I. Cơ sở triển khai Chương trình
Khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ mắc bệnh suy tim cao hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới (4.5–6.7% so với 0.5–2%) [1]. Tại các bệnh viện điều trị bệnh tim mạch ở Việt Nam, suy tim chiếm khoảng 15% tổng số lượt nhập viện, với tỷ lệ tái nhập viện trong vòng 30 ngày sau ra viện lên đến 7% [2].
Tại Việt Nam, việc quản lý bệnh nhân suy tim đang gặp nhiều thách thức do:
- Chưa có các chương trình sàng lọc bệnh suy tim.
- Chưa có chương trình theo dõi bệnh nhân suy tim sau ra viện.
- Dữ liệu kết quả điều trị suy tim, cũng như dữ liệu đánh giá mức độ tuân thủ theo các hướng dẫn điều trị trong nước và quốc tế còn hạn chế.
Trong bối cảnh đó, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City và Vinmec Central Park đã đi đầu trong việc thành lập Chương trình Quản lý bệnh Suy tim, áp dụng mô hình Đơn vị Thực hành Tích hợp (IPU) theo các tiêu chuẩn chất lượng của Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ (ACC) với mục tiêu cải thiện chất lượng điều trị suy tim một cách toàn diện.
II. MỤC TIÊU
Áp dụng tiêu chuẩn ACC để nâng cao chất lượng điều trị bệnh suy tim, Vinmec đã đặt ra các mục tiêu cải thiện cụ thể gồm:
- Giảm thời gian nằm viện trung bình xuống dưới 4 ngày.
- Không có bệnh nhân tái nhập viện trong vòng 30 ngày sau ra viện do suy tim.
- Giảm tỷ lệ các biến chứng liên quan đến suy giảm chức năng thận trong quá trình điều trị nội trú. Nâng cao hiệu quả điều trị - thể hiện thông qua các chỉ số chất lượng do người bệnh tự đánh giá (PROMs).
- Giảm chi phí nhập viện điều trị suy tim nội trú.
III. CHIẾN LƯỢC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
Giai đoạn 1: XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH (01/2022 – 03/2022)
- Thành lập đội ngũ đa chuyên khoa (IPU) phối hợp quản lý bệnh suy tim.
- Xây dựng các tài liệu chuyên môn theo hướng dẫn của ACC bao gồm các hướng dẫn xử trí và điều trị bệnh nhân suy tim cấp cứu và suy tim nội trú, các tài liệu đào tạo và bảng kiểm đánh giá tuân thủ.

Giai đoạn 2: TRIỂN KHAI VÀ ĐÁNH GIÁ (04/2022 – 10/2022)
- Đào tạo bác sĩ và điều dưỡng để chuẩn hóa kiến thức và thực hành theo quy trình quản lý suy tim chuẩn quốc tế.
- Xây dựng và cung cấp tài liệu giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân suy tim.
- Tổ chức các buổi tư vấn sức khỏe tim mạch miễn phí và sàng lọc nguy cơ bệnh tim mạch tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hàng quý.
Giai đoạn 3: ĐẠT CHỨNG NHẬN VÀ TIẾP TỤC DUY TRÌ CHƯƠNG TRÌNH (11/2022 – NAY)


IV. KẾT QUẢ
1. Thời gian nằm viện trung bình
Thời gian nằm viện trung bình tại Vinmec Times City (VMTC) và Vinmec Central Park (VMCP) đã giảm dần trong suốt quá trình triển khai dự án.

2. Tỷ lệ tái nhập viện do suy tim trong vòng 30 ngày sau ra viện (%):
Tỷ lệ đã giảm xuống 0% tại cả hai bệnh viện.

3. Tỷ lệ biến chứng liên quan đến suy giảm chức năng thận (%)
Tỷ lệ biến chứng liên quan đến suy giảm chức năng thận ở bệnh nhân suy tim đã giảm rõ rệt tại cả hai bệnh viện.

4. Tỷ lệ tử vong do suy tim trong vòng 30 ngày sau ra viện (%)
Việc triển khai các tiêu chuẩn ACC đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ tử vong trong vòng 30 ngày sau ra viện do suy tim tại VMCP. Trong khi đó, bệnh viện VMTC tiếp tục duy trì không có ca tử vong nào trong vòng 30 ngày sau ra viện.

5. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân suy tim theo bộ câu hỏi KCCQ (Kansas City Cardiomyopathy Questionnaire)
- Các điểm số về chất lượng cuộc sống của bệnh nhân suy tim đều được cải thiện sau 3 tháng điều trị.
- Cải thiện rõ rệt nhất là về triệu chứng, gồm giảm sưng chân, mệt mỏi và khó thở.

6. Hiệu quả về chi phí điều trị
Trong suốt giai đoạn triển khai Chương trình (năm 2022), chi phí điều trị suy tim nội trú trung bình đã giảm 30% so với mức chi phí được tính toán trong giai đoạn trước khi áp dụng tiêu chuẩn ACC (năm 2021).
V. KẾT LUẬN
Chương trình Quản lý Suy Tim của Hệ thống Y tế Vinmec theo bộ tiêu chuẩn của Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ (ACC) đã giúp nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân suy tim. Hiệu quả chương trình được thể hiện qua các kết quả sau:
- Giảm thời gian nằm viện trung bình xuống dưới 4 ngày.
- Giảm tỷ lệ tái nhập viện trong vòng 30 ngày sau ra viện do suy tim xuống 0%.
- Giảm tỷ lệ suy giảm chức năng thận.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân suy tim.
- Giảm chi phí điều trị.
Những kết quả trên đã giúp Vinmec Times City và Vinmec Central Park trở thành hai bệnh viện đầu tiên tại Châu Á đạt chứng nhận ACC về Quản lý bệnh Suy Tim, tạo tiền đề để tới tháng 11 năm 2022, Trung tâm Tim mạch của hai bệnh viện đã chính thức được công nhận là Trung tâm Tim mạch Xuất sắc đầu tiên tại Châu Á.
Chúng tôi tin rằng, với những kết quả hứa hẹn trên, các bệnh viện tại Việt Nam có thể cùng học hỏi và áp dụng tiêu chuẩn ACC để nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị, đặc biệt cho nhóm bệnh nhân suy tim và rộng hơn là nhóm bệnh nhân tim mạch nói chung.
