Điều gì khiến bạn có nguy cơ bị viêm gan?

Bệnh viêm gan xảy ra do các loại vi rút viêm gan siêu vi gây nên. Căn bệnh có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như vàng da, phát ban, đau bụng, mệt mỏi, nguy hiểm nhất là dẫn tới xơ gan.

1. Bệnh viêm gan là gì?

Bệnh viêm gan xảy ra khi các tế bào trong mô gan bị viêm nhiễm hoặc tổn thương. Căn bệnh này thường có diễn tiến thầm lặng và không có triệu chứng cụ thể, vì vậy, thời điểm phát hiện ra bệnh cũng là lúc bệnh chuyển sang giai đoạn nặng.

Theo các nhà nghiên cứu cho biết, viêm gan là do một số loại vi rút gây ra, bao gồm virus viêm gan A, B, C, D và E. Mỗi một loại virus đều có đặc tính gây bệnh khác nhau, do đó các dấu hiệu và tình trạng bệnh của mỗi người cũng hết sức đa dạng.

viêm gan siêu vi
Viêm gan là một căn bệnh nguy hiểm

2. Các loại viêm gan

Hiện nay, có ba loại viêm gan phổ biến nhất, bao gồm viêm gan A, B và C.

Các triệu chứng của viêm gan A thường có biểu hiện tương tự như các triệu chứng gây ra bởi vi rút ở dạ dày. Tuy nhiên, hầu hết các dấu hiệu bệnh đều được cải thiện trong vòng một tháng. Viêm gan A lây lan chủ yếu qua đường ăn uống. Bạn có thể bị mắc bệnh nếu ăn chung đồ ăn hoặc nước uống với người bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị nhiễm viêm gan A khi tiếp xúc gần gũi với người bệnh, ví dụ như thay tã, hoặc quan hệ tình dục.

Đối với viêm gan B và C thường lây lan qua đường máu, tinh dịch hoặc các chất dịch cơ thể khác. Hai loại viêm gan này có thể gây bệnh một cách đột ngột. Thậm chí, chúng có thể dẫn đến ung thư gan hoặc nhiễm trùng mãn tính, gây ra các tổn thương nghiêm trọng ở gan, được gọi là xơ gan.

3. Nguyên nhân gây viêm gan

Hai nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm gan, bao gồm:

3.1 Viêm gan siêu vi

Xảy ra khi các virus gây viêm gan xâm nhập và tấn công vào cơ thể thông qua đường tiêm chích, chẳng hạn như: Sử dụng chung kim tiêm, hoặc tiêm chích ma túy.

Bên cạnh đó, virus viêm gan cũng có thể lây nhiễm từ người sang người khi quan hệ tình dục không lành mạnh hoặc chung sống cùng người bị bệnh. Ngoài ra, bạn cũng có khả năng bị nhiễm viêm gan siêu vi khi chăm sóc cho bệnh nhân, sử dụng nguồn nước hoặc thực phẩm bị nhiễm vi rút từ người bệnh.

3.2 Viêm gan không siêu vi

Bắt nguồn từ các nhân tố không phải do vi rút, bao gồm:

  • Rượu: Là loại đồ uống có nồng độ cồn cao, nếu sử dụng thường xuyên có thể gây ngộ độc gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan và xơ gan.
  • Bệnh tự miễn: Là các loại bệnh phản ánh tình trạng hệ miễn dịch tự tấn công ngược lại các cơ quan trọng yếu của cơ thể. Đối với bệnh gan tự miễn, các tế bào khỏe mạnh ở gan là những đối tượng phải chịu ảnh hưởng. Điều này có thể làm suy yếu chức năng gan và gây ra các tổn thương nghiêm trọng ở gan. Một số rối loạn tự miễn thường gặp ở những người bị viêm gan tự miễn, bao gồm viêm khớp dạng thấp, bệnh celiac, và viêm loét đại tràng.
  • Hóa trị: Những bệnh nhân bị ung thư đã trải qua hóa trị sẽ có khả năng cao bị viêm gan do các tác dụng phụ của thuốc.

4. Các triệu chứng của viêm gan

Trong giai đoạn đầu, bệnh viêm gan không biểu hiện ra các dấu hiệu rõ ràng. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể thấy một số triệu chứng sau:

4.1 Vàng da

Đây là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm gan. Vàng da có thể xuất hiện ở các bộ phận như móng tay, niêm mạc mắt, thậm chí là toàn thân.

4.2 Đau bụng

Trong cơ thể con người, gan có vị trí ở khoang bụng bên phải và nằm phía dưới xương sườn, do đó những người bị viêm gan thường cảm thấy đau bụng, kèm theo nhức mỏi tay chân.

4.3 Phát ban hoặc mẩn ngứa

Viêm gan có thể gây xuất huyết dưới da hoặc những nốt mẩn đỏ, mang lại cảm giác ngứa ngáy và khó chịu cho người bệnh.

4.4 Chán ăn, thường xuyên mệt mỏi

Đây cũng là một trong những triệu chứng thường gặp ở những người mắc bệnh viêm gan. Khi chức năng của gan hoạt động kém hiệu quả, các độc tố sẽ không thể đào thải ra bên ngoài và tích tụ lại trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến các tình trạng như chướng bụng, sốt nhẹ, chán ăn, kèm theo mệt mỏi.

4.5 Một số triệu chứng khác

Bao gồm móng tay xuất hiện các đường vân lồi lõm, đau cơ bắp, buồn nôn, nước tiểu sẫm màu, thiếu tập trung, lú lẫn, tâm trạng thay đổi thất thường, chảy máu hoặc xuất hiện các vết bầm.

Một số triệu chứng điển hình của viêm gan
Một số triệu chứng điển hình của viêm gan

5. Nguy cơ gây bệnh viêm gan

Dưới đây là những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan, bao gồm:

5.1 Nguồn nước ô nhiễm

Viêm gan A có thể bùng phát từ việc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Để ngăn ngừa bệnh, bạn nên kiểm tra độ an toàn của nước và thường xuyên uống nước đã được đun sôi.

5.2 Động vật có vỏ

Một số loại động vật có vỏ như hàu, hoặc trai được thu hoạch từ vùng nước bị ô nhiễm có thể truyền bệnh viêm gan A. Tốt nhất, các loại động vật này nên được chế biến chín để đảm bảo an toàn trước khi ăn.

5.3 Vi khuẩn từ bàn tay

Vi rút viêm gan A có tồn tại bên ngoài cơ thể trong nhiều tháng. Vì vậy, việc vệ sinh sạch sẽ, bao gồm rửa tay thường xuyên với xà phòng sau khi đi vệ sinh, thay tã, trước khi ăn uống hoặc chế biến thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm bệnh.

5.4 Đường máu

Máu và dịch cơ thể bị nhiễm vi rút có thể truyền nhiễm các bệnh viêm gan B và C. Sự nhiễm trùng cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con trong khi sinh, giữa các hoạt động quan hệ tình dục hoặc thông qua tiếp xúc với vết thương hở của người bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, các dụng cụ nha khoa bị nhiễm vi rút cũng có thể trở thành nguồn lây nhiễm bệnh viêm gan.

5.5 Hình xăm hoặc xỏ khuyên

Viêm gan B và C có thể lây truyền nếu khử trùng và tái sử dụng không đúng cách các thiết bị dùng để xăm hình hoặc xỏ khuyên trên cơ thể.

5.6 Quan hệ tình dục

Quan hệ tình dục với người bị viêm gan B là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lây nhiễm bệnh. Vi rút viêm gan B thường được tìm thấy trong máu, dịch tiết âm đạo hoặc tinh dịch của người mắc bệnh. Để bảo vệ bạn và bạn tình khỏi nguy cơ lây nhiễm viêm gan B, bạn nên tiêm ngừa vắc-xin hoặc sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, chẳng hạn như bao cao su hoặc màng chắn miệng.

5.7 Dùng chung vật dụng cá nhân

Viêm gan B và C có thể lây lan qua việc sử dụng chung các đồ vật cá nhân với người khác, bao gồm bàn chải đánh răng, dao cạo râu, khăn lau, cắt móng tay, kim tiêm hoặc bất cứ thứ gì có chứa dấu vết máu bị nhiễm bệnh. Để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm, bạn nên tránh sử dụng chung đồ dùng với người khác.

6. Vắc-xin phòng ngừa bệnh viêm gan

Bị viêm gan B thể ngủ có tiêm phòng được không
Tiêm phòng là biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan hiệu quả

Hiện nay, đã có các loại vắc-xin giúp phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi B. Theo khuyến cáo của CDC (Trung tâm phòng chống bệnh tật), những đối tượng nên chủng ngừa vắc-xin, bao gồm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhân viên y tế, người tiêm chích ma túy, người có quan hệ tình dục không lành mạnh, người sống chung với bệnh nhân, người đang được chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc,...

Đối với trẻ sơ sinh, nên được tiêm liều vắc-xin viêm gan B đầu tiên trong vòng 24 tiếng ngay sau khi sinh, và tiêm nhắc lại ba mũi khi trẻ được 2, 3, và 4 tháng tuổi. Ở người lớn, vắc-xin viêm gan B nên được tiêm ba mũi trong khoảng thời gian 6 tháng và tiêm nhắc lại sau 5 năm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội.

303 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan