Cách giảm căng cơ hiệu quả có thể áp dụng nhiều trường hợp

Mục lục

Cách giảm căng cơ tại nhà hoặc khi đang tập luyện thể thao khá giống nhau, vì trong hầu hết các trường hợp, người bị đau phải nằm nghỉ, sau đó có thể tiến hành chườm đá và những chăm sóc cụ thể hơn giúp giảm bớt cơn đau. Hãy cùng tìm hiểu về các phương pháp giảm đau, cách giảm căng cơ trong bài viết dưới đây!

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Những nguyên nhân dẫn đến căng cơ

Tình trạng căng cơ khá phổ biến với những vận động viên chuyên nghiệp và những người thường tập thể dục cường độ cao, khiến cơ bắp căng giãn quá mức và dẫn đến những cơn đau khó chịu. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến căng cơ như:

  • Không khởi động kỹ trước khi tập thể dục hoặc vận động.
  • Bị té ngã bất ngờ.
  • Liên tục lặp đi lặp lại động tác tập luyện ở một vị trí cố định.
  • Ngồi, nằm sai tư thế.
  • Thường phải mang vác vật nặng.
  • Thi đấu hoặc tập luyện sai động tác khiến vùng cơ ở những vị trí cổ, vai, gáy hoặc thắt lưng bị căng cứng.
  • Cơ bắp mất tính dẻo dai và linh hoạt.
  • Tâm trạng căng thẳng khiến đường truyền tín hiệu của xung thần kinh từ não bộ tới cơ bắp bị rối loạn, giảm lưu thông máu dẫn đến cứng cơ.
Tình trạng căng cơ có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể và với bất kỳ ai.
Tình trạng căng cơ có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể và với bất kỳ ai.

Tình trạng căng cơ có thể xảy ra với bất kỳ ai, từ những vận động viên thể thao, người lao động bình thường cho đến những hoạt động sinh hoạt hàng ngày, vì vậy điều quan trọng là phải nắm được những cách giảm căng cơ hiệu quả để áp dụng bất kỳ lúc nào.

2. Các triệu chứng của tình trạng căng cơ

Căng cơ có thể xảy ra với những vận động viên thể thao, những người lao động và sinh hoạt hàng ngày, nếu không xử lý kịp thời căng cơ có nguy cơ dẫn đến rách cơ hoặc đứt gân.  

Tình trạng căng cơ có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, với các triệu chứng thường gặp như:

  • Bị bầm tím, sưng tấy và đau nhức ở vị trí căng cơ.
  • Khó khăn trong chuyển động nếu bị căng cơ nhẹ.
  • Có cảm giác gân cơ bị yếu đi.
  • Những trường hợp bị căng cơ nặng có thể xuất hiện cơn đau nghiêm trọng, mất khả năng vận động. Lúc này, người bị chấn thương cần đến sự can thiệp y tế để được đưa tới bệnh viện điều trị tốt hơn. 
Căng cơ nhẹ thường khiến người bị thương khó đi lại trong thời gian nhất định.
Căng cơ nhẹ thường khiến người bị thương khó đi lại trong thời gian nhất định.

3. Những cách giảm căng cơ hiệu quả và những điều không nên làm

Khi bị căng cơ, việc đầu tiên cần làm là phải nằm nghỉ để thư giãn cơ bắp, sau đó nâng vùng bị căng lên cao, tiến hành băng ép nhưng không quá chặt để tránh ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu. Mọi người có thể dùng khăn sạch bọc đá lạnh rồi chườm lên phần cơ bị căng trong khoảng 15 phút.  

Sau khi qua cơn căng cơ cấp tính, người bị chấn thương nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và kê đơn các loại thuốc khác nhau tùy vào nguyên nhân. Một số loại thuốc có thể được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh được dùng trong trường hợp căng cơ do nhiễm trùng.
  • Sử dụng thuốc giãn cơ là một trong những cách giảm căng cơ, giúp giảm tình trạng co cứng khớp, tăng cường chức năng vận động.  
  • Thuốc Corticoid có tác dụng giảm sưng viêm.  

Ngoài ra, các trường hợp căng cơ nghiêm trọng thì cần tiến hành phẫu thuật. 

Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ cũng là một cách giảm căng cơ.
Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ cũng là một cách giảm căng cơ.

Một cách giảm căng cơ khá hiệu quả khác là tránh vận động mạnh sau khi bị chấn thương, lúc này phần bắp cơ bị căng phải có thời gian phục hồi và nghỉ ngơi. Nếu cố gắng vận động hoặc tiếp tục tập luyện cường độ cao sau khi vừa hết căng cơ, mọi người rất có khả năng bị tái phát căng cơ và tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, mọi người không được chườm nóng vào vị trí bị căng cứng vì sẽ khiến cơ mất khả năng đàn hồi, yếu đi và tăng nguy cơ biến chứng. Đồng thời, người bị chấn thương cũng cần lưu ý không xoa bóp cơ bằng dầu hay rượu.

4. Những biện pháp phòng ngừa căng cơ

Ngoài việc nắm được những cách giảm căng cơ hiệu quả, việc phòng ngừa nguy cơ dẫn đến tình trạng này cũng rất quan trọng. Những biện pháp phòng ngừa căng cơ mọi người cần lưu ý bao gồm:

  • Thường xuyên tập luyện và vận động mỗi ngày sẽ giúp giãn cơ, hạn chế nguy cơ bị căng cơ.
  • Đảm bảo khởi động thật kỹ trước khi bước vào các buổi tập luyện cũng như hoạt động thi đấu thể thao.
  • Không đứng, ngồi hoặc nằm quá lâu ở một tư thế. Điều này rất dễ xảy ra với nhân viên văn phòng khi phải ngồi làm việc gần như cả ngày. Thỉnh thoảng nên vươn mình hoặc đứng lên đi làm gì đó để thư giãn gân cốt.
  • Uống đủ nước mỗi ngày để không ứ đọng Axit Lactic, giúp giảm thiểu nguy cơ bị căng mỏi, nóng rát cơ.
  • Xây dựng một chế độ làm việc, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, cho phép cơ xương khớp có thời gian phục hồi.
  • Đảm bảo điều chỉnh tư thế thích hợp khi mang vác vật nặng, đồng thời chỉ nên mang đồ có tải trọng phù hợp để không gặp phải chấn thương ngoài ý muốn.
  • Bên cạnh kế hoạch sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi thích hợp, mọi người cũng cần đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, giúp cân bằng những khoáng chất và vitamin thiết yếu cho sức khỏe cơ xương khớp. 
Tích cực vận động để phòng ngừa nguy cơ bị căng cơ.
Tích cực vận động để phòng ngừa nguy cơ bị căng cơ.

Có thể nói, căng cơ là một tình trạng rất phổ biến và bất kỳ ai cũng có khả năng gặp phải. Do đó việc biết được những cách giảm căng cơ hiệu quả rất quan trọng, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng, ảnh hưởng đến khả năng vận động và sinh hoạt hàng ngày.

Hầu hết những cơn căng cơ cấp tính đều có thể được khắc phục nhanh chóng, nhưng những trường hợp nặng nên đến bệnh viện hoặc trạm y tế gần nhất để nhận được sự hỗ trợ và chăm sóc điều trị thích hợp. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ