Những điều cần biết về vắc-xin thủy đậu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Trần Thị Linh Chi - Phó Trưởng khoa Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Vắc-xin thủy đậu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm phòng nhằm giúp bảo vệ một cách an toàn và hiệu quả bệnh thủy đậu. Vắc-xin thủy đậu tiêm cho những đối tượng nào, lịch tiêm ra sao và tiêm ở đâu? Hãy cùng tìm hiểu qua những thông tin được cung cấp dưới đây.

Vắc-xin thủy đậu là vắc-xin sống giảm độc lực, giúp phòng ngừa bệnh thủy đậu. Vắc-xin có dạng đông khô của virus Varicella gây bệnh thủy đậu.

1. Các loại vắc-xin thủy đậu

Có 2 loại vắc-xin thủy đậu đang được sử dụng hiện nay là:

  • Vắc-xin Varivax: Do hãng Merck Sharp & Dohme, Hoa Kỳ sản xuất và được tiêm 2 liều 0.5mL/liều, mỗi liều cách nhau 4 - 8 tuần.
  • Vắc-xin Varicella: Do hãng Green Cross, Hàn Quốc sản xuất và được tiêm 1 liều 0.5mL duy nhất.

2. Lịch tiêm vắc-xin thủy đậu

Lịch tiêm vắc-xin thủy đậu cho từng độ tuổi cụ thể như sau:

  • Trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi: 1 mũi.
  • Trẻ từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi và chưa từng mắc bệnh thủy đậu: 1 mũi.
  • Trẻ trên 13 tuổi/người lớn chưa từng mắc bệnh thủy đậu: 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 4-8 tuần.
  • Phụ nữ có kế hoạch sinh con cần tiêm phòng vắc-xin thủy đậu trước khi dự định mang thai từ 3 đến 5 tháng (3 tháng với vắc-xin Varicella và 5 tháng với vắc-xin Varivax).
Những điều cần biết về vắc xin thủy đậu
Tiêm phòng vắc-xin thủy đậu cho trẻ là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh.

3. Những trường hợp cần được tiêm phòng vắc-xin thủy đậu

  • Những người chưa từng bị thủy đậu hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
  • Những người bị bệnh liên quan đến bạch cầu như bạch cầu cấp tính; bị suy giảm hoặc nghi ngờ bị suy giảm hệ thống miễn dịch do đang điều trị bệnh.
  • Những người bị hội chứng thận hư hoặc bị viêm phế quản nặng đang điều trị bằng thuốc ACTH hay Corticosteroids.
  • Những người làm trong ngành y tế, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân hoặc các đối tượng đã tiêm vắc-xin thủy đậu nhưng có nguy cơ mắc bệnh cao.
  • Những người sống trong một cộng đồng, khu vực khép kín như khu tập thể, khu ký túc xá, trường học, bệnh viện. Việc tiêm phòng sẽ giúp phòng ngừa và hạn chế lây truyền bệnh.

4. Những trường hợp không được tiêm vắc-xin thủy đậu

  • Đang bị sốt hoặc nổi ban, có dấu hiệu dị ứng.
  • Mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, rối loạn chức năng gan, thận, các bệnh về máu hoặc những bệnh có diễn biến bất thường.
  • Có tiền sử co giật trước khi tiêm vắc-xin (trong vòng 1 năm trước khi tiêm).
  • Có tiền sử phản ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin thủy đậu.
  • Bị suy giảm miễn dịch tế bào.
  • Đang mang thai hoặc dự định có thai trong vòng 2 tháng.
  • Đã tiêm chủng các vắc-xin dạng sống khác trong vòng 1 tháng trước khi tiêm vắc-xin thủy đậu (như sởi, quai bị, rubella, lao, bại liệt – dạng uống).
  • Suy giảm hệ thống miễn dịch.
  • Mắc các bệnh liên quan đến bạch cầu như bạch cầu tế bào lympho T, u lympho ác tính, bạch cầu tủy cấp. Bệnh nhân đang được điều trị bệnh bạch cầu ở giai đoạn tấn công, hệ thống miễn dịch bị ức chế mạnh do xạ trị.

5. Tác dụng phụ của vắc-xin thủy đậu

Một số tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc-xin thủy đậu là:

  • Tại vị trí tiêm có thể bị sưng đau, tấy đỏ, ngứa, tụ máu, nổi cục cứng.
  • Trên toàn cơ thể có biểu hiện ngứa, sốt, và phát ban.
  • Trong vòng 1 – 3 tuần sau khi tiêm, trẻ em và người lớn có thể có biểu hiện sốt và phát ban. Tuy nhiên, đây là phản ứng thông thường vì vậy, các triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất. Những người có nguy cơ cao mắc phản ứng phụ với vắc-xin sẽ có triệu chứng sốt, kèm theo phát ban dạng phỏng nước, hoặc nốt sần, phản ứng xảy ra trong vòng 2 - 4 tuần sau khi tiêm .
  • Một số ít trường hợp hiếm gặp có thể bị xuất huyết, chảy máu cam hoặc chảy máu niêm mạc trong miệng.
Những điều cần biết về vắc xin thủy đậu
Tác dụng phụ của tiêm phòng vắc-xin thủy đậu là phát ban toàn thân hoặc tại chỗ tiêm.

6. Những điều cần lưu ý khi tiêm phòng vắc-xin thủy đậu

  • Sau khi tiêm phòng, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần kiêng cữ, tránh có thai trong vòng 3 tháng.
  • 6 tuần sau khi tiêm chủng vắc-xin thủy đậu, cần hạn chế tiếp xúc với những người có khả năng cao bị lây truyền bệnh thủy đậu như người mắc bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch, phụ nữ đang mang thai, trẻ sơ sinh có mẹ chưa từng mắc bệnh thủy đậu.
  • Phụ nữ đang cho con bú cần thận trọng khi tiêm vắc-xin vì có khả năng virus được bài tiết vào sữa mẹ.
  • Khi tiêm vắc-xin thủy đậu, cần nghỉ ngơi trong và sau khi tiêm 1 ngày, và luôn giữ gìn sạch sẽ vị trí tiêm.
  • Khi có các biểu hiện sốt, co giật cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời.

7. Tiêm vắc-xin thủy đậu ở đâu?

Vắc-xin thủy đậu có thể được tiêm dịch vụ tại các trung tâm y tế dự phòng, các cơ sở y tế của địa phương. Ngoài ra, bạn cũng có thể liên hệ tới các bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được tư vấn và đặt lịch hẹn tiêm phòng vắc-xin.

Chủ động tiêm phòng vắc-xin thủy đậu là cách bảo vệ mình và người thân một cách an toàn và hiệu quả, đồng thời hạn chế sự lây truyền bệnh cho những người xung quanh.

Phòng tư vấn và tiêm chủng vắc-xin của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ tiêm phòng vắc-xin thủy đậu Varivax 0,5ml của MSD (Mỹ). Các loại vắc-xin tại Vinmec được bảo quản bởi dây chuyền lạnh (kho lạnh, tủ lạnh chứa vắc-xin có bộ phận cảnh báo nhiệt độ quá dải nhiệt độ cho phép,...). Bên cạnh đó, phụ huynh có thể kiểm tra được lịch sử tiêm và kế hoạch tiêm của trẻ qua máy tính, điện thoại một cách thuận tiện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

114.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan