Trẻ sốt sau tiêm vắc - xin cúm: Những điều cần lưu ý

Sử dụng vắc - xin phòng cúm đường tiêm cũng giống như sử dụng các sinh phẩm và dược phẩm khác trong y tế là có thể xảy ra các tác dụng không mong muốn. Vậy khi trẻ sốt sau sử dụng vắc - xin phòng cúm đường tiêm cần lưu ý những điều gì?

1. Sốt sau khi sử dụng vắc - xin phòng cúm đường tiêm ở trẻ em

Các tác dụng không mong muốn khi sử dụng vắc - xin phòng cúm đường tiêm ở trẻ em bao gồm:

  • Sưng, nóng, đỏ tại vị trí tiêm vắc - xin
  • Đau đầu nhẹ
  • Sốt
  • Đau cơ
  • Buồn nôn
  • Mệt mỏi

Các tác dụng không mong muốn xảy ra sau khi sử dụng vắc - xin phòng cúm đường tiêm thường sớm xuất hiện, thường nhẹ và tự hết sau vài ngày mà không cần can thiệp điều trị.

Như vậy trẻ có thể bị sốt sau khi sử dụng vắc - xin phòng cúm đường tiêm. Tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý ở trẻ nhỏ có thể xảy ra hiện tượng co giật khi trẻ sốt, gọi là co giật do sốt. Đây là tình huống có thể gây tâm lý vô cùng hoang mang, lo lắng cho các bậc cha mẹ.

2. Tổng quan về co giật do sốt ở trẻ em

Co giật do sốt là thuật ngữ chỉ tình trạng co giật có liên quan tới sốt trên đối tượng là trẻ em. Sốt do bất kì nguyên nhân nào (cảm lạnh, cúm, nhiễm khuẩn,...) cũng đều có thể xuất hiện co giật sau đó. Co giật do sốt thường xuất hiện nhất khi sốt cao, nhiệt độ từ 38,90C (1020F) trở lên, tuy nhiên co giật cũng có thể xuất hiện khi sốt ở nhiệt độ thấp hơn, hoặc thậm chí xuất hiện ngay cả khi cơn sốt của trẻ đang hạ dần. Khi bị co giật do sốt trẻ có thể tạm thời mất ý thức.

Đa số trường hợp co giật do sốt xuất hiện ở trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng tới 5 tuổi. Có từ 3 tới 5% trẻ nhỏ sẽ có ít nhất một lần bị co giật do sốt. Độ tuổi hay gặp co giật do sốt nhất là trẻ từ 14 tới 18 tháng tuổi.

Sốt cao co giật
Sốt cao co giật ở trẻ nhỏ có thể gây mất ý thức tạm thời

Cứ 3 trẻ xuất hiện co giật do sốt thì có 1 trẻ trong đó sẽ tiếp tục xuất hiện các lần co giật do sốt tiếp theo trong suốt thời thơ ấu. Nếu lần đầu tiên co giật do sốt xuất hiện là khi trẻ dưới 12 tháng tuổi, thì khả năng trẻ tiếp tục xuất hiện co giật do sốt lên tới xấp xỉ 50%, còn với trẻ lần đầu bị co giật do sốt khi đã trên 12 tháng tuổi thì nguy cơ bị thêm lần nữa là khoảng 30%. Nếu trong các thành viên trực hệ trong gia đình của trẻ (cha mẹ, anh chị em ruột) có người đã từng bị co giật do sốt thì đứa trẻ cũng sẽ dễ bị hơn.

Khi sắp xuất hiện co giật do sốt, đứa trẻ bỗng nhiên trông khác lạ, sau đó cứng người, co giật và đảo mắt. Trẻ sẽ không có phản ứng trong thời gian ngắn, nhịp thở bị gián đoạn, da có thể hơi tối lại. Co giật do sốt thường chỉ kéo dài từ 1 tới 2 phút (nhưng cũng có trường hợp, dù rất hiếm, co giật kéo dài tới 15 phút). Sau khi hết co giật trẻ sẽ nhanh chóng trở về bình thường, và co giật do sốt hiếm khi xảy ra lần thứ 2 trong vòng 24 giờ (phân biệt với các loại co giật vì nguyên nhân khác là có thể kéo dài hơn, có thể chỉ ảnh hưởng tới một phần cơ thể và có thể lặp lại nhiều lần trong 24 giờ).

Co giật do sốt là tình huống có thể khiến cha mẹ và nhiều người xung quanh trẻ hoảng loạn, nhưng gần như tất cả trẻ sau khi trải qua cơn co giật đều hồi phục rất nhanh, khỏe mạnh như chưa từng có gì xảy ra, và không có tổn thương thần kinh lâu dài nào. Co giật do sốt không làm tăng nguy cơ tiến triển thành động kinh hoặc bất kỳ một loại rối loạn co giật nào ở trẻ.

3. Vắc - xin phòng cúm có thể gây co giật do sốt ở trẻ hay không?

Trẻ có thể bị sốt sau khi sử dụng vắc - xin phòng cúm, nhưng hiếm khi gặp co giật do sốt. Một điều quan trọng là bị mắc bệnh cúm cũng có thể gây ra sốt và co giật do sốt.

Cúm là một bệnh có khả năng gây sốt cao và gây co giật do sốt ở trẻ. Sử dụng vắc - xin phòng cúm giúp bảo vệ trẻ chống lại bệnh cúm và các biến chứng có liên quan tới cúm. Người sử dụng không thể bị cúm từ vắc - xin phòng cúm mà họ sử dụng, bởi tất cả các virus có trong vắc - xin đều đã bị xử lý trước khi đem đi sản xuất vắc - xin (bất hoạt hoặc giảm độc lực).

Đã có một số nghiên cứu được thực hiện trên trẻ em tại Hoa Kỳ nhằm tìm hiểu xem sau khi sử dụng vắc - xin phòng cúm thì khả năng co giật do sốt có tăng lên không, và các kết quả là:

  • Không tìm thấy mối liên quan giữa việc sử dụng vắc - xin phòng cúm với co giật do sốt trong một nghiên cứu quan sát trên 45000 trẻ sau khi sử dụng vắc - xin phòng cúm trong độ tuổi từ 6 tháng tới 23 tháng từ năm 1991 tới năm 2003.
  • Không tìm thấy mối liên hệ giữa vắc - xin phòng cúm mùa và vắc - xin phòng cúm H1N1 (năm 2009) với co giật do sốt ở trẻ em trong một nghiên cứu thực hiện trên mùa cúm 2009 - 2010.
  • Một số nghiên cứu có phát hiện thấy sự gia tăng nhỏ nguy cơ xuất hiện co giật do sốt ở trẻ nhỏ sau khi sử dụng vắc - xin phòng cúm đường tiêm ở một số mùa cúm. Ở những nghiên cứu này, nguy cơ xuất hiện co giật do sốt tăng lên ở nhóm trẻ từ 12 tới 23 tháng tuổi, đặc biệt là khi vắc - xin phòng cúm đường tiêm được sử dụng đồng thời cùng với vắc - xin phế cầu khuẩn cộng hợp (pneumococcal conjugate vaccine - PCV13) (năm 2012), và vắc - xin bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào (diphtheria, tetanus, acellular pertussis - DTaP) (năm 2016).
Vaxigrip vacxin cúm
Vắc-xin phòng cúm Vaxigrip

Tất cả các kết quả nghiên cứu đã được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) của Hoa Kỳ tổng hợp, nghiên cứu, xem xét. Sau khi đánh giá kỹ lưỡng, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ kết luận lợi ích đạt được từ việc sử dụng vắc - xin phòng cúm cho trẻ em lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ xảy ra co giật do sốt, từ đó quyết định không thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong khuyến cáo về sử dụng vắc - xin ở trẻ em.

4. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ xuất hiện co giật do sốt?

Nếu trẻ xuất hiện co giật do sốt, cha mẹ ngay lập tức:

  • Đặt trẻ trên mặt phẳng cứng ở nơi an toàn (trên sàn nhà, trên giường), tránh xa các đồ vật có thể gây nguy hiểm.
  • Nghiêng đầu trẻ sang một bên để tránh bị sặc.
  • Không cần nhét thứ gì vào miệng trẻ.
  • Liên lạc tìm sự trợ giúp y tế.
Tiêm chủng, tiêm phòng, tiêm vacxin tại vinmec
Trung tâm vắc-xin – Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Times city

Trung tâm vắc-xin – Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City và chuỗi Bệnh viện, phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ tiêm phòng vắc-xin cúm. Nếu có nhu cầu tiêm các mũi vắc-xin lẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

49.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan