Vị trí và tác dụng huyệt dương trì

Là một trong những huyệt đạo quan trọng trên cơ thể người, huyệt dương trì có tác dụng điều trị một số bệnh lý như giảm đau sưng cổ tay, đau họng, đau tai, đau mắt,...

1. Huyệt dương trì là gì?

Huyệt dương trì (Yángchí - dương trì huyệt) còn được gọi là huyệt biệt dương. Về ý nghĩa, “dương” là mặt ngoài của cổ tay, khác với “âm” là bên trong lòng bàn tay; “trì” tức là cái ao, ở đây chỉ chỗ lõm ở cổ tay. Như vậy, dương trì là huyệt lõm, nằm ở mặt ngoài cổ tay.

Huyệt dương trì là huyệt thứ 4 của kinh thủ thiếu dương tam tiêu, chủ yếu điều trị cho những trường hợp bị khát nước, đau cổ tay âm ỉ. Ngoài ra, huyệt dương trì còn là 1 trong 14 yếu huyệt, có khả năng điều chỉnh hạ tiêu cực tốt.

2. Vị trí huyệt dương trì

Dương trì là huyệt vị có thể xác định dễ dàng bằng mắt. Cách xác định huyệt dương trì như sau: Huyệt nằm ở chỗ lõm đường lằn ngang khớp cổ tay đi về phía mu bàn tay, khe giữa gân cơ duỗi chung ngón tay và cơ duỗi riêng ngón trẻ, ở khe đầu dưới xương quang và xương trụ. Để xác định được vị trí huyệt dương trì thì bạn cần ngửa bàn tay ra sau, giúp làm nổi rõ nếp gấp khớp và các gân.

Theo giải phẫu, vùng da vị trí huyệt dương trì được chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C8 hoặc D1. Do đó, huyệt vị này có liên quan mật thiết với ứng dụng trị bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp, tê bì vùng tay,...

vị trí huyệt dương trì
Hình ảnh mô tả vị trí huyệt dương trì

3. Tác dụng huyệt dương trì

Tác dụng huyệt dương trì bao gồm:

  • Tác dụng tại chỗ: Khi tác động huyệt sẽ làm giảm tình trạng đau sưng cổ tay;
  • Tác dụng theo kinh mạch: Giảm đau tay, đau họng, đau vai, đau mắt, điếc tai;
  • Tác dụng toàn thân: Giảm các chứng bệnh như sốt rét, đau nhức chi trên, liệt chi trên, tiêu khát, hội chứng cổ - vai - cánh tay,...

Ứng dụng cụ thể của huyệt dương trì trong điều trị bệnh như sau:

3.1 Điều trị đau cổ tay

Đau nhức cổ tay có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân như vận động sai tư thế, lao động nặng, mắc các bệnh về khớp,... Khi gặp tình trạng này, bệnh nhân có thể khắc phục bằng cách bấm huyệt dương trì hằng ngày.

Cách thực hiện: Xác định vị trí huyệt dương trì rồi dùng tay còn lại xoa ấn với lực vừa phải trong khoảng 30 giây. Nên bấm huyệt dương trì ngay khi cơn đau xuất hiện. Ngoài ra, bệnh nhân có thể kết hợp chườm ấm cổ tay hoặc đắp lá thuốc nam theo chỉ định của lương y có kinh nghiệm.

3.2 Điều trị chứng lạnh tay chân

Một trong những nguyên nhân gây chứng lạnh tay, chân là do vấn đề ở hệ tuần hoàn. Huyệt dương trì là huyệt vị quan trọng có tác dụng chi phối quá trình tuần hoàn huyết dịch và sản xuất hormone toàn thân. Do đó, khi kích thích huyệt này thì có thể khôi phục công năng tam tiêu kinh, truyền nhiệt tới toàn thân. Việc tác động huyệt dương trì đều đặn giúp tăng cường lưu thông tuần hoàn máu, cân bằng bài tiết hormone, làm ấm cơ thể và giảm lạnh tay, chân, vùng lưng,...

Cách thực hiện như sau: Bạn xác định chuẩn xác vị trí huyệt dương trì rồi dùng ngón tay giữa của tay trái ấn vào huyệt dương trì của tay phải. Nên ấn nhẹ nhàng, sau khoảng 30 giây thì đổi tay.

4. Phối hợp huyệt dương trì với các huyệt vị khác để trị bệnh

Dương trì là huyệt có ảnh hưởng nhiều tới các bệnh khác nhau mà cơ thể dễ mắc phải. Thông thường, trong Y Học Cổ Truyền sẽ kết hợp huyệt vị này với một số huyệt khác để mang lại hiệu quả điều trị các bệnh gồm:

  • Phối hợp huyệt dương trì với các huyệt hợp cốc, khúc trì, trung chử, xích trạch để điều trị tình trạng co rút khớp ngón tay;
  • Phối hợp huyệt dương trì với các huyệt giải khê, hậu khê, hợp cốc, lệ đoài, phong trì để trị tình trạng thương hàn không đổ mồ hôi;
  • Phối hợp huyệt dương trì với các huyệt dương cốc, dương khê, ngoại quan để trị chứng đau mỏi cổ tay và bàn tay;
  • Phối hợp huyệt dương trì với các huyệt bát tà, đại lăng, tứ phùng để trị chứng viêm khớp ngón tay;
  • Phối hợp huyệt dương trì với các huyệt đại chùy, phong môn, thiên trụ để trị đau đầu, cơ thể nóng lạnh và không đổ mồ hôi;
  • Phối hợp huyệt dương trì với các huyệt cứu dương trì trái, trung quản để trị tình trạng tử cung lệch về bên trái.

Việc phối hợp các huyệt cần được thực hiện bởi các bác sĩ Y Học Cổ Truyền có chuyên môn cao thì mới đem lại hiệu quả như mong muốn.

huyệt châm cứu tai biến mạch máu não
Huyệt dương trì có thể phối hợp với một số huyệt khác giúp điều trị bệnh

5. Cách châm cứu và bấm huyệt dương trì

Theo Y Học Cổ Truyền, huyệt dương trì cũng như các huyệt vị khác, có thể áp dụng biện pháp châm cứu hoặc bấm huyệt để trị bệnh.

5.1 Châm cứu huyệt dương trì

Huyệt dương trì nằm ở cổ tay - nơi có nhiều kinh mạch đi qua nên đây được xem là vị trí khá nhạy cảm. Châm cứu trên huyệt dương trì có thể điều trị khá nhiều bệnh lý. Để thu được hiệu quả điều trị bệnh tốt, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân, cần chú ý tới hướng dẫn về hướng kim, độ sâu và ôn cứu như sau:

  • Sau khi xác định được vị trí của huyệt dương trì trên cơ thể, lương y sẽ sử dụng kim châm cứu để châm thẳng với độ sâu 0.3 - 0.5 thốn;
  • Trường hợp trị bệnh ở khớp cổ tay, cần hướng mũi kim qua 3 bên, cứu 3 - 5 tráng, ôn cứu khoảng 5 - 10 phút.

5.2 Bấm huyệt dương trì

Giống như các huyệt đạo khác, bấm huyệt dương trì có thể hỗ trợ nhiều căn bệnh trên cơ thể. Việc bấm huyệt dương trì cần đúng theo tác để tránh gây hại cho sức khỏe. Phương pháp bấm huyệt như sau:

  • Xác định chính xác vị trí huyệt vị, dùng ngón trỏ hoặc ngón cái day bấm liên tục trong khoảng 30 giây - 60 giây;
  • Nên thực hiện bấm huyệt ở cả 2 tay với lực vừa phải. Kiên trì bấm huyệt dương trì nhiều lần trong ngày sẽ mang lại hiệu quả tốt.

*Lưu ý khi châm cứu, bấm huyệt dương trì:

  • Cần xác định chính xác huyệt vị trước khi áp dụng các biện pháp điều trị nhằm tránh gây tổn thương cho cơ thể. Để đảm bảo an toàn, người bệnh không nên tự ý thực hiện mà cần tìm đến các bác sĩ Y Học Cổ Truyền giàu kinh nghiệm để được hướng dẫn cụ thể;
  • Không châm cứu lên huyệt đạo nếu vùng da này bị tổn thương, rỉ máu, lở loét;
  • Không châm cứu khi đang quá no hoặc quá đói vì có thể gây kích thích, tổn thương dạ dày;
  • Khi bấm huyệt cần tác động lực vừa phải, kiên trì thực hiện nhiều ngày;
  • Trong quá trình trị liệu, người bệnh không được dùng rượu, bia, thuốc lá hoặc các chất kích thích khác;
  • Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu không nên áp dụng liệu pháp bấm huyệt, châm cứu để tránh gây ảnh hưởng tới thai nhi;
  • Nên kết hợp châm cứu, bấm huyệt với một chế độ ăn uống và nghỉ ngơi khoa học, vận động vừa sức,... để cơ thể có sức đề kháng tốt và chống chịu được các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.

Các phương thức tác động trên huyệt dương trì có thể hỗ trợ điều trị hiệu quả nhiều căn bệnh mãn tính. Vì vậy, khi muốn châm cứu, bấm huyệt trên huyệt vị này, người bệnh nên tìm đến các bác sĩ Y Học Cổ Truyền có chuyên môn cao để được thực hiện chính xác, đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan