Vị trí và tác dụng huyệt đầu duy

Huyệt Đầu Duy được ứng dụng rất nhiều trong các bài bấm huyệt và châm cứu trong Y học cổ truyền, có tác dụng điều trị một số bệnh lý nhất định như đau đầu, choáng váng, buồn nôn cũng như vấn đề liên quan đến mắt. Vậy vị trí huyệt đầu duy nằm ở đâu và tác dụng huyệt đầu duy là gì?

1. Tìm hiểu về huyệt Đầu Duy

Trong nhiều nhóm huyệt đạo, huyệt Đầu Duy, hay còn có tên gọi khác là huyệt Tảng Đại, giữ vai trò vô cùng quan trọng trong toàn bộ hệ thống huyệt đạo của cơ thể người, đem lại vô số lợi ích liên quan đến sức khỏe con người và cải thiện - khắc phục nhiều bệnh lý.

Huyệt Đầu Duy có tên gọi gắn liền với ý nghĩa vị trí của nó, bao gồm:

  • Đầu: phần đầu của con người.
  • Duy: nằm ở vị trí góc.

Tên gọi này được y học đặt tên ứng với vị trí huyệt Đầu Duy, nằm ở đầu và phía góc trái và góc phải của đầu.

2. Xác định vị trí huyệt Đầu Duy như thế nào?

Huyệt Đầu Duy có vị trí tương đối dễ nhận biết, chỉ cần quan sát cẩn thận là sẽ nhận biết chính xác huyệt này. Cách xác định vị trí huyệt Đầu Duy như sau:

  • Tìm ở mé góc trán và lui về phía chân tóc.
  • Nằm ngoài huyệt Bản Thần (gồm Đại Thành, Đồng Nhân, Giáp Ất, Phát Huy) khoảng 1.5 tấc.
  • Đo ngang từ vị trí huyệt Thần Đình khoảng 4.5 tấc.

Huyệt Đầu Duy nằm ở trên đường khớp trán và đỉnh, nằm trong mép tóc ở cả hai bên. Ta có thể xác định bằng cách dùng tay đưa từ đỉnh về mép tóc ở góc trán, sau đó thử cắn hàm. Vùng nổi một miền cơ cứng lên chính là huyệt Đầu Duy cần tìm kiếm.

huyệt đầu duy
Huyệt Đầu Duy nằm ở trên đường khớp trán và đỉnh, nằm trong mép tóc ở cả hai bên

3. Huyệt Đầu Duy có đặc tính gì?

Huyệt Đầu Duy nằm trong nhóm giáp Ất Kinh và là huyệt thứ 8 trong Kinh Vị. Huyệt Đầu Duy có sự giao hội với kinh Túc Thiếu Dương Đởm.

Đây là nhóm huyệt đạo không chỉ thường được sử dụng trong Y Học Cổ Truyền mà hiện nay cũng đã và đang được khai thác trong điều trị bệnh của Y Học Hiện Đại.

4. Tác dụng huyệt Đầu Duy liên quan tới những vấn đề gì?

Huyệt Đầu Duy có vị trí ở đầu, nên tác dụng huyệt Đầu Duy cũng liên quan đến các bệnh lý xảy ra ở đầu và bệnh lý thần kinh. Cụ thể, huyệt Đầu Duy đem lại một số lợi ích trong trị liệu Y Học Cổ Truyền như:

  • Khu phong và khắc phục nhanh các vấn đề đau nhức đầu do phong, gồm nhiều thể như đau toàn đầu, đau nửa đầu, đau đầu do thời tiết thay đổi...
  • Huyệt Đầu Duy cũng có tác dụng cải thiện đau mỏi mắt, giật mí mắt ở cả hai bên và hiện tượng khô mắt.
  • Khắc phục và điều trị chứng tê bì mặt, méo miệng hay thậm chí là liệt mặt.

5. Tổng hợp các liệu pháp Y Học Cổ Truyền sử dụng huyệt đầu duy

Trong Y Học Cổ Truyền, hai liệu pháp sử dụng huyệt Đầu Duy thường thấy nhất là châm cứu và bấm huyệt.

5.1. Châm cứu

Khi châm cứu, kim châm nên châm chính xác tại vị trí huyệt Đầu Duy, độ sâu của kim dao động từ 0.5 - 0.7 tấc, không cứu.

5.2. Bấm huyệt Đầu Duy

Với liệu pháp này, người thực hiện sẽ dùng hai đầu ngón tay cái ấn lên chính xác vị trí huyệt Đầu Duy với một lực vừa phải, không nhẹ cũng không nên quá mạnh tay. Sau đó, nên chậm rãi day huyệt Đầu Duy theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 2 - 3 phút một lần, kéo dài từ 2 - 4 lần đến khi bệnh nhân cảm thấy căng tức.

Mỗi ngày đều nên thực hiện việc day và bấm huyệt Đầu Duy 2 lần, một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối để đạt hiệu quả điều trị cao.

huyệt đầu duy
Huyệt Đầu Duy có tác dụng cải thiện đau đầu

6. Cần lưu ý gì khi tác động đến huyệt Đầu Duy?

Khi châm cứu và bấm huyệt đúng cách, tác dụng huyệt Đầu Duy sẽ được khai thác tốt nhất. Tuy nhiên, khi không nhận định được vị trí và tính chất của huyệt, bạn có thể vô tình gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khi tác động đến huyệt Đầu Duy.

Vì vậy, bạn cần nhớ một số lưu ý quan trọng liên quan đến nhóm huyệt này:

  • Cần chọn các thầy thuốc có chuyên môn cao và kinh nghiệm lâu năm, đặc biệt am hiểu về lĩnh vực bấm huyệt và châm cứu, hiện đang công tác ở các phòng khám Đông Y uy tín.
  • Đối với người đang có chấn thương khớp, đang bị vết thương (dù hở hay kín) đều cần tránh thực hiện châm cứu, bấm huyệt. Đối với những vùng da đang có dấu hiệu viêm và nhiễm trùng cũng không thể thực hiện hai liệu pháp này.
  • Bấm huyệt - châm cứu huyệt Đầu Duy cần có sự kết hợp thêm với thói quen hoạt động thể chất đều đặn, ăn nhiều chất xơ để phòng ngừa bệnh tật, tăng cường sức khỏe mỗi ngày.
  • Trường hợp bệnh nhân ở tình trạng nặng, người thân nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện và phòng khám để có phương thức trị bệnh hợp lý, kịp thời.

7. Huyệt Đầu Duy kết hợp với các loại huyệt khác như thế nào?

Mỗi huyệt đạo sẽ luôn có tác động qua lại với các nhóm huyệt gần đó. Vì vậy, đại đa số các phương pháp bấm huyệt - châm cứu đều quan tâm phối hợp nhiều nhóm huyệt đạo để đưa đến kết quả khả quan nhất.

Cụ thể, có thể phối hợp huyệt Đầu Duy với một số huyệt đạo khác như:

  • Huyệt Lâm Khấp, huyệt Phong Trì và huyệt Tinh Minh, hỗ trợ cải thiện triệu chứng chảy nước mắt khi gặp phong.
  • Kết hợp huyệt Đầu Duy với huyệt Dương Bạch, huyệt Địa Thương, huyệt Nghênh Hương và huyệt Ế Phong có thể dùng để khắc phục chứng thần kinh, liệt mặt.
  • Nếu kết hợp với huyệt Liệt Khuyết, huyệt Khúc Tân và huyệt Phong Thủ, chứng đau nửa đầu sẽ nhanh chóng biến mất.
  • Bệnh chóng mặt thường được điều trị bằng cách sử dụng huyệt Đầu Duy kết hợp huyệt Thiên Trị và huyệt Toàn Trúc.

Huyệt Đầu Duy có nhiều tác dụng đối với các bệnh lý ở vùng đầu như đau mỏi mắt, đau đầu, chóng mặt... Tuy nhiên, cần tìm gặp các thầy thuốc Đông Y có chuyên môn khi muốn bấm huyệt - châm cứu, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan