Các cách trị đầy bụng khó tiêu tại nhà

Mục lục

Có nhiều mẹo chữa đầy bụng khó tiêu tại nhà, nhưng trong số này, cách hiệu quả nhất là điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày, nhất là chế độ ăn uống. Tuy vậy, bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đầy đủ các phương pháp giúp giảm đầy bụng, khó tiêu tại nhà khi cần thiết.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Đầy bụng khó tiêu là gì?

Đầy bụng, khó tiêu là tình trạng phổ biến do thói quen ăn uống không khoa học hoặc do mắc các bệnh lý như hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, sỏi mật, sỏi thận,...  

Các triệu chứng khác kèm theo như đau bụng âm ỉ, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn ói, cảm giác ậm ạch, khó chịu trong bụng. Việc xác định nguyên nhân là chìa khóa để điều trị hiệu quả.

2. Nguyên nhân gây đầy bụng khó tiêu

Đầy bụng khó tiêu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Cơ thể nạp quá nhiều chất đạm, bột, đường, dầu mỡ khiến dạ dày không thể tiêu hóa hết, dẫn đến thức ăn tồn đọng trong ống tiêu hóa.
  • Thói quen ăn nhiều đồ cay nóng, uống nhiều rượu bia, cà phê, các chất kích thích, nhai không kỹ hoặc nằm ngay sau khi ăn cũng khiến đường ruột không thể tiêu hóa hết thức ăn, gây đầy hơi chứng bụng.
  • Đầy bụng khó tiêu còn có thể do rối loạn tiêu hóa, chướng bụng, phù nề, cổ trướng ở những người mắc bệnh gan, mất nước, táo bón hoặc dị ứng thực phẩm.
  • Sự phát triển quá mức của một số chủng vi khuẩn ở ruột non.
  • Các bệnh đường tiêu hóa như viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày, nhiễm trùng, tắc ruột, ung thư đại tràng... cũng có thể gây ra đầy bụng khó tiêu.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau có thể làm giảm lợi khuẩn trong ruột, mặt khác, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển, dẫn đến đầy hơi chứng bụng.

3. Biểu hiện đầy bụng khó tiêu

Triệu chứng đầy bụng khó tiêu có thể xuất hiện tùy theo từng cá nhân với tần suất khác nhau, có thể xảy ra thường xuyên hoặc từng đợt kéo dài vài ngày. Nguyên nhân là do dạ dày giảm khả năng co bóp trong cả hai giai đoạn tiêu hóa thức ăn lỏng và đặc, đưa thức ăn xuống ruột chậm hơn.

Sau khi ăn hoặc trong bữa ăn, người bệnh thường cảm thấy nóng rát vùng thượng vị, đặc biệt là khi uống rượu, ăn thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, sữa hoặc các đồ ăn cay nóng chứa gia vị kích thích dạ dày như ớt và hạt tiêu.

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cảm thấy đau quặn bụng từng cơn. Thường sau khi ăn, người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu, đầy bụng vùng thượng vị, kèm theo cảm giác tức bụng ở phần trên, giống như bụng chứa đầy nước và đầy hơi.

4. Mẹo chữa đầy bụng khó tiêu tại nhà

4.1 Chườm ấm

Khi ăn nhiều thức ăn dầu mỡ hoặc bị viêm dạ dày, người bệnh có thể chườm ấm bằng cách sử dụng một chiếc khăn ấm đặt lên vùng bụng xung quanh rốn và xoa nhẹ. Túi chườm nhiệt cũng có tác dụng tương tự, nhưng cần lưu ý không để nước nóng tiếp xúc trực tiếp với da để tránh trường hợp bị bỏng.

Nếu bị táo bón, người bệnh thường cảm thấy đau bụng, đầy bụng, và chướng hơi. Sử dụng khăn ấm hoặc túi chườm nhiệt xoa quanh vùng bụng không chỉ giúp giảm triệu chứng táo bón mà còn giúp mát xa và điều hòa nhu động ruột. Nếu không có túi chườm nhiệt, tắm nước ấm pha muối cũng là một mẹo chữa đầy bụng khó tiêu tại nhà hiệu quả.

4.2 Uống baking soda

Baking soda có thể giúp giảm đầy bụng và khó tiêu nhờ thành phần natri hidrocacbonat, một hoạt chất có khả năng trung hòa axit dạ dày và làm giảm triệu chứng ợ nóng trong một khoảng thời gian. 

Baking soda là mẹo chữa đầy bụng khó tiêu tại nhà an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Baking soda là mẹo chữa đầy bụng khó tiêu tại nhà an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Cách sử dụng: Hòa tan 1/4 muỗng cà phê baking soda trong một cốc nước ấm và uống.

Lưu ý: Sau khi uống baking soda 2 tiếng, không nên uống bất kỳ loại thuốc nào khác.

4.3 Kê cao gối khi nằm

Trong một số trường hợp, nằm cao đầu hoặc kê gối cao có thể giúp giảm triệu chứng đầy bụng, khó tiêu và trào ngược dạ dày thực quản.

Đối với những người có thói quen không dùng gối khi nằm, cổ họng và dạ dày sẽ nằm trên một đường thẳng, làm axit từ dạ dày dễ dàng trào ngược lên, gây ra ợ nóng. Vì vậy, một trong những mẹo chữa đầy bụng khó tiêu tại nhà không tốn kém là người bệnh nên kê cao gối khi nằm ngủ.

4.4 Thay đổi thói quen ăn uống theo chế độ BRAT

Nguyên tắc của chế độ ăn uống này là tập trung vào các thực phẩm thanh đạm và dễ tiêu hóa như chuối, cơm, sốt táo và bánh mì nướng.

Người bệnh nên bắt đầu từ từ với lượng nhỏ, kết hợp uống nhiều nước. Sau đó, bệnh nhân có thể thay thế bằng nước hầm gà hoặc nước ép táo để bổ sung dinh dưỡng. Một số thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa như khoai tây luộc, bột yến mạch, trà thảo dược có thể được thêm vào thực đơn hàng ngày để hỗ trợ phục hồi.

4.5 Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ

Chế độ ăn giàu chất xơ giúp cải thiện tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Chất xơ giúp ruột hấp thụ nước nhiều hơn, làm mềm phân và dễ dàng đào thải. Chất xơ hòa tan, có trong vỏ trái cây, rau củ, táo, yến mạch, và đậu, hỗ trợ tăng cường lợi khuẩn đường ruột.

Các nguồn thực phẩm cung cấp chất xơ tuyệt vời nhất bao gồm trái cây, rau củ, bánh mì ngũ cốc và ngũ cốc nguyên hạt.

4.6 Bổ sung men vi sinh (lợi khuẩn)

Trong đường ruột của con người tồn tại hàng tỷ lợi khuẩn hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như ngộ độc thực phẩm hoặc mắc bệnh trong thời gian dài, số lượng lợi khuẩn này có thể bị suy giảm đáng kể, gây khó tiêu hóa.  

Việc bổ sung men vi sinh là mẹo chữa đầy bụng khó tiêu tại nhà tiết kiệm, an toàn và có thể cải thiện khả năng tiêu hóa thức ăn hiệu quả. Một số thực phẩm chứa lợi khuẩn cho đường tiêu hóa nhờ vào quá trình lên men bao gồm sữa chua và các món ăn lên men như kim chi.

Chế độ ăn giàu men vi sinh không chỉ hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn mà còn giúp giảm các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy và táo bón.

4.7 Dùng các sản phẩm trà thảo mộc từ tiểu hồi hương (thì là) bạc hà, gừng và hoa cúc

Bạc hà với tinh dầu trong lá có tác dụng giảm đau tự nhiên, từ đó làm dịu cơn buồn nôn hiệu quả. Tiểu hồi hương lại kích thích tuyến mật, hỗ trợ tiêu hóa. Gừng thúc đẩy quá trình sản sinh nước bọt, giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru. Cuối cùng, hoa cúc có tác dụng thư giãn cơ bắp bị căng cứng.

Do đó, một trong những mẹo chữa đầy bụng khó tiêu tại nhà là người bệnh nên kết hợp sử dụng cả bốn loại thảo dược này.

4.8 Uống thức uống trị đầy bụng khó tiêu

Gồm các loại nước như nước lọc, trà gừng, trà thảo mộc, nước atiso, nước ép dứa thơm, giấm táo, trà chanh mật ong và nước gừng.

Nước lọc là thức uống thiết yếu cho cơ thể và hệ tiêu hóa, giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn hiệu quả. Chanh và gừng với công dụng lọc ruột, giải độc và kháng viêm, thích hợp để sử dụng khi bị đầy bụng khó tiêu. Các loại trà thảo mộc như atiso cũng có tác dụng hỗ trợ giảm tích tụ khí trong bụng cho người bệnh.

Tuy nhiên, người bệnh cần uống từng ngụm nhỏ và phân chia lượng uống trong ngày, tránh uống quá nhiều một lần để tránh bị đầy bụng và căng tức.

4.9 Massage bụng

  • Dùng lòng bàn tay xoa nhẹ nhàng vùng bụng theo chiều kim đồng hồ, bắt đầu từ sườn phải, di chuyển sang trái, xuống dưới, rồi sang phải trước khi quay về điểm xuất phát cho đến khi ợ hơi.
  • Để tăng hiệu quả, người bệnh có thể thoa thêm một ít dầu nóng lên bụng khi massage.

4.10 Tập yoga

Các động tác yoga có thể là một trong các mẹo chữa đầy bụng khó tiêu tại nhà, một số tư thế dễ thực hiện như sau:

  • Tư thế cánh cung: Bắt đầu nằm sấp trên thảm yoga, duỗi thẳng tay và chân. Gập đầu gối và từ từ nâng phần thân lên trên, dùng tay giữ chặt mắt cá chân tạo thành hình cánh cung. Thở sâu trong khoảng 5 lần rồi bắt đầu thả lỏng cơ thể. Lặp lại động tác này 10 lần.
  • Tư thế thả khí: Nằm ngửa trên thảm yoga, co 2 đầu gối qua trái và sau đó qua phải một cách nhẹ nhàng. Trở về tư thế ban đầu, nghỉ một vài giây trước khi lặp lại động tác này một vài lần nữa.

5. Lưu ý khi chữa đầy bụng khó tiêu tại nhà

  • Tuân thủ chế độ rèn luyện thể dục hàng ngày sẽ kích thích nhu động ruột, giúp đào thải chất thải ra ngoài dễ dàng hơn, từ đó ngăn ngừa và cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả.
  • Ngâm mình trong nước ấm 30 phút mỗi ngày giúp giảm đau, căng thẳng và cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa.
  • Tránh xa nước ngọt và soda để hạn chế tích tụ khí trong dạ dày, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa.
  • Hạn chế nhai kẹo cao su để giảm thiểu lượng khí đưa vào dạ dày.
  • Ăn chậm nhai kỹ, tránh ăn quá no, hạn chế nói chuyện, xem tivi hoặc điện thoại trong lúc ăn.
  • Giảm muối trong khẩu phần ăn giúp giảm tích nước, cải thiện chướng bụng đầy hơi.
  • Tránh ăn quá nhiều thực phẩm ngọt như bánh kẹo, hoa quả chín quá, sữa và các chế phẩm từ sữa.
  • Duy trì lối sống lành mạnh với tinh thần thoải mái, làm việc điều độ, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi đúng lúc và tránh thức khuya.

6. Khi nào cần khám bác sĩ?

Mặc dù đầy hơi khó tiêu là một tình trạng phổ biến, nhưng trong một số trường hợp, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý tiềm ẩn. Do đó, nếu bị đầy hơi khó tiêu kèm theo các triệu chứng sau, ngoài tham khảo các mẹo chữa đầy bụng khó tiêu tại nhà, người bệnh nên đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:

  • Mất cảm giác ngon miệng và thay đổi sở thích ăn uống.
  • Đi ngoài nhiều lần trong ngày.
  • Phân lẫn máu hoặc chất nhầy.
  • Táo bón kéo dài.
  • Thường xuyên nôn ói.
  • Sụt cân đột ngột.
  • Sốt cao.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Phân đen, không thành khuôn hoặc dễ nát.

Hy vọng thông tin trên cung cấp các mẹo chữa đầy bụng khó tiêu tại nhà hiệu quả. Người bệnh cần duy trì một chế độ ăn uống cân đối và khoa học để giảm thiểu các vấn đề về tiêu hóa.

Đồng thời, nếu tình trạng đầy bụng khó tiêu kéo dài và đi kèm với những biểu hiện khác, người bệnh cần đến bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán kịp thời về các vấn đề sức khỏe đường tiêu hóa. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ