Các loại viêm khớp dạng thấp là một vấn đề sức khỏe phổ biến mà nhiều người gặp phải, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống. Viêm khớp dạng thấp không chỉ gây đau nhức, cứng khớp mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Các loại viêm khớp dạng thấp thường gặp
Có hai loại viêm khớp dạng thấp: viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính và viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính. Tuỳ vào tình trạng bệnh nhân, phương pháp điều trị sẽ khác nhau.
1.1 Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính
Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính là tình trạng bệnh phổ biến, chiếm từ 60 đến 80% số người mắc viêm khớp dạng thấp.

Khi mắc bệnh này, máu của người bệnh sẽ có các kháng thể gọi là Anti-CCP. Những kháng thể này có thể tấn công các mô trong cơ thể, gây ra viêm khớp.
Trong quá trình xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ kiểm tra nồng độ Anti-CCP để xác định tình trạng bệnh. Tuy nhiên, việc có kháng thể này không có nghĩa là người bệnh chắc chắn mắc viêm khớp dạng thấp, vì vậy bác sĩ sẽ xem xét cẩn thận trước khi đưa ra kết luận cho bệnh nhân.
1.2 Viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính
Viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính là một tình trạng mà cơ thể không có kháng thể Anti-CCP hoặc các yếu tố gây viêm khớp trong máu. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp và xét nghiệm cho thấy kết quả Anti-CCP âm tính. Loại viêm khớp này khá hiếm gặp và thường khó điều trị hơn so với viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính.
2. Điểm giống và khác nhau giữa 2 loại viêm khớp
Các triệu chứng của cả hai loại viêm khớp dạng thấp (huyết thanh dương tính và huyết thanh âm tính) thường giống nhau, bao gồm:
- Đau khớp.
- Cứng khớp.
- Cơ thể bị cứng vào buổi sáng, từ 30 phút trở lên.
- Viêm ở một số bộ phận khác ngoài khớp.
- Mệt mỏi kéo dài.
Tuy nhiên, người mắc viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính thường cảm thấy đau nhiều hơn và có thể gặp thêm các triệu chứng như nổi sần, viêm mạch máu và các vấn đề về phổi.

Trong khi đó, viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính có thể đi kèm với các bệnh khác, ví dụ như viêm khớp vảy nến - một tình trạng mãn tính gây ra vảy trên da và các vấn đề về khớp.
3. Các phương án điều trị bệnh
Các loại viêm khớp dạng thấp đều được điều trị bằng những phương pháp tương tự nhau. Các bác sĩ có thể đề xuất nhiều phương pháp điều trị, bao gồm:
- Thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen hay naproxen.
- Một số loại thuốc corticosteroid như prednisone.
- Thuốc chống thấp khớp như methotrexate hay leflunomide.
Ngoài ra, các bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc chống thấp khớp sinh học. Có một số bằng chứng khoa học cho thấy, người mắc viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính không hấp thụ được rituximab.

Tuy nhiên, các loại thuốc này không chữa khỏi viêm khớp dạng thấp hoàn toàn mà chỉ có tác dụng giảm triệu chứng hoặc làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Các bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện các biện pháp đi kèm như vật lý trị liệu, tập thể dục, chườm nóng hoặc chườm lạnh.
Viêm khớp dạng thấp là một tình trạng bệnh lý phức tạp, có nhiều loại và triệu chứng khác nhau. Hiểu rõ về các loại viêm khớp dạng thấp phổ biến như viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính và huyết thanh âm tính giúp bệnh nhân nhận diện cũng như quản lý tình trạng hiệu quả hơn. Mặc dù chưa có phương pháp chữa trị triệt để nhưng việc áp dụng các biện pháp điều trị đúng cách cùng thực hiện lối sống lành mạnh có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống. Nếu nghi ngờ mình có các triệu chứng liên quan đến viêm khớp dạng thấp, hãy thảo luận với bác sĩ để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.