Tăng Triglyceride máu là 1 tình trạng bệnh lý có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là trên đối tượng phụ nữ mang thai. Tìm hiểu những thông tin cơ bản về nguyên nhân, những ảnh hưởng cũng như cách điều trị nồng độ Triglyceride cao khi mang thai sẽ giúp cho các mẹ bầu có được 1 thai kỳ an toàn.
1. Chỉ số Triglyceride huyết thanh là gì?
Triglyceride là 1 chất béo chiếm khoảng hơn 80% lượng chất béo tiêu thụ hằng ngày của một người bình thường, hợp chất này có nhiều trong mỡ động vật hoặc dầu thực vật. Đồng thời, cơ thể cũng có khả năng chuyển hóa hàm lượng calo dư thừa thành Triglyceride và dự trữ chủ yếu ở gan hoặc lớp mỡ dưới da. Chỉ số Triglyceride huyết thanh thường được xác định bằng cách xét nghiệm sinh hóa Triglyceride lúc đói.
Những phụ nữ trong giai đoạn mang thai có thể được xác định nồng độ Triglyceride qua bộ các xét nghiệm mỡ máu với những thành như Triglyceride, Cholesterol toàn phần, LDL-C và HDL-C. Hiệp hội Tim Mạch Hoa Kỳ (AHA) đã phân loại nồng độ Triglyceride huyết thanh thông qua 4 mức độ khác nhau như:
- Bình thường: Triglyceride < 150 mg/dL (tương đương 1.7mmol/L). Đây cũng là mức Triglyceride an toàn mà một sản phụ nên duy trì trong suốt thời kỳ mang thai để đảm bảo an toàn sức khỏe toàn diện cho cả mẹ và bé.
- Mức ranh giới cao: Triglyceride từ 150 – 199 mg/dL (tương đương 1.8 – 2.2 mmol/L).
- Mức cao: Triglyceride từ 200 – 499 mg/dL (tương đương 2.3 – 5.6 mmol/L).
- Mức rất cao: Triglyceride > 500 mg/dL (tương đương 5.7 mmol/L).
2. Nguyên nhân làm chỉ số Triglyceride cao khi mang thai
Dưới đây là 1 vài nguyên nhân có thể làm chỉ số Triglyceride cao khi mang thai:
- Chế độ ăn uống không hợp lý: Trong thời kỳ mang thai, các mẹ bầu thường có xu hướng tiêu thụ nhiều loại thực phẩm khác nhau với mục đích duy trì sức khỏe cho bản thân cũng như thai nhi. Tuy nhiên, chế độ ăn không kiểm soát có thể gây ra những tác dụng ngược. Cụ thể, việc tiêu thụ quá nhiều chất béo xấu có trong thịt đỏ, các chế phẩm từ sữa, bơ... làm tăng nồng độ Triglyceride và chất béo xấu LDL-C trong máu, đồng thời nồng độ giảm chất béo tốt HDL-C. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ mang thai còn hay gặp phải hiện tượng “thèm ngọt”, nguyên nhân khiến mẹ thèm ăn các thực phẩm chứa đường vốn nhiều “calo rỗng” như bánh quy, ngũ cốc tinh chế,bánh mì...
- Hạn chế hoặc lười vận động: Những phụ nữ mang thai, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ thường hạn chế trong vấn đề vận động. Tâm lý lo lắng cũng như cảm giác lười vận động sẽ làm chậm quá trình chuyển hóa và đào thải béo, hậu quả là nồng độ Triglyceride dư thừa ngày càng tích lũy nhiều ở lớp mỡ dưới da cũng như mỡ xung quanh tạng.
- Tuy ít, những vẫn có một vài trường hợp có vài thói quen xấu như uống rượu bia, hút thuốc lá, thường hay suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng kéo dài... cũng là lý do gây ra rối loạn nội tiết và gián tiếp làm tăng Triglyceride trong thời kỳ mang thai thông qua việc rối loạn chuyển hóa chất béo. Không chỉ vậy, những hợp chất có hại từ thuốc lá, rượu bia còn có thể làm tổn thương thành mạch, qua đó hợp chất Triglyceride đọng lại ở trong mạch máu và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
- Một số phụ nữ mắc các bệnh lý nền bao như béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ,... không được điều trị và kiểm soát tốt trước khi mang thai có thể là yếu tố nguy cơ gây ra tăng Triglyceride trong thai kỳ.
3. Ảnh hưởng của chỉ số Triglyceride cao ở bà bầu
Thông thường khi chỉ số Triglyceride tăng cao trong máu sẽ cản trở quá trình vận chuyển máu và gây hậu quả nghiêm trọng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, với đối tượng đặc biệt là phụ nữ mang thai, tăng Triglyceride vừa gây tác động lên cơ thể người mẹ vừa gây ra nhiều biến chứng lên thai nhi trong bụng.
Đối với thai phụ:
- Vấn đề về tim mạch: Xơ vữa động mạch là biến chứng thường gặp nhất của tình trạng tăng Triglyceride máu. Hiện tượng lắng đọng các chất béo dư thừa lên thành mạch, tạo thành các mảng xơ vữa gây hẹp đường kính và cản trở quá trình lưu thông máu trong lòng mạch. Điều này sẽ kéo theo những vấn đề về liên quan đến tim mạch như bệnh mạch vành, tăng huyết á, suy tim...
- Đái tháo đường thai kỳ: Quá trình mang thai có thể làm thay đổi nồng độ nội tiết của người mẹ, hậu quả của quá trình này có thể kể đến là sự đề kháng với Insulin, từ đó gây nên bệnh đái tháo đường thai kỳ. Nồng độ Triglyceride cao có thể gián tiếp ảnh hưởng đến quá trình bệnh sinh của đái tháo đường ở phụ nữ mang thai. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng khả năng áp chế quá trình phân giải mỡ của Insulin tại thời điểm cuối thai kỳ giảm rõ rệt, làm cho acid béo tự do trong máu tăng cao rõ rệt. Tình trạng này kèm theo sự tăng nồng độ Triglyceride sẵn có ở thai phụ sẽ khiến cho hiện tượng đề kháng Insulin trở nên trầm trọng, gây ra bệnh lý đái tháo đường type II ngay cả sau khi sinh em bé.
- Gan nhiễm mỡ cũng là 1 ảnh hưởng của tình trạng này trên phụ nữ có thai. Chất béo trong cơ thể hầu hết đều phải được xử lý ở gan sau đó mới được vận chuyển đến các tế bào cần thiết. Tuy nhiên, khi lượng Triglyceride tăng quá cao sẽ gây ứ đọng lại tại gan và dẫn đến hiện tượng gan nhiễm mỡ.
- Tình trạng tăng Triglyceride trong lúc mang thai có thể gây ra tích tụ mỡ thừa dưới da, tạo thành mỡ bụng sau khi sinh. Tình trạng này có thể làm mất đi tính thẩm mỹ và sự tự tin của chị em, đồng thời đòi hỏi một quá trình giảm cân khó khăn để hy vọng lấy lại được vóc dáng như ban đầu.
Đối với thai nhi:
Không chỉ ảnh hưởng đến người mẹ, tình trạng tăng Triglyceride còn gây ra nhiều tác động xấu đến thai nhi.
Những hợp chất không phân cực và tan trong mỡ giống như Triglycerid sẽ có thể qua được nhau thai nhiều hơn so với những chất ion hóa hoặc ưa nước. Vì thế, khi nồng độ Triglyceride tăng cao trong máu mẹ, nó có thể truyền cho thai nhi một cách dễ dàng. Do đó, trẻ sau khi sinh sẽ rất dễ bị nhiễm mỡ trong máu, căn bệnh này có tính di truyền và tỷ lệ trẻ mắc phải là rất lớn ở những bà mẹ có chỉ số Triglyceride trong máu cao.
Không thể phủ nhận một điều là chính hợp chất Triglyceride có thể mang lại nhiều tác dụng tích cực vào sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, nếu nồng độ của nó tăng quá cao sẽ không chỉ tiềm ẩn nhiều biến chứng cho trẻ trong tương lai mà còn tác động xấu đến quá trình thai nghén, hậu quả là tình trạng tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật hoặc sinh non.
4. Cần làm gì khi chỉ số Triglyceride tăng khi mang thai?
Các mẹ bầu muốn nồng độ Triglyceride được ổn định để có một thai kỳ khỏe mạnh thì nên lưu ý những cách sau:
Xây dựng một chế độ ăn hợp lý:
Chế độ ăn của thai phụ nhằm hạn chế tình trạng tăng Triglyceride cần đảm bảo hai tiêu chí là đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng. Để phòng ngừa chỉ số Triglyceride máu tăng, các bà mẹ cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để có thể xây dựng cho mình một thực đơn ăn uống hợp lý qua từng thời kỳ của quá trình thai nghén. Thông thường, một phụ nữ mang thai cần dung nạp khoảng 2200 Kcal mỗi ngày. Ở thời điểm 3 tháng cuối thai kỳ, sẽ phải tăng thêm 350 Kcal mỗi ngày, tương đương việc ăn thêm 1 chén cơm đầy. Bên cạnh đó, một số vấn đề mà thai phụ cần quan tâm trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày, bao gồm:
- Cần bổ sung thêm 15 g Protein mỗi ngày so với bình thường. Nên kết hợp phong phú các loại Protein từ thực vật và động vật như trong thịt nạc, cá, tôm, đậu xanh, đậu nành...
- Hạn chế ăn muối và thức ăn mặn, ăn nhạt sẽ giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch, suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ, suy thận...
- Tăng cường bổ sung thực phẩm có chứa Axit béo Omega – 3, là một hợp chất có lợi cho quá trình điều hòa mỡ máu, tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá mòi... và các loại hạt như hạt óc chó, hạt chia, hạt lanh...
- Bổ sung rau củ quả và trái cây giàu chất xơ và Vitamin như trong cải bắp, yến mạch, gạo lứt, ớt chuông, táo, mận, lê... sẽ giúp giảm hấp thu các chất béo không tốt tại niêm mạc ruột.
- Các mẹ bầu cũng cần bổ sung thêm nhiều khoáng chất như sắt, kẽm, Vitamin A, Acid folic... vào những tháng cuối thai kỳ cho sự phát triển của thai nhi, các thực phẩm có thể sử dụng như thủy hải sản, rau dền, rau ngót...
- Một số loại thực phẩm nên tránh bao gồm đồ chiên rán, thức ăn nhanh, phủ tạng động vật, thịt đỏ... có thể gây ra tình trạng tăng nồng độ Triglyceride khi mang thai trở nên trầm trọng. Ngoài ra, nhóm thực phẩm chứa nhiều đường tinh chế như bánh mì, bánh quy, ngũ cốc tinh chế... cũng cần hạn chế sử dụng do chúng có khả năng ức chế Insulin, làm cho sự phân giải chất béo bị đình trệ.
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, nước ngọt, thuốc lá, chất kích thích...
Chế độ luyện tập thể dục khoa học:
Vận động hợp lý, kết hợp với các bài tập nhẹ nhàng tại nhà hằng ngày trong quá trình mang thai không chỉ giúp mẹ bầu duy trì được sức khỏe toàn diện mà còn cải thiện hệ tuần hoàn, sự vận chuyển Triglyceride hiệu quả. Hơn thế nữa, khi mẹ bầu vận động hợp lý, chất Endorphin sẽ được tiết ra có thể truyền qua nhau thai, giúp cho cả mẹ và bé được thư giãn, giảm thiểu căng thẳng khi mang bầu. Điều này gián tiếp làm hạn chế tình trạng tăng Triglyceride máu.
Các mẹ bầu có thể lựa chọn những cách vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga với sự hướng dẫn của huấn luyện viên, hoặc những động tác thể dục tại nhà theo sở thích của bản thân. Hãy bắt đầu chế độ vận động với những bài tập dễ thực hiện, cường độ chậm rãi trong khoảng 20 phút. Nên lựa chọn không gian tập thoải mái, trong lành để cơ thể được thư giãn tối đa trong suốt quá trình vận động
Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho cả mẹ và bé, chị em cần hỏi ý kiến bác sĩ sản khoa hoặc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em để xin ý kiến về lộ trình và tần suất tập luyện phù hợp. Đặc biệt, không tự ý thực hiện hoặc tham gia vào những động tác hoặc bài tập nguy hiểm và tiêu tốn nhiều sức lực. Điều quan trọng là cần vận động nhẹ nhàng và nghỉ ngơi ngay khi cảm thấy không đủ sức.
Khám thai định kỳ:
Theo thai kỳ bình thường thì mỗi thai phụ cần được khám thai ít nhất là 3 lần trong suốt giai đoạn mang thai. Đối với mẹ bầu có nguy cơ hoặc có tiền sử tăng Triglyceride máu trong thai kỳ thì cần thăm khám định kỳ với tần suất nhiều hơn hơn, tốt nhất là mỗi tháng 1 lần để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm trước và sau khi sinh. Với những trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể chủ động theo dõi và đưa ra phương pháp điều trị sớm để hạn chế việc sử dụng thuốc cho các mẹ bầu.
Tóm lại, tăng Triglyceride máu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm liên quan đến tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường...Và tình trạng này cũng cần được xem trọng khi nó xảy ra trên những đối tượng đặc biệt, cụ thể là phụ nữ có thai. Những thông tin cơ bản về định nghĩa, nguyên nhân, những ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng tăng Triglyceride trong thai kỳ sẽ giúp cho các mẹ bầu cảnh giác hơn cũng như chú ý dự phòng bệnh lý này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.