Các loại thảo mộc và bổ sung cho bệnh tiểu đường

Ngoài việc thực hiện lối sống lành mạnh và sử dụng thuốc, người mắc bệnh tiểu đường loại 1 và 2 có thể lựa chọn bổ sung một số loại thảo dược và các chất nhằm hỗ trợ cải thiện bệnh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trước khi bổ sung bất kỳ chất hay thảo mộc nào, người bệnh cũng cần tham khảo kỹ lời khuyên từ chuyên gia.

1. Phương pháp điều trị bổ sung tiểu đường bằng thảo mộc

Bệnh tiểu đường loại 2 từng được coi là căn bệnh khởi phát ở người lớn, tuy nhiên bệnh ngày càng trở nên phổ biến hơn ở cả trẻ em. Loại bệnh tiểu đường thường bắt nguồn từ tình trạng kháng insulin hoặc cơ thể không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết, khiến cho lượng đường trong máu mất đi sự cân bằng vốn có.

Mặc dù bệnh tiểu đường không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên người bệnh có thể kiểm soát mức đường huyết thông qua chế độ luyện tập thể thao và ăn uống điều độ. Ngoài ra, bệnh cũng được quản lý bằng các loại thuốc kê đơn như liệu pháp insulin, meglitinides, metformin (Glumetza, Glucophage,...) và sulfonylureas.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, một chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý và hoạt động thể chất thường xuyên là phần tiên quyết cũng như quan trọng nhất của quá trình điều trị tiểu đường. Tuy nhiên, những biện pháp này không đủ để duy trì lượng đường huyết ổn định, do đó bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng loại thuốc phù hợp.

Cùng với phương pháp sử dụng thuốc, nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị bệnh nhân mắc tiểu đường điều trị bổ sung bằng thảo dược hoặc thực phẩm chức năng để cải thiện đường huyết hiệu quả hơn. Có thể nói, bệnh tiểu đường và thảo dược bổ sung là phương pháp kiểm soát bệnh tuyệt vời, giúp giảm tình trạng đề kháng insulin và ngăn ngừa một số biến chứng liên quan đến đái tháo đường.

2. Sử dụng các chất và thảo dược bổ sung giúp hỗ trợ điều trị tiểu đường

Hiện nay, ngày càng nhiều bệnh nhân tiểu đường chuyển sang sử dụng các loại thảo dược thay thế thuốc. Tuy nhiên, thảo dược hoặc chất bổ sung không thể thay thế hoàn toàn các biện pháp điều trị bệnh tiểu đường theo tiêu chuẩn, thậm chí gây hại cho sức khỏe. Do đó, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng bất kỳ chất bổ sung hoặc thảo mộc nào. Một số thảo dược có thể tương tác với các loại thuốc và phương pháp điều trị tiểu đường, dẫn đến các tác dụng phụ ngoài ý muốn.

Theo nghiên cứu về tiểu đường thảo dược và những phương pháp bổ sung khác đã cho thấy, có một số loại thảo mộc và các chất hứa hẹn là phương pháp điều trị hỗ trợ hiệu quả dành cho những người mắc bệnh tiểu đường, bao gồm:

2.1 Quế

Từ lâu, quế đã được sử dụng cho mục đích y học và là chủ đề của nhiều cuộc nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của loại thảo dược này đối với lượng đường huyết. Theo kết quả nghiên cứu vào năm 2011 đã chỉ ra rằng, quế ở dạng nguyên chất hoặc chiết xuất có khả năng làm giảm mức đường huyết lúc đói, nhờ đó giúp người bệnh kiểm soát tiểu đường tốt hơn.

2.2 Chromium

Crom là một nguyên tố vi lượng quan trọng trong cơ thể, được sử dụng chủ yếu vào quá trình chuyển hóa carbohydrate. Một số nghiên cứu đã cho thấy, sử dụng chromium liều thấp là an toàn và giúp giảm lượng đường cao trong máu hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên bổ sung crom ở liều thích hợp, tránh tiêu thụ liều cao vì điều này có thể khiến mức đường huyết hạ xuống quá thấp và gây tổn thương thận.

2.3 Vitamin B-1

Một chất bổ sung khác giúp hỗ trợ điều trị tiểu đường hiệu quả là vitamin B-1 (thiamine). Thực tế, cơ thể của người mắc tiểu đường thường dễ bị thiếu hụt loại vitamin nhóm B này, từ đó có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng tiểu đường. Theo chuyên gia cho biết, nồng độ thiamine thấp trong cơ thể có liên quan mật thiết đến những tổn thương mạch máu và bệnh tim mạch.

Vitamin B-1 có khả năng hòa tan trong nước, ở dạng bổ sung benfotiamine, chúng có thể hoà tan trong lipid và dễ dàng thâm nhập vào các màng tế bào. Một số thử nghiệm cho thấy, benfotiamine có tác dụng ngăn ngừa hiệu quả một số biến chứng tiểu đường.

2.4 Axit alpha-lipoic

Axit alpha-lipoic (ALA) được biết đến là một chất chống oxy hóa mạnh. Một số kết quả nghiên cứu đã cho thấy, ALA mang lại công dụng giảm stress oxy hoá, giảm đề kháng insulin và giảm lượng đường huyết lúc đói. Tuy nhiên, việc bổ sung axit alpha-lipoic cũng cần hết sức thận trọng do nó có khả năng làm giảm quá mức lượng đường trong máu và gây nguy hiểm cho người sử dụng.

2.5 Mướp đắng

Khi đề cập đến bệnh tiểu đường và thảo dược nên bổ sung, các chuyên gia khuyến nghị những người có chỉ số đường huyết cao nên tiêu thụ mướp đắng để kiểm soát tốt hơn tình trạng sức khoẻ của mình. Thực tế, mướp đắng có khả năng hỗ trợ các tế bào sử dụng hiệu quả hơn glucose và ngăn chặn quá trình hấp thụ đường nhiều trong ruột.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Ethnopharmacology đã so sánh mướp đắng với một loại thuốc điều trị tiểu đường và cho thấy loại thảo dược này giúp làm giảm lượng fructosamine ở những bệnh nhân bị tiểu đường loại 2. Một nghiên cứu khác vào năm 2017 cũng phát hiện ra rằng ăn mướp đắng có thể làm giảm chỉ số đường huyết cao ở người mắc tiểu đường loại 1, tuy nhiên có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hoá.

2.6 Trà xanh

Trà xanh có chứa chất chống oxy hóa polyphenol và epigallocatechin gallate (EGCG), giúp mang lại những lợi ích sức khỏe tuyệt vời sau đây:

  • Giúp hỗ trợ hoạt động của insulin.
  • Cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết.
  • Phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
  • Giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch.

Như vậy, xoay quanh câu chuyện kiểm soát tiểu đường và thảo dược bổ sung thì trà xanh là một lựa chọn không thể thiếu. Đây là một thảo dược an toàn, lành tính và ít gây tác dụng phụ đối với bệnh nhân tiểu đường.

2.7 Resveratrol

Resveratrol là một chất hóa học có mặt chủ yếu trong rượu vang đỏ và nho. Theo nghiên cứu trên động vật cho thấy, resveratrol giúp làm giảm stress oxy hoá và hỗ trợ kiểm soát tốt mức đường trong máu ở người mắc tiểu đường loại 2.

2.8 Magiê

Magiê là một dưỡng chất thiết yếu, giúp điều hòa huyết áp và điều chỉnh độ nhạy insulin của cơ thể. Bổ sung magiê có thể cải thiện độ nhạy insulin ở bệnh nhân mắc đái tháo đường loại 1 và 2. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều magiê cũng góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Một số thử nghiệm đã tìm thấy mối liên hệ giữa lượng magiê bổ sung đối với bệnh tiểu đường và tỷ lệ kháng insulin thấp hơn.

2.9 Nhân sâm

Công dụng chính của nhân sâm là giảm lượng đường trong máu, do đó trong danh sách bệnh tiểu đường và thảo dược nên bổ sung không thể thiếu vị thuốc quý này. Người mắc tiểu đường nên sử dụng nhân sâm dạng viên nang khoảng 1 – 3g / ngày hoặc uống nước từ 3 – 5ml khoảng 3 lần / ngày.

Nhân sâm cũng được biết đến với tác dụng chống lại bệnh tật nhờ khả năng tăng cường hệ miễn dịch. Một số nghiên cứu tích cực về tiểu đường đã cho thấy, nhân sâm giúp làm chậm quá trình hấp thu carbohydrate, tăng tiết insulin từ tuyến tuỵ, đồng thời tăng khả năng sử dụng glucose của tế bào.

2.10 Đỗ tương

Nhiều người băn khoăn rằng liệu bị tiểu đường có ăn được đỗ tương không. Thực tế, đỗ tương là một lựa chọn khá lành mạnh dành cho những người có chỉ số đường huyết cao. Đỗ tương có chứa các dưỡng chất tương tư như cellulose, giúp giảm sự hấp thu đường, từ đó cải thiện được lượng đường đi vào trong máu. Ngoài ra, đỗ tương cũng mang lại nhiều lợi ích cho người bị cao huyết áp, mắc bệnh tim, đồng thời hỗ trợ khắc phục tốt các biến chứng do tiểu đường gây ra.

Một số nghiên cứu cho biết, bổ sung đỗ tương thường xuyên vào chế độ dinh dưỡng giúp cung cấp cho cơ thể các nguồn chất xơ, isoflavone, canxi và protein dồi dào. Nhờ đó, người mắc tiểu đường có thể tăng cường sức đề kháng và kiểm soát các triệu chứng tốt hơn. Đặc biệt, khi tiêu thụ đỗ tương cũng giúp mang lại cảm giác no, hỗ trợ giảm cân và cắt giảm lượng mỡ dư thừa, từ đó ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Tóm lại đây được coi là nhóm các loại thảo mộc tốt cho sức khỏe người tiểu đường. Vì thế ngoài việc áp dụng một chế độ ăn, lối sống lành mạnh người bệnh cũng có thể sử dụng một vài loại thảo mộc trên theo nhiều cách khác nhau để tốt cho sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan