Căng cơ háng phải làm sao để giảm đau và phục hồi nhanh chóng là câu hỏi được nhiều người quan tâm, đặc biệt là những ai thường xuyên vận động mạnh hoặc chơi thể thao. Căng cơ háng có thể gây đau đớn và cản trở khả năng di chuyển, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan
Háng là khu vực nằm giữa chân và bụng và có nhiều loại cơ khác nhau tại đây. Các cơ như cơ khép ngắn, cơ khép dài, cơ khép lớn, cơ lược và cơ thon kết hợp với nhau để giúp thân dưới chuyển động mượt mà. Những cơ này đóng vai trò quan trọng trong việc di chuyển chân và hỗ trợ các hoạt động như đi lại, chạy, và thay đổi tư thế.

Khi căng cơ háng xảy ra, người bệnh sẽ bị ảnh hưởng đến khả năng vận động và sinh hoạt. Căng cơ háng cũng có thể tạo ra các vết rách ở cơ mặt trong của đùi. Đặc biệt, tình trạng này khá phổ biến ở các vận động viên vì tính chất vận động nhiều sẽ gia tăng nguy cơ bị căng cơ háng.
Nhìn chung, tình trạng căng cơ háng sẽ cần rất nhiều thời gian để bình phục. Căng cơ háng được chia thành các cấp độ như sau:
- Căng cơ háng nhẹ: Đối với trường hợp nhẹ, chỉ có một vài sợi cơ bị rách. Dù vậy, người bệnh vẫn có thể đi lại bình thường. Rách cơ nhẹ đôi lúc sẽ xuất hiện một vài cơn đau.
- Căng cơ háng vừa: Mức độ vừa sẽ có một phần sợi cơ bị rách. Các cơn đau sẽ nặng hơn, khiến việc di chuyển trở nên khó khăn. Đôi lúc, một vài vết bầm tím có thể được phát hiện trong trường hợp này.
- Căng cơ háng nặng: Ở mức độ nặng, một phần hoặc hầu hết cơ sẽ bị rách. Tình trạng này sẽ phát ra âm thanh “bụp bụp” khi chấn thương xuất hiện. Người bệnh sẽ không thể di chuyển vì quá đau đớn. Cùng với đó, một số vết lõm có thể xuất hiện.
2. Nguyên nhân
Trước khi giải đáp cho việc căng cơ háng phải làm sao, người bệnh cũng nên biết về nguyên nhân gây ra tình trạng này. Về nguyên nhân gây căng cơ háng, có thể kể đến một số nguyên nhân phổ biến như sau:
2.1 Chấn thương
Chấn thương có thể nói là nguyên nhân phổ biến nhất gây căng cơ háng. Khi vận động quá mức, các sợi cơ sẽ giãn ra tối đa và không thể duy trì được hoạt động. Lúc này, người bệnh sẽ dễ bị căng cơ háng trong quá trình vận động.
Căng cơ háng do chấn thương xảy ra thường xuyên ở các vận động viên. Đây là nhóm người có tần suất vận động rất cao, vì thế thường bị căng cơ háng. Bóng đá, bóng chày, bóng bầu dục hay khúc côn cầu là những môn thể thao có cường độ vận động rất lớn.

2.2 Thoái hoá khớp háng
Thoái hoá khớp háng là một tình trạng phổ biến ở những người cao tuổi. Tuổi càng nhiều, xương và sụn sẽ càng trở nên yếu hơn. Bệnh nhân cũng sẽ xuất hiện các cơn đau ở háng vì gai xương hình thành. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc sinh hoạt và kéo theo đó là giảm chất lượng cuộc sống.
Các cơn đau ban đầu chỉ xuất hiện ở vùng háng và kéo dài xuống đùi. Nếu không được điều trị, cơn đau sẽ lan xuống tới khớp gối. Lúc này, người bệnh dễ gặp các cơn đau khi thời tiết có sự thay đổi. Trong trường hợp nặng, sức khoẻ của người bệnh thậm chí cũng bị ảnh hưởng.
2.3 Các bệnh lý khác
Nhiều bệnh lý khác cũng ảnh hưởng tới nguy cơ bị căng cơ háng của người bệnh. Có thể kể đến như viêm tuyến tiền liệt, u nang buồng trứng, chèn ép dây thần kinh,...
Cùng với đó, căng cơ háng sẽ mất nhiều thời gian bình phục hơn nếu bệnh nhân mắc các bệnh này.
3. Căng cơ háng phải làm sao?
Để giải quyết tình trạng này sẽ còn phụ thuộc vào mức độ căng cơ háng bệnh nhân gặp phải. Đối với các trường hợp nhẹ, người bệnh hoàn toàn có thể massage hoặc tập vật lý trị liệu. Điều này sẽ giúp thư giãn cơ, qua đó cơ bắp có thể bình phục tốt hơn. Người bệnh cũng có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau hoặc thuốc chống viêm.
Nếu bị căng cơ háng nặng, hãy đến bệnh viện ngay lập tức để thăm khám. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ có thể chẩn đoán tình hình và tiến hành điều trị. Đôi lúc, phẫu thuật là phương pháp sẽ được dùng cho các tình trạng nặng. Lúc này, thuốc và các cách điều trị bên ngoài đã không còn tác dụng.

Nhìn chung, nhiều người bệnh sẽ bối rối khi không biết căng cơ háng phải làm sao. Tuy nhiên, điều người bệnh cần làm chỉ là bình tĩnh và theo dõi các triệu chứng kỹ càng. Việc phán đoán được mức độ căng cơ sẽ giúp người bệnh xử lí tốt hơn.
Khi bị căng cơ háng, tốt nhất là người bệnh nên thăm khám tại các cơ sở y tế. Điều này sẽ đảm bảo rằng người bệnh được chẩn đoán và điều trị chính xác. Trong quá trình điều trị, người bệnh cũng cần theo dõi chặt chẽ để phát hiện biến chứng. Từ đó, khả năng bình phục của người bệnh sẽ không bị ảnh hưởng.
Vừa rồi là những thông tin mà Vinmec cung cấp về tình trạng căng cơ háng phải làm sao. Hi vọng rằng, người bệnh đã có được những thông tin cần thiết cho mình. Từ đó, bệnh nhân có thể biết được các rủi ro và cách điều trị tốt nhất cho bản thân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.