Tác dụng chữa bệnh của cây hoắc hương

Cây hoắc hương có vị ngọt đắng, hơi cay và mùi thơm đặc trưng tính ôn. Hầu như các bộ phận của hoắc hương đều được sử dụng làm hoắc hương dược liệu. Sau đây là tác dụng chữa bệnh của cây hoắc hương.

1. Cây hoắc hương là cây gì ?

Từ lâu, hoắc hương đã được xem như một loại thảo dược thần kỳ đối với sức khỏe của con người. Vị thuốc hoắc hương có tác dụng trong việc chữa cảm cúm, sổ mũi, nôn mửa, tiêu chảy, ăn không tiêu.

Cây hoắc hương còn có tên gọi khác là cây Thổ hoắc hương hay Quảng hoắc hương. Tên khoa học của loại cây này là Herba Pogostemonis. Cây hoặc hương thuộc họ hoa môi (Lamiaceae). Hoắc hương dược liệu từ lâu đã được xem là loại thuốc quý chữa nhiều bệnh.

Trong thành phần của cây hoắc hương chứa 1,2% tinh dầu. Thành phần tinh dầu bao gồm một số loại như: alcohol patchoulic (45%), patchoulen (50%). Bên cạnh đó còn là các hoạt chất khác, chẳng hạn như benzaldehyd, aldehyd cinnamic, eugenol, cadinen, sesquiterpen và epiguaipyridin...

Hoặc hương là loại cây ưa ẩm chịu bóng, sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nóng và ẩm của vùng nhiệt đới. Do đó, không ngạc nhiên khi các quốc gia đi đầu trong việc trồng và sản xuất cây hoắc hương để lấy tinh dầu hiện nay là Ấn độ, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc... Ở nước ta, cây hoắc hương thường được trồng ở một số tỉnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội...

Cây hoắc hương có thể thu hoạch lứa đầu tiên sau 5 - 6 tháng trồng. Thường thu hái vào tháng 4 đến tháng 6 khi cây có cành lá xum xuê. Cắt lấy phần trên mặt đất, ngày phơi, đêm đậy kín, lặp đi lặp lại quy trình này nhiều lần cho đến khi dược liệu khô là có thể sử dụng được.

Hoắc hương là vị thuốc quý được dùng nhiều trong Đông y. Cây có thể sống lâu năm, thân cây nhỏ vuông màu nâu tím, mọc thẳng có phân nhánh, cao chừng 30 – 60cm và thân có nhiều lông. Lá cây hoắc hương mọc đối có cuống ngắn và thường vụn nát, nhăn nheo. Phiến lá hình trứng, mép có răng cưa to, hai mặt đều mang lông, mặt dưới nhiều lông hơn, lá dài khoảng 5 – 10 cm, rộng chừng 2,5 – 7 cm. Khi chà lá hoắc hương, ta có thể dễ dàng nhận thấy mùi thơm đặc trưng mang vị hơi đắng, cay mạnh. Cụm hoa sẽ mọc thành xim co, ở kẽ lá hay ngọn cành. Hoa màu tím nhạt và nhụy bên trong nở ra màu trắng. Quả của cây hoắc hương có hạt cứng. Toàn cây có lông và mùi thơm tương đối đặc trưng.

Hầu như các bộ phận của cây hoắc hương đều có thể được dùng làm dược liệu. Trong đó, lá hoắc hương cũng như cành cây hoắc hương thường được sử dụng nhất để chiết xuất tinh dầu hay làm thuốc chữa bệnh. Lưu ý cần lựa chọn những lá còn nguyên vẹn để sử dụng. Lá đảm bảo yêu cầu là lá dùng mềm, mùi thơm nồng đặc trưng, vị hơi đắng.

Một số cách bào chế:

  • Lá khô đem thái nhỏ dùng trong thuốc thang hoặc tán bột nhỏ để làm hoàn tán (vị thuốc dựa theo hướng dẫn của Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
  • Phun nước cho ngấm đều, thái phiến, phơi khô để dùng (vị thuốc dựa theo hướng dẫn của Đông Dược Học Thiết Yếu).
  • Loại bỏ rễ còn sót lại và các tạp chất, rồi lấy lá sạch để riêng. Rửa sạch thân, ủ mềm, cắt đoạn và phơi khô rồi trộn đều thân với lá. Có thể chưng cất tinh dầu đến từ lá tươi.

Các thành phần bào chế dược liệu của cây hoắc hương cần được bảo quản kín, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt.

cây hoắc hương
Cây hoắc hương có tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh lý

2. Tác dụng chữa bệnh của cây hoắc hương

Hoắc hương là cây thuốc quý, được sử dụng rộng rãi như một loại dược liệu để điều trị bệnh. Vậy thực sự hoắc hương có tác dụng gì trong chữa bệnh?

2.1. Đối với Y Học Hiện Đại

  • Nhờ đặc tính kháng khuẩn rộng: Nước sắc hoa hoắc hương có tác dụng ức chế các loại nấm gây bệnh như: Leptospirosis, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, E.coli, trực khuẩn lỵ, liên cầu khuẩn tán huyết type A... (theo Trung Dược Học).
  • Tinh dầu hoa hoắc hương cũng có khả năng làm tăng tiết dịch dạ dày, tăng cường chức năng tiêu hóa (theo Trung Dược Học). Ngoài ra, nhờ mùi hương mạnh mẽ, tinh dầu từ dược liệu còn giúp loại bỏ được mùi hôi và xua đuổi côn trùng.
  • Giảm stress, giảm căng thẳng: Mùi của cây hoắc hương còn có tác dụng giải phóng các hormone cảm giác, chẳng hạn như serotonin và dopamine. Nó giúp cho cảm giác buồn bã biến mất và thay vào đó là cảm giác lạc quan, đầy hy vọng và yêu đời hơn.
  • Hỗ trợ lành vết thương và trị sẹo mụn: Các tinh chất có trong hoắc hương có tác dụng tăng tốc quá trình chữa lành vết thương, mất dần vết sẹo. Nó cũng có hiệu quả trong việc loại các nốt sẹo do mụn...
  • Tác dụng chống tiêu chảy: Do có chứa thành phần tannin cao, vị thuốc có hiệu quả trong việc chữa bệnh tiêu chảy và các bệnh về miệng, họng.

2.2. Đối với Y Học Cổ Truyền

Trong Y Học Cổ Truyền, hoắc hương là dược liệu có vị cay, tính ôn, quy kinh phế, tỳ, vị. Chủ trị chứng buồn nôn, nôn, đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy, ăn không ngon miệng. Ngoài ra vị thuốc từ hoắc hương cũng có thể chữa cảm cúm, cảm nắng, sốt, nhức đầu, sổ mũi và ngăn hôi miệng.

3. Bài thuốc chữa bệnh từ cây hoắc hương

Bản thân hoắc hương là một loại dược liệu có nhiều công dụng trong việc chữa bệnh. Bên cạnh đó, việc kết hợp hoắc hương với các loại dược liệu khác có thể hữu ích trong điều trị nhiều chứng bệnh thường gặp. Dưới đây là một vài bài thuốc chữa bệnh từ cây hoắc hương.

3.1. Hoắc hương trị chứng khó tiêu, sôi bụng

Nguyên liệu:

  • Hoắc hương 12 gam
  • Hoa cây đại 12 gam
  • Thạch xương bồ 12 gam
  • Bưởi đào đốt cháy 12 gam

4 loại nguyên liệu trên đem tán mịn, mỗi lần sử dụng khoảng 2 gam vào trước mỗi bữa ăn 20 phút. Ngày uống 3 lần.

3.2. Hoắc hương trị chứng ngoại cảm hàn thấp

Nguyên liệu:

  • Hoắc hương 10 gam
  • Đại phúc bì 10 gam
  • Khương bán hạ 10 gam
  • Phục linh 10 gam
  • Bạch chỉ 6 gam
  • Tô tử 6 gam
  • Hậu phát 6 gam
  • Cát cánh 6 gam
  • Sinh khương 6 gam
  • Trần bì 5 gam
  • Cam thảo 3 gam
  • Đại táo 10 gam

Tất cả nguyên liệu đem sắc để lấy nước uống.

Ngoài ra, để chữa ngoại cảm hàn thấp, người ta cũng có thể sử dụng hoắc hương kết hợp với bội lan mỗi vị 10 gam sắc lấy nước để uống. Bài thuốc này cũng hiệu quả trong việc điều trị cảm thương hàn, đau nặng đầu, tức ngực, buồn nôn, biếng ăn...

cây hoắc hương
Cây hoắc hương cần được sử dụng đúng liều lượng và theo hướng dẫn

3.3. Hoắc hương chữa tiêu chảy

Nguyên liệu:

  • Hoắc hương 12 gam
  • Nụ sim 8 gam
  • Đậu ván trắng 8 gam
  • Sa nhân 8 gam
  • Mộc hương 8 gam
  • Cát căn 12 gam
  • Cam thảo 4 gam
  • Vỏ rộp ổi 8 gam
  • Gừng nướng 3 lát

Tất cả nguyên liệu sắc với khoảng 400ml nước lấy 100ml nước chia thành 2 lần uống trong ngày.

3.4. Một số bài thuốc khác chữa bệnh bằng cây hoắc hương

Ngoài 3 bài thuốc khá phổ biến trong chữa bệnh kể trên, hoắc hương còn xuất hiện trong một số bài thuốc khác để chữa bệnh như:

Chữa cảm, sốt, ho, đau nhức: Sử dụng 6 gam hoắc hương, 6 gam tía tô, 6 gam hương nhu, 8 gam lá chanh, 8 gam cam thảo đất, 10 gam me chua đất, 3 lát gừng sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Chữa thổ tả: Hoắc hương, hậu phác, cam thảo, sa nhân, mộc hương, thương truật, trần bì, mỗi vị lượng bằng nhau, sắc nước uống.

Chữa phát ban: Hoắc hương, hậu phác, trần bì, bồ bồ (nướng), mỗi vị 50g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Mỗi lần uống nửa thìa cà phê.

Trị mũi viêm mạn tính: Dùng Hoắc hương 160g, tán bột, trộn mật heo làm viên. Mỗi lần uống 4g với nước, ngày 2 lần, liên tục 2-4 tuần.

Trị chứng khó tiêu, bụng sôi: Dùng hoắc hương, hoa cây đại, thạch xương bồ mỗi vị 12g, bưởi đào đốt cháy khoảng 6g. Tất cả nguyên liệu đem đi tán mịn, mỗi lần dùng khoảng 2g vào trước bữa ăn khoảng 20 phút. Ngày sử dụng 3 lần.

Trị chứng nôn ói do thấp hàn bên trong: Dùng lá hoắc hương, trần bì, chế bán hạ mỗi vị 10g, đinh hương 2g đem đi sắc uống. Thực hiện liên tục bài thuốc, mỗi ngày 1 lần cho đến khi dứt điểm triệu chứng.

Chữa bệnh hôi miệng: Hoắc hương có tính sát khuẩn cao, chính vì thế mà người ta thường sử dụng lá hoắc hương và bạc hà mỗi vị 15g sắc nước dùng để súc miệng hàng ngày. Hoắc hương có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, đánh bay mảng bám trong khoang miệng rất tốt. Kết hợp với đánh răng đều đặn ít nhất 2 lần mỗi ngày sẽ giúp chúng ta có một hàm răng trắng khỏe

Làm giảm triệu chứng ho: Đối với những người thường xuyên xuất hiện những biểu hiện ho thì có thể sử dụng lá cây hoắc hương, gừng, chanh, lá me chua đất mỗi vị 15g đem sắc với 500ml nước cho đến khi cạn một nửa thì có thể dùng được. Uống liên tục trong khoảng thời gian 1 tuần thì dấu hiệu ho của người bệnh sẽ thuyên giảm một cách rõ ràng.

Mặc dù có nhiều tác dụng trong chữa bệnh là thế nhưng hoắc hương chống chỉ định dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, trẻ em, người bị dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành phần của dược liệu. Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyên không nên sử dụng hoắc hương 2 tuần trước khi phẫu thuật.

Hoắc hương cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả đo huyết áp nên được khuyến cáo không nên sử dụng trước khi đo huyết áp

Không sử dụng hoắc hương đã có dấu hiệu ẩm, mốc hoặc đã có mùi lạ làm dược liệu. Ngoài ra nên chia nhỏ liều lượng để tránh kích thích hệ tiêu hóa cũng như gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn.

Có thể nói, hoắc hương là một vị thuốc dân gian gần gũi, được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày nhờ những đặc tính dược liệu vốn có của nó. Hầu như tất cả các bộ phận của cây hoắc hương như hoa hoắc hương, lá hoắc hương và thậm chí thân cây hoắc hương đều có thể trở thành một loại dược liệu phục vụ cho những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, để phát huy hết công dụng của vị thuốc này, chúng ta cũng nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi sử dụng nhằm hạn chế rủi ro và kiểm soát những tác dụng phụ không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • cây thạch vĩ
    Công dụng của cây thuốc thạch vĩ

    Cây thạch vĩ là loại thảo dược có vị ngọt, tính lạnh. Tương ứng với 2 kinh mạch là tiểu trường và bàng quang. Chúng có tác dụng hông lâm, thanh nhiệt giải độc và lợi tiểu. Hiệu quả trong ...

    Đọc thêm
  • cây ba đậu tây
    Tìm hiểu công dụng cây ba đậu tây

    Nhựa cây ba đậu tây rất độc, nó có thể gây tổn thương mắt khi vương vào, tính xổ và gây nôn. Nhựa cây ba đậu tây thường được dùng để tiệt trùng, có nơi sử dụng để chữa bệnh ...

    Đọc thêm
  • Cây móng lưng rồng
    Cây móng lưng rồng có công dụng gì?

    Cây móng lưng rồng có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh lý liên quan đến máu như rong kinh, nôn ra máu, ho ra máu, trĩ ngoại, đại tiện máu tươi. Ngoài ra, còn giúp chữa bệnh về gan, ...

    Đọc thêm
  • cây rùm nao
    Cây rùm nao có tác dụng gì?

    Cây rùm nao hay còn được gọi là mọt hoặc cánh kiến là một cây thuốc quý có vị đắng hơi chát, tính mát. Rễ cây rùm nao có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lông và các tuyến trên ...

    Đọc thêm
  • Sedatab
    Công dụng thuốc Sedatab

    Thuốc Sedatab là thuốc có thành phần từ thảo dược, được sử dụng nhằm trị chứng mất ngủ và lo âu, tinh thần bất an. Vậy Sedatab là thuốc gì và công dụng ra sao? Bài viết này sẽ tổng ...

    Đọc thêm