hắt hơi. Triệu chứng thường bắt đầu bằng sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi và chán ăn. Sau đó, hầu hết người bệnh đều bị sưng tuyến nước bọt, khiến má sưng húp và hàm cũng bị sưng. Phần lớn mức độ bệnh đều nhẹ nhưng đôi khi có thể gây ra các biến chứng nặng như điếc, viêm màng não và phù não, sưng tinh hoàn, buồng trứng hoặc vú.

Vắc-xin cúm

Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) khuyến cáo phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tiêm phòng cúm hàng năm vào cuối tháng 10, để đảm bảo bảo vệ cơ thể và thai nhi tránh khỏi bệnh cúm. Ngoài ra, sản phụ có thể được tiêm vào bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng việc vắc-xin cúm khi thai kỳ đều an toàn.

Cúm là bệnh hô hấp có khả năng dễ lây nhiễm do virus cúm gây ra. Bệnh có thể khiến người bệnh phải nhập viện và thậm chí tử vong. Những thay đổi về chức năng miễn dịch, tim và phổi khi mang thai khiến sản phụ dễ mắc bệnh cúm.

Cúm cũng làm tăng khả năng khiến thai nhi gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Mỗi năm, hàng triệu người bị cúm, hàng trăm ngàn người phải nhập viện và hàng ngàn hoặc hàng chục nghìn người tử vong do các bệnh liên quan đến cúm.

Bị cảm cúm khi mang thai có ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi không?
Cảm cúm khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi

Vắc-xin thủy đậu

Nếu bạn chưa bao giờ bị bệnh thủy đậu, bạn nên tiêm vắc-xin trước khi mang thai, vì bệnh thủy đậu khi mang thai có nguy cơ mắc bệnh nặng và có các biến chứng khác như viêm phổi. Ngoài ra, thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh.

Vắc-xin viêm gan B

Nếu bạn có nguy cơ cao bị nhiễm virus viêm gan B như nhân viên Y tế có tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của người bệnh nếu bạn có nhiều hơn một đối tác tình dục trong sáu tháng qua thì bạn nên tiêm vắc-xin viêm gan B trước khi mang thai.

Virus viêm gan B có thể được truyền cho thai nhi và có thể dẫn đến suy gan và ung thư gan khi trẻ ở độ tuổi trưởng thành. Vắc-xin có một loạt ba mũi tiêm, nhưng bạn không cần phải hoàn thành cả ba liều trước khi mang thai. Do đó, để biết số liều chính xác, bạn cần được bác sĩ tư vấn trước khi tiêm chủng.

Để hiểu rõ hơn về tiêm phòng trước khi mang thai, bạn vui lòng liên hệ đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: cdc.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

67K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan