Chân yếu do rách sụn chêm có phải đi khám không có thể là nỗi băn khoăn của nhiều bệnh nhân khi sức khỏe của bên chân bị rách sụn chêm dần yếu đi theo thời gian. Qua đó, người bệnh gặp phải nhiều vấn đề trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, thậm chí là khó có thể di chuyển. Dù không còn đau, nhưng tình trạng chân yếu cũng khiến người bệnh lo lắng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ BSCK II Mai Anh Kha, Khoa Ngoại tổng hợp, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Chào bác sĩ! Em bị rách sụn chêm độ 1 và 2 nhưng vẫn chơi cầu lông. Giờ chân yếu lên xuống cầu thang khó khăn, không nhảy lên được. Xin hỏi bác sĩ chân yếu do rách sụn chêm có phải đi khám không? Cảm ơn bác sĩ.
Khách hàng ẩn danh
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến bác sĩ BSCK II Mai Anh Kha, Khoa Ngoại tổng hợp, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Trước tiên, tốt nhất là bạn nên đi khám tại các chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được thăm khám lâm sàng và chụp MRI khớp gối để được chỉ định chính xác nhất. Bên cạnh đó, bác sĩ xin gửi tới bạn một số thông tin về tình trạng này để bạn có thể hiểu rõ hơn tình trạng của bản thân.
1. Sụn chêm đầu gối là gì?
Sụn chêm ở đầu gối bao gồm sụn chêm trong và sụn chêm ngoài. Đây là bộ phận có nhiệm vụ bảo vệ phần sụn khớp của xương chày và xương đùi.
Cùng với đó, sụn chêm cũng có một số vai trò khác như:
- Tăng cường sự vững chắc cho khớp gối.
- Lấp đầy khe khớp gối, tránh tình trạng bao khớp hoặc hoạt mạc kẹt vào kẽ khớp.
- Phân tán lực lên đầu gối, giảm xóc và hấp thụ lực tác động.
2. Rách sụn chêm và biểu hiện rách sụn chêm
Rách sụn chêm là một trong những chấn thương thường gặp nhất của đầu gối. Tai nạn lao động, chơi thể thao, chấn thương khi tập hay tai nạn giao thông đều có thể là nguyên nhân gây ra rách sụn chêm.

Khi bị rách sụn chêm, bệnh nhân có thể xuất hiện một số dấu hiệu sau:
- Khó co hoặc duỗi khớp gối do kẹt khớp gối, khó vận động.
- Có cảm giác lục cục ở khớp khi vận động.
- Khi ấn vào khe khớp gối có cảm giác đau, nhức.
- Có tiếng phát ra giống như tiếng nổ ngay khi sụn chêm vừa rách.
Khi phát hiện những biểu hiện rách sụn chêm vừa được liệt kê, bệnh nhân nên đi khám ngay lập tức để có thể được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chính xác.
3. Điều trị rách sụn chêm
Nhìn chung, việc điều trị sẽ nhằm mục đích cải thiện tình trạng bệnh, giảm đau nhức và tăng cường khả năng vận động của bệnh nhân. Về cách điều trị, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp điều trị không phẫu thuật hoặc phẫu thuật tùy vào tình trạng của người bệnh. Cụ thể:
3.1 Điều trị không phẫu thuật
Cách này được áp dụng khi tổn thương sụn chêm nhỏ, khớp gối vững và bệnh nhân ít đau. Bác sĩ chủ yếu sẽ chườm đá, cố định khớp gối và kê đơn một số loại thuốc chống viêm, thuốc giảm đau và thuốc chống phù nề.
3.2 Phẫu thuật
Để điều trị rách sụn chêm bằng phương pháp phẫu thuật, bác sĩ có thể áp dụng mổ mở hoặc mổ nội soi. Một số phương pháp phẫu thuật để điều trị tình trạng này bao gồm:
- Cắt bỏ sụn: Cách này được áp dụng cho những vết rách trên 6 tuần, vùng máu nuôi nghèo nàn và vị trí rách ở khoảng hai phần ba vùng trong. Đây là trường hợp nghiêm trọng nhất và không có khả năng phục hồi.
- Ghép sụn chêm: Đây là một cách phẫu thuật khá phức tạp và cần phải sử dụng sụn chêm đồng loại.
- Khâu sụn chêm: Khâu sụn chêm cần phải được thực hiện sớm vì nếu can thiệp muộn có thể dẫn tới cơ hội phục hồi không cao.
4. Chân yếu do rách sụn chêm có phải đi khám không?
Nếu vết rách của người bệnh nhỏ, bệnh nhân không cần phải đi khám. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn thì bệnh nhân nên tìm đến sự trợ giúp từ y tế càng sớm càng tốt.

Đây là một loại chấn thương rất phổ biến và có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng, do đó bệnh nhân không nên xem thường.
Vừa rồi là những thông tin mà bác sĩ cung cấp cho bạn về vấn đề rách sụn chêm. Hi vọng rằng qua những chia sẻ này, bạn đã có thể nhận biết được tình hình sức khỏe của mình. Tốt nhất, bạn có thể đến các cơ sở y tế thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để được thăm khám và điều trị sớm.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.