Căng cơ đùi có thể coi là một trong những chấn thương rất hay gặp, đặc biệt là ở những người bệnh thường xuyên chơi thể thao. Khi căng cơ ở đùi, bệnh nhân có thể gặp cảm giác đau đớn, khó chịu và khả năng vận động của bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng, từ đó trực tiếp làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Căng cơ đùi là như thế nào?
Cơ đùi gồm ba nhóm chính:
- Cơ tứ đầu đùi (Quadriceps): Mặt trước đùi, giúp duỗi gối.
- Cơ gân kheo (Hamstring): Mặt sau đùi, giúp gập gối.
- Cơ khép đùi (Adductors): Mặt trong đùi, giúp khép chân.
Căng cơ đùi là tình trạng các sợi cơ bị kéo giãn quá mức, gây tổn thương từ nhẹ đến nặng, có thể dẫn đến rách cơ một phần hoặc toàn bộ.
Chấn thương này thường xảy ra khi người bệnh hoạt động quá mức hoặc sai tư thế, đặc biệt trong các môn thể thao như bóng đá, chạy bộ, bóng rổ. Các động tác co duỗi chân đột ngột hoặc kéo dài khi đá bóng, bật nhảy, leo cầu thang cũng có thể làm cơ đùi bị căng.
Triệu chứng phổ biến của căng cơ đùi bao gồm đau nhức đột ngột tại vùng tổn thương, sưng, bầm tím kèm theo khó khăn khi đi lại, gập duỗi chân hoặc vận động mạnh. Nếu bị căng cơ đùi, người bệnh cần nghỉ ngơi, chườm lạnh và tập giãn cơ nhẹ nhàng để giúp phục hồi nhanh chóng, ngăn ngừa chấn thương tái phát.

2. Nguyên nhân nào gây ra căng cơ đùi?
Căng cơ đùi có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ vận động quá mức đến các vấn đề sức khỏe. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:
2.1 Quá lạm dụng cơ đùi
Những người chơi thể thao như nhảy xa, nhảy cao, chạy nước rút, bóng đá thường dễ bị căng cơ đùi do lặp lại các động tác co duỗi mạnh. Khi cơ đùi phải hoạt động quá mức mà không có thời gian hồi phục, các sợi cơ bị mỏi và căng giãn liên tục, làm tăng nguy cơ chấn thương.
2.2 Thực hiện những chuyển động quá đột ngột
Căng cơ đùi có thể xảy ra do bệnh nhân thực hiện một số chuyển động đột ngột. Những chuyển động này khiến cơ bị kéo giãn quá mức, có thể dẫn đến rách sợi cơ, sưng, bầm tím và đau nhức dữ dội.
2.3 Các bệnh lý
Một số bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ căng cơ đùi, bao gồm:
- Thiếu hụt khoáng chất (magie, kali, canxi) gây mất cân bằng co cơ.
- Viêm gân, viêm cơ, thoái hóa cột sống làm suy yếu khả năng kiểm soát vận động của cơ đùi.
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên gây rối loạn trương lực cơ, dẫn đến chuột rút hoặc căng cơ không kiểm soát.
2.4 Căng thẳng
Căng thẳng hay stress cũng có khả năng gây căng cơ đùi. Lúc này, hệ thần kinh liên tục kích thích cơ bắp, khiến các sợi cơ co thắt không tự chủ, ngay cả khi không vận động. Nếu tình trạng này kéo dài, cơ đùi có thể bị co cứng quá mức, dễ dẫn đến căng cơ.

2.5 Mất nước gây căng cơ đùi
Mất nước là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng căng cơ nói chung. Nước giữ một vai trò lớn trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, cùng với đó là đảm bảo khả năng hoạt động của các nhóm cơ. Vì thế, mất nước cũng có khả năng khiến người bệnh bị căng cơ đùi.
3. Triệu chứng có thể gặp
Một số dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng này có thể kể đến gồm:
- Bầm tím và sưng tấy kéo dài ở đùi, thậm chí có thể lan xuống bắp chân hoặc mắt cá chân.
- Khu vực bị tổn thương có cảm giác mềm khi chạm vào.
- Các cơn đau xuất hiện đột ngột và dữ dội, có thể kéo dài trong vài ngày.
- Giảm khả năng chuyển động và yếu cơ.
4. Điều trị và phòng ngừa căng cơ đùi
Để điều trị tình trạng này, bệnh nhân có thể áp dụng một số cách sau:
- Xoa bóp nhẹ nhàng để thư giãn các cơ, cải thiện cơn đau của mình.
- Dùng băng mềm, gạc hoặc đeo băng hỗ trợ đùi nhằm ép phần đùi bị căng cơ.
- Nâng cao chân bị căng cơ cao hơn so với tim.
- Không cố gắng đi lại và tập luyện, thay vào đó dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi.
- Chườm đá ở vùng bị căng cơ.
- Dùng các loại thuốc giảm đau được kê đơn bởi bác sĩ.
- Thực hiện một số bài tập vật lý trị liệu. Sau đó, bệnh nhân có thể tăng cường tập luyện khi chân bớt đau và sưng để nhanh chóng hoạt động trở lại như bình thường.
- Nếu bị rách cơ hoàn toàn, phẫu thuật có thể cần thiết, đặc biệt là khi tổn thương nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chức năng vận động.

Bên cạnh điều trị, bệnh nhân cũng nên thực hiện một số biện pháp để phòng tránh căng cơ đùi và hạn chế các tổn thương khác có thể xảy ra. Một số biện pháp mà người bệnh có thể thực hiện gồm:
- Tập thể dục thường xuyên để điều hòa và phát triển cơ bắp, hạn chế tổn thương.
- Phải luôn khởi động kỹ trước khi tập luyện bằng các động tác thích hợp.
- Giãn cơ sau khi tập là cần thiết.
- Cố gắng hấp thụ đủ nước để cơ bắp hoạt động bình thường.
- Có chế độ ăn cân bằng và đầy đủ chất dinh dưỡng để nuôi nấng cơ bắp, qua đó gián tiếp tránh chấn thương.
- Khi đã bị chấn thương trước đó, hãy dành thời gian để cơ bắp được lành lặn hoàn toàn trước khi quay trở lại chơi thể thao hoặc tập luyện.

Tóm lại, có thể thấy căng cơ đùi là một trong những tình trạng chấn thương dễ gặp phải. Tình trạng này cũng gây ra nhiều sự đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân, cũng như ảnh hưởng tới khả năng sinh hoạt của người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.