Ăn tỏi có an toàn khi mang thai không là câu hỏi được nhiều mẹ bầu quan tâm vì những lợi ích đối với sức khỏe của tỏi. Khi mang thai, việc duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh là điều cực kỳ quan trọng. Vậy tỏi mang lại những lợi ích gì trong thời kỳ mang thai?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Ăn tỏi có an toàn khi mang thai không?
Dù ăn tỏi thường được cho là an toàn khi mang thai nhưng có rất ít bằng chứng khoa học cụ thể về vấn đề này. Ăn tỏi ở mức độ thông thường có thể an toàn. Tuy nhiên, ăn tỏi cũng có thể gây ra các triệu chứng của GERD hoặc IBS ở một số người.

Hiện tại, chưa có hướng dẫn chính thức nào về lượng tỏi mà một người có thể tiêu thụ mỗi ngày, cả đối với người bình thường và người đang mang thai.
Vì không có thông tin chính xác về liều lượng an toàn hàng ngày, phụ nữ mang thai nên thông báo cho bác sĩ của mình về bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống hoặc trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung chứa tỏi nào.
2. Tác dụng phụ của tỏi khi mang thai
Mẹ bầu cần lưu ý một số tác dụng phụ khi ăn tỏi trong quá trình mang thai.
2.1 Tăng nguy cơ chảy máu
Mặc dù tỏi an toàn với hầu hết tất cả mọi người khi sử dụng trong liều lượng vừa đủ nhưng khi tiêu thụ lượng lớn, tỏi có thể tăng nguy cơ chảy máu.
Tác dụng phụ có thể xảy ra cả ở phụ nữ mang thai và không mang thai. Hợp chất lưu huỳnh có trong tỏi, gọi là ajoene, có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Ajoene hoạt động bằng cách ngăn chặn tiểu cầu - những tế bào máu nhỏ giúp cơ thể tạo ra cục máu đông để ngừng chảy máu. Vì vậy, việc ăn tỏi có thể làm giảm khả năng đông máu, khiến nguy cơ chảy máu tăng cao, đặc biệt với người có vấn đề về đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông hoặc dự định phẫu thuật.
Đó là lý do tại sao phụ nữ mang thai cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về vấn đề ăn tỏi có an toàn khi mang thai không trước khi quyết định bổ sung vào chế độ ăn cũng như với bất kỳ loại bổ sung nào khác.

2.2 Gây ợ nóng
Tỏi có thể gây ra chứng ợ nóng và khó tiêu ở một số người, đặc biệt là những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và hội chứng ruột kích thích (IBS).
Trong trường hợp phụ nữ mang thai, thaI nghén cũng có thể làm tăng nguy cơ ợ nóng. Tình trạng này xảy ra do sự kết hợp của sự biến đổi hormone và áp lực vật lý từ thai nhi đang phát triển. Một số phụ nữ mang thai có thể thấy triệu chứng ợ chua tồi tệ hơn sau khi tiêu thụ tỏi hoặc các sản phẩm bổ sung chứa tỏi.
Vì vậy, nếu gặp vấn đề với chứng ợ chua sau khi ăn tỏi, phụ nữ mang thai nên giảm lượng tiêu thụ tỏi để giảm bớt tình trạng. Tuy nhiên, nếu không gặp phải bất kỳ vấn đề gì khi thêm tỏi vào chế độ ăn uống hàng ngày, phụ nữ mang thai có thể tiếp tục sử dụng mà không cần phải lo ngại.
3. Lợi ích của tỏi cho thai kỳ
Ăn tỏi khi mang thai có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
3.1 Ngăn ngừa tiền sản giật
Sản giật là một biến chứng trong thai kỳ có thể phát sinh sau 20 tuần mang thai, thường được xác định bởi chứng tăng huyết áp.
Huyết áp cao trong thai kỳ có thể gây ra nhiều tác động nguy hiểm, bao gồm:
- Giảm lưu lượng máu đến tử cung.
- Ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi.
- Nguy cơ cao hơn của việc sinh non.
Một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng tỏi có thể giúp giảm huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp. Tuy nhiên, hiện nay có rất ít nghiên cứu về tác động của tỏi đối với huyết áp ở phụ nữ mang thai.
Một thử nghiệm nhỏ trên 44 phụ nữ mang thai có nguy cơ tiền sản giật đã chỉ ra rằng, sử dụng 400mg tỏi mỗi ngày trong khoảng 9 tuần đã cải thiện các biểu hiện của stress oxy hóa. Tuy nhiên, quá trình bổ sung này không có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả chung của thai kỳ.

3.2 Giảm nguy cơ sinh non tự nhiên
Mặc dù có một số nguyên nhân có thể gây ra sinh non nhưng hầu hết các trường hợp sinh non đều xảy ra một cách tự nhiên.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiêu thụ tỏi và trái cây sấy khô có thể giảm nguy cơ sinh non nhiên. Các nhà nghiên cứu cho biết điều này có thể liên quan đến tính chất kháng khuẩn và prebiotic của tỏi.
Thêm vào đó, một nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng chế độ ăn giàu rau cải, trái cây, hạt, ngũ cốc nguyên hạt, dầu thực vật và tỏi có thể giảm đáng kể tỷ lệ sinh non tự phát.
3.3 Giảm nguy cơ nhiễm trùng
Mang thai có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng. Một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng tỏi có thể giúp củng cố hệ miễn dịch. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nên tiêu thụ tỏi ở mức độ hợp lý trong khẩu phần ăn hàng ngày và nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ thực phẩm bổ sung nào.
Việc ăn tỏi có an toàn khi mang thai không phụ thuộc vào từng cá nhân và cách tỏi được tiêu thụ. Mặc dù tỏi có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, phụ nữ mang thai cần ăn một cách hợp lý và lắng nghe cơ thể mình. Nếu cảm thấy bất kỳ khó chịu nào sau khi ăn tỏi, hãy cân nhắc giảm lượng tiêu thụ và tham khảo ý kiến bác sĩ. Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh là điều quan trọng nhất để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.