Tìm hiểu về các huyệt ở ngay rốn

Rốn là vị trí quan trọng trong cơ thể người. Các huyệt ở rốn có tên gọi xuất xứ theo vị trí của chúng trên cơ thể. Khi châm cứu hay đắp thuốc vào các huyệt vùng rốn có thể điều trị tích cực một số bệnh như táo bón, ra mồ hôi, trẻ con khóc đêm, yếu sinh lý...

1. Các huyệt ở rốn

Các huyệt quanh rốn được đặt tên theo vị trí xuất hiện, bao gồm:

Huyệt Thần khuyết: Huyệt đạo này nằm ngay ở lỗ rốn, chỗ khuyết được coi là nơi chứa thần khí của con người. Do vậy, huyệt vị này được y học đặt tên cho là Thần khuyết. Huyệt đạo này còn có tên gọi khác là Khí Hợp, Khí Xá, Tề Trung. Huyệt Thần khuyết có xuất xứ từ sách Giáp Ất Kinh, thuộc huyệt thứ 8 của mạch Nhâm, là huyệt tập trung của khí. Khi châm cứu hay đắp thuốc lên huyệt này có thể giúp điều trị bệnh đau quanh rốn, kinh nguyệt, hệ sinh dục ngoài, viêm ruột cấp và mạn, lỵ, chân tay lạnh,...

Huyệt Khí hải: Huyệt khí hải thuộc huyệt thứ 6 của mạch Nhâm. Theo nghĩa Hán, “Khí” được hiểu là nguyên khí, “Hải” có nghĩa là biển cả. Như vậy, huyệt Khí Hải là huyệt đạo căn bản bồi bổ cơ thể với nguyên khí bẩm sinh cùng nguồn năng lượng dồi dào, phong phú như biển lớn, cung cấp sự sống cho con người. Tính từ vị trí của lỗ rốn xuống phía dưới 1.5 tấc đây là vị trí của Huyệt Khí Hải, chúng ta có thể dễ dàng xác định được. Khi tác động vào huyệt vùng rốn này sẽ giúp điều trị các bệnh đường sinh dục, kinh nguyệt, tiểu tiện, chữa đau bụng...

Huyệt Quan Nguyên: Huyệt Quan Nguyên còn có tên gọi khác là Tam Kết Giao, Hạ Kỷ, Thứ Môn. Đây là huyệt vị thứ tư thuộc mạch Nhâm, có tác dụng hữu ích giúp cải thiện sinh lý cho cả nam và nữ giới. Ngoài ra, khi tác động vào huyệt Quan Nguyên còn giúp trị đau bụng, suy nhược toàn thân, tiêu chảy, tiểu bí, tiểu rắt,... Cách xác định vị trí huyệt Quan Nguyên trên cơ thể tương đối đơn giản. Huyệt này nằm trên đường thẳng dưới rốn 3 thốn, có thể dễ dàng xác định được.

Huyệt Thiên Xu: Thiên Xu là huyệt thứ 25 của Kinh vị, có xuất xứ từ sách Linh Khu. Huyệt này còn được biết đến với tên gọi khác là Trường Khê, Cốc Môn, Phát Nguyên, Thiên Khu,... Từ rốn đo ngang ra 2 thốn là chúng ta đã dễ dàng xác định được vị trí huyệt Thiên Xu. Khi châm cứu vào huyệt này sẽ có hiệu quả trong việc chữa viêm ruột thừa, ruột tắc, tiêu chảy, táo bón, cơ bụng liệt, kiết lỵ,...

Huyệt Quan Nguyên
Huyệt Quan Nguyên là một trong các huyệt quanh rốn được ứng dụng

2. Một số bài thuốc, day ấn, châm cứu tác động vào các huyệt ở rốn

2.1. Bài thuốc đắp lên rốn

Trong Đông y, đắp thuốc lên các huyệt vùng rốn là một phương pháp phổ biến, đơn giản, an toàn dễ thực hiện mà lại có hiệu quả cao. Trường hợp trẻ nhỏ, người già suy nhược cơ thể khó uống thuốc được thì đắp thuốc là phương pháp dễ áp dụng.

Tùy tình hình bệnh cụ thể để chọn thuốc đắp phù hợp. Nếu là dược liệu khô thì thường được tán thành bột mịn, hòa với dung môi thành dạng cao mềm rồi đắp lên rốn. Nếu là dược liệu tươi, có thể đập dập hay giã nhuyễn rồi đắp lên rốn, dùng băng dính hay gạc cố định lại. Trước khi đắp thuốc cần dùng nước ấm lau vùng rốn và cồn y tế để sát trùng, người bệnh nên nằm ngửa để thuận tiện cho đắp thuốc. Theo dõi vùng đắp thuốc, nếu xuất hiện các dấu hiệu như nổi phồng nước, quá nóng rát thì nên tạm dừng. Không nên sử dụng các loại thuốc có tính kích thích mạnh, không nên kéo dài thời gian đắp thuốc. Tốt nhất bạn nên thăm khám, nghe tư vấn từ bác sĩ cẩn thận trước khi sử dụng phương pháp này.

Đắp thuốc lên các huyệt ở rốn có thể trị được một số chứng bệnh sau:

  • Trị chứng ra nhiều mồ hôi: Sử dụng bột nghệ trộn với ngũ bột tử và mật ong đắp lên rốn rồi cố định lại bằng băng dính hay gạc.
  • Trị táo bón: Lấy 3 tép hành trắng, 1 củ gừng, 21 hạt đậu xị, một ít muối, giã chung cho nát, làm thành bánh hơ lửa nóng chườm lên rốn, nguội thì hơ lại chườm tiếp. Nếu táo bón kéo dài, có thể dùng 2-3 con ốc bươu cả vỏ, muối, sau đó giã nát, đắp vào các huyệt ở rốn, dùng vải buộc chặt.
  • Trẻ khóc đêm: Chuẩn bị 4g Hạt bìm bịp đen, tán nhỏ hòa với nước bôi ở rốn.
  • Phụ nữ sau sinh không ra hết máu hôi, dẫn đến đau bụng: Lấy ngải cứu khô giã nát sao với giấm cho nóng, rịt lên lỗ rốn, lấy vải phủ lên. Dùng cái âu đồng có đựng than đỏ chườm lên trên, đợi trong miệng có hơi ngải cứu thì đau sẽ dần tự khỏi.

2.2. Day ấn các huyệt quanh rốn

Cải thiện yếu sinh lý bằng cách day ấn các huyệt ở rốn:

  • Huyệt thần khuyết: Dùng gốc của bàn tay hay ngón cái day nhẹ lỗ rốn (huyệt thần khuyết) trong 3 phút.
  • Huyệt khí hải: Dùng ngón giữa day huyệt vị này trong 2 phút.
  • Huyệt quan nguyên: Dùng ngón giữa day huyệt vị trong 2 phút. Sau đó, dùng bàn tay xoa bụng dưới theo chiều kim đồng hồ bằng 1 lực vừa phải sao cho nóng lên là được.
  • Huyệt Thiên Xu: Dùng ngón tay cái đặt lên huyệt đạo này, các ngón tay còn lại ôm lấy mạng sườn, tiến hành xoa bóp, day bấm huyệt này trong khoảng 2 phút.

Trị táo bón:

  • Táo bón là một chứng bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất ở người cao tuổi. Việc xoa bóp, day ấn các huyệt quanh rốn giúp hỗ trợ điều trị bệnh. Ở những người lớn tuổi, nên phối hợp day ấn huyệt Thiên xu với huyệt Khí hải, huyệt Quan nguyên nhằm tăng thêm dương khí ở phần dưới cơ thể, làm ấm trường vị, giúp cho sự co bóp được thuận lợi.
Day ấn các huyệt quanh rốn
Day ấn các huyệt quanh rốn giúp điều trị một số bệnh lý theo đông y

2.3. Châm cứu các huyệt quanh rốn trị một số bệnh

  • Châm cứu huyệt Thần khuyết: Cấm châm. Thường cứu cách gừng, cách muối hoặc thuốc tán trong khoảng 20 – 200 phút. Trường hợp cần cấp cứu hồi dương thì cứu cho đến khi nào tay chân ấm thì dừng. Khi tác động vào huyệt này giúp trị đau bụng, đau quanh rốn, bệnh hệ sinh dục ngoài, bệnh về kinh nguyệt, viêm ruột cấp và mạn, lỵ mạn tính, tay chân lạnh, trúng phong thể thoát,...
  • Châm cứu huyệt Khí hải: Dùng kim châm thẳng từ 0.5 -1.5 tấc vào vị trí của huyệt đạo. Lưu ý khi châm sẽ tạo cảm giác vùng bộ phận sinh dục bị căng tức, tuy nhiên hiện tượng này là bình thường không nguy hại đến tính mạng. Cứu từ 3-5 lửa. Cuối cùng, thời gian ôn cứu khoảng 15- 30 phút có thể nhiều hơn. Khi châm cứu vào huyệt này sẽ có tác dụng trị đau bụng, các bệnh đường dinh dục, kinh nguyệt, tiểu tiện, hỗ trợ điều trị các bệnh huyết áp, bệnh suyễn.
  • Châm cứu huyệt Quan nguyên sẽ có nhiều công dụng đối với cả nam và nữ giới như điều hòa khí huyết, bổ thận tráng dương, đau bụng kinh, rong kinh,...
  • Châm cứu huyệt Thiên Xu: Tiến hành châm thẳng 0,5 - 1,5 thốn. Thời gian ôn cứu khoảng từ 10 đến 20 phút. Cứu 5-7 tráng.

Trên đây là những thông tin rất hữu ích về các huyệt quanh rốn. Bạn có thể dễ dàng xác định được các huyệt ở rốn và thực hiện xoa bóp, day ấn, đắp thuốc hay châm cứu các huyệt này, giúp điều trị tích cực một số tình trạng bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan