Bộ gen của ung thư tuyến tiền liệt di căn đóng vai trò quan trọng trong quá trình ung thư di căn đến các bộ phận khác. Bộ gen cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sống sót và phát triển của các tế bào ung thư di căn, giúp kháng lại các phương pháp điều trị. Hiểu rõ cơ chế di căn ở cấp độ gen giúp ngăn chặn sự di căn của ung thư tuyến tiền liệt hiệu quả.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
1. Các gen ảnh hưởng đến khả năng phát triển ung thư
Khi ung thư tuyến tiền liệt còn khu trú và chưa di căn, phương pháp điều trị như phẫu thuật hoặc xạ trị thường mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, nếu tế bào ung thư di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể, tiên lượng sẽ trở nên kém khả quan hơn. Việc tìm kiếm các liệu pháp tiên tiến hơn dành cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt di căn là điều cấp thiết. Năm 2018, các nhà nghiên cứu đã có bước tiến quan trọng khi giải trình tự toàn bộ bộ gen của ung thư tuyến tiền liệt di căn.

Dữ liệu bộ gen thu thập được không chỉ tập trung vào các gen mã hóa protein mà còn bao gồm những đoạn DNA nằm xen kẽ, có thể có chức năng quan trọng. Phần lớn các đột biến gen được xác định là biến đổi cấu trúc, bao gồm sự sắp xếp lại, nhân đôi hoặc mất đoạn của trình tự DNA.
Một phát hiện đáng chú ý liên quan đến thụ thể androgen là mục tiêu của các thuốc nội tiết tố thường dùng khi bệnh tái phát sau điều trị ban đầu. Các kết quả cho thấy thụ thể này có xu hướng bị khuếch đại về mặt di truyền, làm giảm hiệu quả của liệu pháp nội tiết tố và có thể giải thích hiện tượng kháng trị ở nhiều bệnh nhân. Khi thụ thể androgen bị kích hoạt quá mức, các thuốc nội tiết không thể ức chế hoàn toàn hoạt động của thụ thể này.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng ghi nhận nhiều dạng đột biến khác. Điển hình là sự suy giảm chức năng của các gen sửa chữa DNA như BRCA2 và MMR. Những gen này đóng vai trò sửa chữa tổn thương DNA và khi các gen bị rối loạn, nguy cơ ung thư phát triển càng cao.

Các gen sinh ung thư như MYC xuất hiện với tần suất lớn, trong khi những gen có vai trò ức chế khối u, chẳng hạn như TP53 và CDK12, thường bị mất chức năng, làm tăng nguy cơ hình thành ung thư.
Dữ liệu từ hơn 100 mẫu bệnh phẩm đã giúp các nhà khoa học mở rộng hiểu biết về các thay đổi di truyền liên quan đến ung thư này. Nhờ đó, các nhà khoa học có thể đề xuất các giả thuyết mới để kiểm chứng, đồng thời hướng đến việc tối ưu hóa các chiến lược điều trị cá nhân hóa nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho những người mắc căn bệnh nguy hiểm này.
2. Nghiên cứu về bộ gen của ung thư tuyến tiền liệt di căn
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell vào ngày 19/7/2018, các nhà khoa học tại Đại học California, San Francisco (UCSF) đã phát hiện những biến đổi cấu trúc đáng kể trong bộ gen ung thư tuyến tiền liệt di căn. Hơn 80% bệnh nhân trong nghiên cứu xuất hiện các bản sao dư thừa của thụ thể androgen.
Vì hormone sinh dục nam đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển khối u, liệu pháp hormone thường được sử dụng khi bệnh ở giai đoạn tiến triển hoặc di căn. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân phát triển tình trạng kháng trị, dẫn đến giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt di căn kháng trị.
Trước đây, các nghiên cứu về bộ gen của ung thư tuyến tiền liệt chủ yếu tập trung vào giai đoạn bệnh còn khu trú hoặc chỉ phân tích exome - tức 1,5% bộ gen mã hóa protein.
Trái lại, nghiên cứu mới do nhóm chuyên gia gồm Tiến sĩ David Quigley (UCSF), Tiến sĩ Ha X. Dang (Đại học Washington, St. Louis) và Tiến sĩ Shuang G. Zhao (Đại học Michigan) đứng đầu đã tiến hành giải mã toàn bộ bộ gen, bao gồm cả các vùng điều hòa quan trọng nằm ngoài các gen mã hóa.
Khoảng 5 năm trước, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu áp dụng phương pháp này để lập bản đồ bộ gen từ các mẫu sinh thiết của 300 bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt di căn kháng trị, tạo ra một kho dữ liệu sinh học phong phú.
Ngoài việc phát hiện các bản sao dư thừa của thụ thể androgen, nghiên cứu cũng xác định các biến đổi cấu trúc bộ gen kích hoạt oncogen như MYC, đồng thời làm suy giảm chức năng của các gen ức chế khối u quan trọng như TP53 và CDK12. Hơn nữa, các gen liên quan đến sửa chữa DNA như BRCA1 và BRCA2, trước đây chỉ được biết đến qua các nghiên cứu exome, cũng bị tổn thương nghiêm trọng do những thay đổi cấu trúc này.
Theo Tiến sĩ Feng, nghiên cứu về bộ gen của ung thư tuyến tiền liệt di căn góp phần thúc đẩy xu hướng cá nhân hóa liệu pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Ông cho biết thêm rằng những đột biến CDK12 có thể khiến ung thư tuyến tiền liệt nhạy cảm với liệu pháp miễn dịch sử dụng chất ức chế điểm kiểm soát, trong khi các bệnh nhân mang đột biến BRCA có thể hưởng lợi từ liệu pháp ức chế PARP.

Những khám phá từ nghiên cứu này không chỉ giúp mở rộng hiểu biết về bản chất sinh học của ung thư tuyến tiền liệt mà còn đặt nền móng cho các chiến lược điều trị mới, nhằm cải thiện tiên lượng và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.